Cần biện pháp phục hồi tổng cầu kịp thời nhằm thúc đẩy tăng trưởng

Mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 sẽ trở nên rất khó khăn, khi mà những tác động từ thế giới vẫn rất khó lường thêm vào đó khu vực sản xuất trong nước lại chưa hoàn toàn hồi phục sau đại dịch.
Tọa đàm Kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2023 với chủ đề “Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh mới,” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Tạp chí Kinh tế Việt Nam đồng chủ trì tổ chức, ngày 11/7.(Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)
Tọa đàm Kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2023 với chủ đề “Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh mới,” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Tạp chí Kinh tế Việt Nam đồng chủ trì tổ chức, ngày 11/7.(Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Những số liệu kinh tế vĩ mô của sáu tháng đầu năm cho thấy sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu của nền kinh tế. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 sẽ trở nên rất khó khăn. Khi mà, những tác động từ thế giới vẫn rất khó lường thêm vào đó khu vực sản xuất trong nước lại chưa hoàn toàn hồi phục sau đại dịch COVID-19.

Đây là nội dung được trao đổi tại Tọa đàm Kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2023 với chủ đề “Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh mới,” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Tạp chí Kinh tế Việt Nam đồng chủ trì tổ chức, ngày 11/7.

Tổng cầu sụt giảm

Trao đổi về sự sụt giảm trong tổng cầu của nền kinh tế, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thành Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc Dân, cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, kinh tế thế giới gặp nhiều bất ổn xuất phát từ lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao. Theo đó, các ngân hàng Trung ương tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt. Bình diện chung, nhiều nền kinh tế lớn đã tăng trưởng chậm lại và các yếu tố chính trị như chiến sự Nga-Ukraine vẫn diễn biến rất phức tạp.

Trong tình hình đó, kinh tế Việt Nam ghi nhận GDP 6 tháng chỉ tăng 3,7%. Đây là mức tăng thấp so với cùng kỳ trong giai đoạn 10 năm qua (chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,7% cùng kỳ của năm 2020- do ảnh hưởng mạnh của COVID-19).

[Tập trung tham mưu, cụ thể hóa chủ trương, chính sách phát triển KT-XH]

Đáng lưu ý, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 6 tháng ước đạt 232 nghìn tỷ đồng, tương đương 33% kế hoạch năm. Bên cạnh đó, vốn thực hiện từ khu vực ngoài Nhà nước chỉ tăng 2% so với cùng kỳ. Vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 13,4 tỷ USD, giảm 4,3% và  tổng vốn FDI thực hiện ước đạt 10 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ.

Liên quan đến thương mại quốc tế, Tiến sỹ Nguyễn Thành Hiếu cho hay tính chung 6 tháng, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại xấp xỉ 12,3 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh so với cùng kỳ, lần lượt giảm 12% và 18%. Nguyên do, nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam (như Hoa Kỳ, ASEAN, EU) và một số quốc gia Đông Á sụt giảm. Cụ thể, lượng xuất khẩu sang Hoa Kỳ là giảm mạnh nhất với mức 22,6%. Kéo theo, lượng nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc chứng kiến mức sụt giảm 25,6%, đây là mức lớn nhất trong các thị trường chính.

Cần biện pháp phục hồi tổng cầu kịp thời nhằm thúc đẩy tăng trưởng ảnh 1Việt Nam duy trì thặng dư thương mại xấp xỉ 12,3 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh so với cùng kỳ, lần lượt giảm 12% và 18%.(Ảnh: Vietnam+)

“Điều này cũng khiến cho sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Việt Nam giảm mạnh so với cùng kỳ,” Tiến sỹ Hiếu nói.

Ông Hiếu nhấn mạnh thêm về mức tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế của 6 tháng chỉ đạt  3,13% (trong khi cùng kỳ năm trước tăng 8,51%). Ông phân tích, mức tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế là  rất yếu, mặc dù mức lãi suất đã có xu hướng giảm hơn so với năm 2022. Mặt khác, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế cho giai đoạn 2 (năm 2022-2023) đã qua 1 năm rưỡi, nhưng số tiền đã giải ngân còn rất thấp, chưa tạo được sự hỗ trợ kịp thời cho các khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải.

