Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải đề nghị chấp thuận kinh phí gần 5 tỷ đồng để thực hiện công tác kiểm tra và sửa chữa định kỳ một số máy móc, thiết bị chính thuộc các hệ thống của hầm đường bộ Hải Vân. Tổng cục Đường bộ cũng cho rằng, công tác vận hành của hầm có thể bị ảnh hưởng lớn nếu phải sửa chữa các thiết bị hư hỏng. Theo Tổng cục Đường bộ, từ khi nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng (năm 2005), hầm đường bộ Hải Vân được giao cho các cơ quan quản lý, vận hành, bảo trì và khai thác đúng như quy định tại quy trình. Tính đến nay, qua hơn 7 năm khai thác, hầm đã được vận hành đảm bảo giao thông thông suốt dù có xảy ra một vài sự cố. Cụ thể, cuối năm 2012, vỏ hầm chính có hiện tượng nứt ở đỉnh vòm, theo các chuyên gia đánh giá, vỏ hầm không phải là loại vỏ hầm chịu lực mà chỉ có tính năng định hình vòm hầm, tạo không gian cho xe chạy, ngăn không cho nước chảy xuống mặt đường và lắp đặt các trang thiết bị phục vụ vận hành hầm nên các vết nứt chưa ảnh hưởng đến khả năng làm việc của hầm. Ngay sau đó, Tổng cục Đường bộ đã chỉ đạo Khu Quản lý đường bộ V và Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân (HAMADECO) tổ chức theo dõi diễn biến các vết nứt, lập hồ sơ theo dõi để xử lý kịp thời khi có biểu hiện phát sinh nứt lớn. Hiện, Khu Quản lý đường bộ V chuẩn bị thử nghiệm dán sợi Tyfo (của Công ty Fyfe Asia) để xử lý hạn chế nứt và tránh nước rò rỉ chảy xuống hầm. Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ cũng thừa nhận, một loạt các linh kiện, thiết bị tại các hệ thống khác cũng đã bị hư hỏng, xuống cấp cần sửa chữa, thay thế để phục vụ hoạt động của hầm. Đến nay, hầu hết các trang, thiết bị của các hệ thống phục vụ hoạt động của hầm Hải Vân đã qua rất nhiều (thậm chí gấp 2 – 3 lần) thời hạn phải trung, đại tu theo chỉ dẫn trong sổ tay hướng dẫn sử dụng, bảo trì của nhà sản xuất nhưng chưa được thực hiện trung, đại tu. Vì vậy, một số thiết bị của hầm đã phát sinh hư hỏng gây ảnh hưởng đến sự hoạt động bình thường của hầm. [Hầm đường bộ Hải Vân vẫn được khai thác an toàn] Dẫn chứng, trong tháng 1/2013, hầm Hải Vân đã hỏng quạt cấp khí số 2 thuộc hệ thống thông gió đã phải cô lập, đang chờ sửa chữa; tháng 2/2013 quạt xả khí số 1 thuộc hệ thống thông gió cũng có hiện tượng kêu bất thường tại ổ bi, phải tạm dừng chờ kiểm tra để sửa chữa. “Mặc dù theo thiết kế quy trình, vận hành của hầm đã tính dự phòng trường hợp hư hỏng một vài thiết bị, vẫn có thể vận hành tổng hợp các thiết bị còn lại của hầm để duy trì hoạt động tạm thời trong một thời gian nhất định nhưng tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố vận hành,” Tổng cục Đường bộ cho hay. Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ cũng nhìn nhận, công tác bảo trì chỉ quy định các công việc kiểm tra, vệ sinh, siết lại bu lông, tiếp điểm, bơm dầu mỡ cho các thiết bị... mà chưa đề cập đến việc sửa chữa nhỏ, thay thế các linh kiện, phụ tùng hư hỏng đột xuất đồng thời trong định mức tạm thời quản lý, vận hành và bảo trì hầm đường bộ Hải Vân của các đơn vị phân cấp cũng chưa nhắc tới các nội dung trên. Nhằm đảm bảo hầm vận hành bình thường, liên tục, tránh xảy trình trạng hư hỏng nhiều thiết bị cùng lúc, dẫn đến hầm phải ngừng hoạt động, gây đình trệ giao thông trên Quốc lộ 1, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông và đưa vào kế hoạch sửa chữa năm 2013 của hầm Hải Vân một số danh mục sửa chữa, thay thế một số linh kiện, thiết bị của hệ thống với kinh phí dự kiến gần 5 tỷ đồng. [Hầm đường bộ Hải Vân sẽ mở cửa liên tục dịp Tết] Tổng cục Đường bộ cũng đề nghị Bộ Giao thông bố trí, dành riêng một khoản kinh phí trong quỹ bảo trì đường bộ Trung ương được cấp hàng năm (khoảng 5 – 10 tỷ đồng) để mua linh kiện, phụ tùng thay thế và sửa chữa thiết bị khi có hư hỏng đột xuất./.
Hầm đường bộ Hải Vân được xây dựng từ tháng 8/2000 và hoàn thành đưa vào khai thác từ ngày 5/6/2005, đã giải quyết một cách hiệu quả bài toán giao thông trên tuyến huyết mạch Quốc lộ 1 khu vực miền Trung và cả nước. Hầm đường bộ được thiết kế vĩnh cửu, tốc độ 70km/ giờ, tổng chiều dài hơn 12km đi xuyên qua núi Hải Vân thuộc hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Thành phố Đà Nẵng. Công trình Hầm đường bộ Hải Vân bao gồm: Hầm, cầu, đường và các hệ thống thiết bị phục vụ hoạt động. Trong đó, hệ thống hầm gồm 4 loại là hầm chính, hầm thoát hiểm, hầm thông gió, hầm lọc bụi tĩnh điện. Các hệ thống thiết bị gồm: Hệ thống giám sát giao thông, thông tin liên lạc, điều hòa nhiệt độ, điện, điều khiển, giám sát và thu thập dữ liệu và các phương tiện khác phục vụ dẫn đường, tuần tra, kiểm soát, cứu hộ, cứu thương, chữa cháy, duy tu bảo dưỡng hầm. |
Việt Hùng (Vietnam+)