Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ đề nghị phê duyệt chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011-2015 (giai đoạn 2) với mục tiêu khoảng 500.000 hộ nghèo tại khu vực nông thôn được hỗ trợ để có nhà ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xoá đói, giảm nghèo bền vững.
Nhu cầu vốn cần để hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2 vào khoảng 18.440 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương khoảng 4.620 tỷ đồng, ngân sách địa phương 320 tỷ đồng, vốn vay ưu đãi tương đương 7.500 tỷ đồng và dự kiến nguồn huy động từ cộng đồng và đóng góp của hộ gia đình khoảng 6.000 tỷ đồng.
Việc thực hiện sẽ phân bổ theo năm với mục tiêu giải quyết 5% đối tượng ngay trong năm nay; liên tục trong các năm từ 2015-2017 là 25% mỗi năm và giải quyết nốt 20% còn lại vào năm 2018.
Hiện Bộ Xây dựng đề xuất ngân sách Nhà nước hỗ trợ theo nhiều mức khác nhau, tùy thuộc vào từng nhóm đối tượng, địa phương, khu vực... dao động từ 5-14 triệu đồng/hộ. Cùng đó, các hộ gia đình thuộc diện này được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với mức tối đa 15 triệu đồng/hộ, lãi suất 3%/năm, trong thời hạn 10 năm và ân hạn 5 năm. Thời gian trả nợ tối đa là 5 năm bắt đầu từ năm thứ sáu, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 20% tổng số vốn đã vay (bao gồm cả gốc và lãi).
Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện phương thức ủy thác cho vay từng phần qua các tổ chức chính trị-xã hội hoặc trực tiếp cho vay.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, việc hỗ trợ thực hiện trực tiếp đến từng hộ gia đình để bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng và minh bạch. Kinh phí thực hiện sẽ huy động từ nhiều nguồn, kết hợp giữa Trung ương với địa phương và cả người dân.
Nguyên tắc đặt ra là: Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp và tự tổ chức xây dựng nhà ở. Sau khi được hỗ trợ, các hộ gia đình phải xây dựng được nhà ở mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở đang có, đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu là 24m2 (đối với những hộ độc thân không nơi nương tựa, có thể xây dựng nhà ở có diện tích sử dụng nhỏ hơn nhưng không thấp hơn 18m2) và “3 cứng” (nền cứng, khung-tường cứng, mái cứng); tuổi thọ căn nhà từ 10 năm trở lên. Nhà ở phải đảm bảo an toàn khi xảy ra bão, lốc.
Các gia đình trong diện được hưởng chính sách này là những hộ nghèo theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015 và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi chính sách có hiệu lực thi hành tối thiểu 2 năm. Cùng đó là các hộ có khó khăn về nhà ở như chưa có hoặc đã có nhà ở nhưng quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ và không có khả năng tự cải thiện nhà ở.
Để tránh chồng chéo, Bộ Xây dựng cũng đề nghị rà soát đối tượng thụ hưởng phải không thuộc diện được hỗ trợ nhà ở theo các Chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở đang và sắp triển khai thực hiện như Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long.
Các đối tượng thuộc Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020 theo Quyết định 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Chính sách Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung, cũng không được hỗ trợ nhà ở.
Tuy nhiên, các hộ đã được hỗ trợ nhà ở theo các chính sách hỗ trợ nhà ở khác nhưng hiện nay nhà đã bị sập đổ, hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ do thiên tai gây hoặc đã được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở khác có thời gian từ 8 năm trở lên tính đến thời điểm Chính sách có hiệu lực thi hành nhưng nay nhà ở đã hư hỏng, dột nát nhưng chưa có nguồn vốn để sửa chữa, xây dựng lại..., cũng thuộc diện được hưởng chính sách này.
Theo số liệu báo cáo của các địa phương và kết quả tính toán tổng hợp chung, hiện có khoảng 510.000 hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011-2015 có khó khăn về nhà ở.
Trong số hộ trên, có khoảng 345.000 hộ chưa được hỗ trợ nhà ở theo các chính sách hỗ trợ nhà ở khác; 15.000 hộ đã được hỗ trợ nhà ở theo các chính sách hỗ trợ nhà ở khác, nhưng nay nhà đã bị mất, sập đổ hoặc hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ do thiên tai gây ra nhưng chưa có nguồn vốn để sửa chữa hoặc xây dựng lại; 150.000 hộ đã được hỗ trợ nhà ở theo các chính sách hỗ trợ nhà ở khác và đã có thời gian trên 8 năm những nay đã hư hỏng, dột nát./.