“Điều này đòi hỏi Chính phủ và các Bộ, Ban, Ngành liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để phục hồi tổng cầu, phát triển kinh tế trong bối cảnh mới,” Tiến sỹ Nguyễn Thành Hiếu khuyến nghị.

Chính phủ hành động quyết liệt

Tại tọa đàm, ông Trần Thành Long, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế Quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt, tập trung chỉ đạo, ban hành nhiều cơ chế, chính sách trên tất cả các lĩnh vực, nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ các điểm nghẽn của nền kinh tế.

Theo đó, nhiều chính sách thiết thực, thể hiện tinh thần sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đã được chỉ đạo triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển.

Về chính sách tiền tệ, lãi suất điều hành được giảm liên tục 4 lần nhằm giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận và cung cấp vốn cho nền kinh tế. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Một số điều kiện về cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng được nói lỏng, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Mặt khác, gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang được triển khai tích cực.

Cần biện pháp phục hồi tổng cầu kịp thời nhằm thúc đẩy tăng trưởng ảnh 2Trên cơ sở kết quả tọa đàm, Ban tổ chức sẽ ghi nhận, tiếp thu tối đa tất cả các ý kiến trao đổi, thảo luận, góp ý cũng như nghiên cứu đầy đủ các tài liệu, các tham luận để chuyển giao cho Ban Kinh tế Trung ương. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Hơn nữa, chính sách tài khóa tiếp tục triển khai cho phép gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm thuế, phí, lệ phí với tổng quy mô khoảng 200 nghìn tỷ đồng và giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng cuối năm.

Đặc biệt, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xử lý vướng mắc trong các lĩnh vực bất động sản, đầu tư, môi trường, y tế, đăng kiểm, phòng cháy chữa cháy, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, tăng cường xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư.

Cụ thể, Chính phủ đã thành lập 5 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Thêm vào đó, Chính phủ đã tổ chức các đoàn công tác của Thành viên Chính phủ làm việc với địa phương. Chính phủ cũng chỉ đạo thành lập các Tổ công tác đặc biệt của địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư tại địa bàn…

Ông Trần Thành Long nhấn mạnh giải pháp, chính sách trên đang kịp thời đi vào cuộc sống. Kết quả ghi nhận những dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế ngay trong quý 2. Nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng đã có bước chuyển biến tích cực, tuy còn thấp nhưng đã cho thấy xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước, quý 2 cao hơn quý 1. Điều này góp phần cải thiện kết quả chung của cả 6 tháng đầu năm và tạo đà cho các tháng tiếp theo.

5 nhiệm vụ giải pháp

Ông Trần Thành Long cho biết trên cơ sở bối cảnh, tình hình hiện nay rất sự cần vào cuộc quyết liệt, tập trung đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu trong những tháng cuối năm 2023. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Một là, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục triển khai các giải pháp, chính sách kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước, tăng cường kết nối cung-cầu hàng hóa và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Tô chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh xuất khẩu đồng thời khai thác hiệu quả, thực chất hơn nữa các hiệp định tự do thương mại (FTA) đã ký kết.

Hai là, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng hơn, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, tăng trưởng tín dụng xác định hạn mức tăng hợp lý và giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay để hỗ trợ dòng tiền, đảm bảo khả năng tiếp cận tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội tiếp tục rà soát với các điều kiện cho vay thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi...

Ba là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gắn với quá trình chuyển giao công nghệ tiên tiến. Công tác giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và các Chương trình mục tiêu quốc gia cần đẩy mạnh hơn nữa. Mục tiêu thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững phải dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…

Bốn là tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Năm là siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành. Đặc biệt là khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc.

“Bên cạnh đó, các quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung cần sớm hoàn thiện. Từ đó có cơ chế, chính sách xử lý các trường hợp các bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm,” ông Long nói./.

Trên cơ sở kết quả tọa đàm, Ban tổ chức sẽ ghi nhận, tiếp thu tối đa tất cả các ý kiến trao đổi, thảo luận, góp ý cũng như nghiên cứu đầy đủ các tài liệu, các tham luận để chuyển giao cho Ban Kinh tế Trung ương.

Mục đích phục vụ xây dựng báo cáo đánh giá kinh tế vĩ mô và tham mưu các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế -xã hội theo chức năng, nhiệm vụ của Ban Kinh tế Trung ương.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục