Cần 7.424 tỷ đồng xây dựng công trình chống ngập cho Cần Thơ

Cần 7.424 tỷ đồng xây dựng công trình thủy lợi chống ngập cho Cần Thơ

Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho biết thành phố Cần Thơ cần 7.424 tỷ đồng để đầu tư cho quy hoạch thủy lợi chống ngập úng trên địa bàn thành phố.
Nước ngập vào tận nhà dân tại quận Ninh Kiều. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Tại buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ về dự án Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng thành phố Cần Thơ ngày 23/10, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết thành phố Cần Thơ cần 7.424 tỷ đồng để đầu tư cho quy hoạch thủy lợi chống ngập úng trên địa bàn thành phố.

Theo đánh giá của Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, hiện trạng ngập úng tại thành phố Cần Thơ năm sau thường lớn hơn năm trước và ngày càng nghiêm trọng.

Hầu hết các quận, huyện trên địa bàn thành phố đều bị ngập khi triều cường hoặc mưa thời đoạn lớn.

Ngập nghiêm trọng nhất là các quận trung tâm như Ninh Kiều, Bình Thủy ngập sâu nhất tới 40-50 cm, thời gian ngập khoảng 2-3 giờ; nhiều hẻm ngập từ 20-0 cm khi mưa lớn và triều cường song lại kéo dài tới 3-4 giờ, có chỗ kéo dài hàng ngày gây khó khăn rất lớn cho cuộc sống của người dân.

Bên cạnh đó, tại các quận, huyện như Cái Răng, Ô Môn và Phong Điền độ ngập phổ biến từ 20-0 cm, nước chỉ rút sau mưa khoảng 2-3 giờ.

Các khu ruộng sản xuất nông nghiệp có độ ngập 70-80cm, có nơi ngập sâu từ 1-1,2 m, thời gian ngập từ 1-2 tháng vào những năm lũ lớn.

Theo kết quả điều tra ngập của Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam năm 2009 tại ba quận như Ninh Kiều, Cái Răng và Bình Thủy thì có đến 18 điểm ngập do mưa và 46 điểm ngập do mưa kết hợp với triều cường.

Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho biết thành phố Cần Thơ hiện đang ngập úng ngày càng nghiêm trọng do tác động tổ hợp của các yếu tố thủy triều, lũ và mưa nội vùng, cũng như biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Theo đó, Trạm Cần Thơ mưa tháng Bảy là 218mm, tháng Chín là 259mm, tháng 10 là 283mm, tháng 11 là 154,8mm trùng với thời kỳ lũ lớn nhất xảy ra ở sông Hậu ( cuối tháng 9 và tháng 10). Tổ hợp bất lợi này là nguyên nhân gây ra hiện tượng ngập úng nghiêm trọng cho thành phố Cần Thơ.

Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho biết để giải quyết bài toán ngập úng cho thành phố Cần Thơ thời gian tới cần áp dụng các giải pháp tổng hợp công trình và phi công trình, xây dựng cống, van, đê bao ngăn triều; nạo vét kênh, trạm bơm, các khu trữ nước, xây dựng quy trình quản lý vận hành hợp lý...

Theo ông Nguyễn Hữu Huy, Trưởng phòng Quy hoạch Thủy lợi, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, dựa vào kết quả tính toán thủy lực, kinh tế, tác động môi trường và tính khả thi thì phương án toàn bộ vùng trung tâm thành phố Cần Thơ được bao thành ô riêng biệt, là khả thi nhất trong thực hiện quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho Cần Thơ. Phương án này hiệu quả giảm mức nước cũng như chiều dài bờ bao, số lượng cống, trạm bơm, cao trình tôn nền tốt hơn nhiều so với các phương án khác.

Ông Huy cho biết thêm phương án này chi phí giải tỏa, đền bù rẻ hơn nhiều so với các phương án khác. Cụ thể, phương án này có kinh phí khoảng hơn 7.424 tỷ gồm các hạng mục như kênh trục; kênh cấp 1,2,3; kênh nội vùng; bờ bao các cấp; cống tiêu; trạm bơm; đền bù giải phóng mặt bằng... Trong khi phương án 1 thì kinh phí đầu tư là hơn 11.223 tỷ đồng; phương án 2 là trên 7.857 tỷ...

Bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, cho biết hiện thành phố Cần Thơ đang tập trung đầu tư hòan chỉnh hệ thống công trình chống ngập úng vùng nội ô, trung tâm thành phố Cần Thơ đến năm 2015 với tổng diện tích 17.700ha, bao gồm các hạng mục xây dựng 24 cống tiêu thóat nước; xây dựng hai âu thuyền tại sông Trà Nóc, Bình Thủy; nạo vét 109km kênh trục; nâng cấp 133,5km đê bao; xây dựng sáu trạm bơm tiêu với 15 tổ máy; nạo vét 175km các kênh trục và kênh cấp 1.

Tổng vốn đầu tư chống ngập giai đọan này là 2.442 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục