Cần 7 tỷ USD để ngăn chặn nạn đói ở vùng Sừng châu Phi

Tổng Thư ký LHQ cho biết "khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng" đang đe dọa hàng triệu người ở vùng Sừng châu Phi, bao gồm lãnh thổ của các quốc gia Ethiopia, Eritrea, Somalia, , Djibouti, Kenya và Sudan.
Trẻ em nhận bữa ăn từ thiện tại Howlwadag, phía Nam thủ đô Mogadishu, Somalia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hơn 40 triệu người tại Ethiopia, Kenya và Somalia đang phải đối mặt với đợt hạn hán kỷ lục kéo dài.

Tình trạng di cư ồ ạt, giá lương thực tăng vọt và gần đây là cuộc giao tranh tại Sudan đã làm trầm trọng thêm những khó khăn tại khu vực vốn đã chịu bất ổn an ninh do xung đột nhiều năm qua.

Mất an ninh lương thực

Trong báo cáo tình hình và ứng phó với hạn hán ở vùng Sừng châu Phi mới nhất, Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc (WFP) cho biết các quốc gia trong khu vực, chủ yếu là Ethiopia, Kenya và Somalia, đang phải đối mặt với hạn hán nghiêm trọng trong hai năm rưỡi sau 5 mùa mưa khô hạn.

Khoảng 5,4 triệu người ở Kenya có thể rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực trong khoảng thời gian từ tháng Ba đến tháng 6/2023.

Tại Somalia, ước tính khoảng 6,5 triệu người được cho là đối mặt với khủng hoảng hoặc mất an ninh lương thực nghiêm trọng từ tháng Một đến tháng 3/2023.

Còn tại Ethiopia, chỉ tính riêng tại các khu vực chịu ảnh hưởng hạn hán, có tới khoảng 11,8 triệu người cần hỗ trợ lương thực khẩn cấp, tăng 59% so với đầu năm 2022.

[UNICEF cảnh báo về tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng tại Sừng châu Phi]

Trong khi đó, theo UNICEF, hơn 7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở khu vực này tiếp tục bị suy dinh dưỡng, cần được hỗ trợ dinh dưỡng khẩn cấp, trong đó 1,9 triệu trẻ có nguy cơ tử vong do suy dinh dưỡng nặng.

Trong 3 năm qua, các cộng đồng dân cư đã buộc phải thực hiện các biện pháp cực đoan để tồn tại, với hàng triệu trẻ em và gia đình rời bỏ nhà cửa trong tuyệt vọng để tìm kiếm thức ăn và nước uống.

Cần 7 tỷ USD để ngăn chặn nạn đói

Để đối phó với tình trạng khẩn cấp trên, Liên hợp quốc đã tổ chức một hội nghị các nhà tài trợ diễn ra tại trụ sở của tổ chức này ở New York.

Tổ chức này cũng nhận định cần tổng cộng 7 tỷ USD để hỗ trợ cho cư dân của vùng Sừng châu Phi.

Tại hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết "khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng" đang đe dọa hàng triệu người ở vùng Sừng châu Phi, bao gồm lãnh thổ của các quốc gia Ethiopia, Eritrea, Somalia, Djibouti, Kenya và Sudan.

Tổng thư ký Guterres kêu gọi cần phải hành động ngay với tinh thần cấp bách hơn, mạnh mẽ hơn để ngăn tình trạng thảm họa. Số tiền tài trợ sẽ được dùng để cung cấp nhu yếu phẩm và phục vụ nhu cầu y tế cho người dân.

Tại hội nghị, những cam kết viện trợ dành cho khu vực này đã đạt mức 2,4 tỷ USD, nhưng còn xa mức mục tiêu 7 tỷ USD.

Tổng Thư ký Guterres cũng từng nhấn mạnh cần hành động khẩn cấp để ngăn chặn "kịch bản tồi tệ nhất" cho khu vực Sừng châu Phi.

Thứ nhất là đầu tư mọi mặt để ứng phó khẩn cấp từ lương thực, chăm sóc y tế và dinh dưỡng, đến nguồn nước và các dịch vụ vệ sinh.

Thứ hai là hỗ trợ các nhóm viện trợ địa phương, vốn có thể tiếp cận được những người dễ bị tổn thương nhất.

Thứ ba là kêu gọi tất cả các bên xung đột tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, đảm bảo tiếp cận an toàn và không bị ngăn cản tới những người đang cần được hỗ trợ.

Trước đó, ngày 15/5, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cũng kêu gọi đóng góp 58,5 triệu USD để cung cấp trợ giúp nhân đạo cho hơn 1 triệu người di cư dễ bị tổn thương trên "Tuyến đường phía Đông" chạy từ vùng Sừng châu Phi đến Yemen và các nước vùng Vịnh.

Theo IOM, việc thiếu ngân quỹ đang khiến số người di cư được hỗ trợ và bảo vệ nhân đạo bị giảm mạnh, bao gồm hỗ trợ tại các trung tâm phục vụ người di cư dọc theo tuyến đường trên.

Tuyến đường phía Đông là một trong những tuyến đường di cư phức tạp và nguy hiểm nhất tại châu Phi và trên thế giới.

Hàng trăm nghìn người chủ yếu từ Ethiopia và Somalia đi theo tuyến đường này hàng năm với hy vọng đến được các nước vùng Vịnh để tìm việc làm và phải đối mặt với những nguy hiểm như chết đói, đói và mất nước.

Người di cư, thường là mục tiêu của những kẻ buôn người và có thể đối mặt với bắt cóc, bắt giam người tùy tiện, tuyển mộ cưỡng bức cho các nhóm giao tranh, đặc biệt là tại Yemen./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục