Cần bỏ khâu thông báo để rút ngắn quy trình xử lý vi phạm đất đai

Cử tri tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng nên rút ngắn quy trình xử lý vi phạm đất đai thông việc bỏ qua bước “Thông báo xử lý đến người vi phạm” bởi thời gian ra thông báo mất từ 9 đến 15 ngày.
(Ảnh minh họa: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Cho rằng quy trình xử lý vi phạm đất đai còn bất cập, cử tri tỉnh Vĩnh Phúc đã kiến nghị rút ngắn quy trình xử lý vi phạm đất đai, bỏ qua bước “Thông báo xử lý đến người vi phạm” vì thời gian ra thông báo cho người vi phạm rất dài (từ 9 đến 15 ngày).

Ngoài ra, để đảm bảo cho công tác giải tỏa, ngăn chặn chống lấn chiếm đất đai được thuận lợi, cử tri tỉnh Vĩnh Phúc cũng đề nghị xem xét, sửa đổi quy trình xử lý vi phạm đất đai được quy định tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Trả lời kiến nghị nêu trên, phía Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai bao gồm vi phạm trong sử dụng đất và vi phạm trong thực hiện dịch vụ về đất đai. Do đó, đối với thủ tục xử phạt thì cần thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

[Quốc hội: Hai Bộ trưởng chia sẻ về cấp sổ hồng cho bất động sản]

Tuy nhiên, một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội khi tham gia thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, vẫn cho rằng quy trình thủ tục xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai quá phức tạp, trong khi tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép xảy ra hàng ngày hàng giờ.

Cụ thể, theo đại biểu Nguyễn Phi Long (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định), quy trình thủ tục xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai quá phức tạp, là bởi “cơ quan chức năng kiểm tra từ thứ 2 đến thứ 6 thì họ làm thứ 7, chủ nhật; có vụ việc kéo dài cả chục năm, phát sinh khiếu kiện, đặc biệt là những nơi phát triển về dịch vụ, du lịch, công nghiệp. Thực tế này gây nhiều khó khăn với chính quyền cơ sở trong điều kiện công chức địa chính ở cấp xã chỉ có 1 người.”

“Theo đúng quy trình từ khâu lập biên bản, tống đạt quyết định, xử phạt hành chính, lập hồ sơ, xây dựng phương án cưỡng chế... để cấp huyện, xã thực hiện thì nửa năm không xong. Có trường hợp tôi trực tiếp đi kiểm tra, thấy đang xây trái phép, bảo xã lập biên bản, đập luôn đi thì lãnh đạo xã bảo không được, có khi bị gia chủ kiện ngược lại vì làm không đúng quy trình,” ông Long lưu ý.

Chính vì thế, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đề nghị cần nghiên cứu xây dựng phương án quy trình rút gọn với những thủ tục hành chính được rút ngắn để xử lý kịp thời./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục