Sáng 18/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức hội nghị hỗ trợ phục hồi sản xuất trồng trọt sau bão, lũ các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Trung cho biết bão lũ vừa qua đã làm lĩnh vực trồng trọt bị thiệt hại khoảng 4.000 tỷ đồng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã nhanh chóng tổ chức họp để chỉ đạo phục hồi sản xuất ngay sau bão lũ trên các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt, lâm nghiệp với những hướng dẫn về kỹ thuật để sớm khôi phục những diện tích có thể cứu lại được.
Cùng với đó là các biện pháp tiêu úng được thực hiện khẩn cấp.Để sớm có nguồn lực phục hồi sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng rất trách nhiệm, cùng chung tay chia sẻ với sự mất mát của người dân.
Thứ trưởng Hoàng Trung cảm ơn và đánh giá cao những chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp.
“Bộ sẽ cùng cộng đồng doanh nghiệp với khả năng cao nhất, tình thần nhanh chóng, kịp thời nhất để hỗ trợ người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất. Bộ sẽ có những hội nghị phục hồi sản xuất để đảm bảo khung mùa vụ và cơ cấu cây trồng để đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cuối năm và các năm tiếp theo,” Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, đến nay, ảnh hưởng do bão số 3 và mưa lũ đã làm 312.000ha cây trồng bị thiệt hại. Trong số đó, diện tích lúa bị ảnh hưởng 200.000ha; rau màu 51.000ha (riêng cây ngô 36.000); 61.000ha cây ăn quả, cây công nghiệp…
Về khắc phục diện tích bị thiệt hại, đối với lúa, nông dân cần tranh thủ làm vệ sinh đồng ruộng, tiêu thoát nước để chuẩn bị gieo trồng cây vụ Đông sớm, ưu tiên những loại rau ăn lá, rau ngắn ngày.
Với rau màu, nông dân cần chủ động kiểm tra, thoát nước kịp thời, vệ sinh đồng ruộng, chủ động chuẩn bị đất hạt giống rau để gieo trồng lại với diện tích không có khả năng phục hồi những loại rau ăn lá, ngắn ngày, rau ưa nước để cung cấp rau kịp thời cho thị trường khi giáp vụ.
Để khắc phục thiệt hại trên, tổng hợp nhu cầu hạt giống để hỗ trợ địa phương khôi phục sản xuất, bà Nguyễn Thị Thu Hương cho biết nhu cầu giống lúa khoảng 15.000 tấn (kho dự trữ quốc gia có khoảng trên 4.100 tấn); rau các loại 112,5 tấn (kho dự trữ quốc gia có khoảng 0,25 tấn); giống ngô khoảng 1.080 tấn (kho dự trữ quốc gia có khoảng 275,4 tấn).
Trước nhu cầu cây giống trên, Cục Trồng trọt đã có văn bản gửi các hội, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống cây trồng và học viện, viện, trường đại học về việc chuẩn bị giống cây trồng nông nghiệp phục vụ sản xuất các tỉnh phía Bắc. Các đơn vị xem xét, chủ động hỗ trợ giống cây trồng cho bà con nông dân tại các địa phương bị ảnh hưởng lớn của mưa bão.
Cục Trồng trọt cũng đề nghị các đơn vị sản xuất kinh doanh giống cây trồng không nâng giá bán giống cây trồng trong dịp này nhằm gióp phần giúp bà con nông dân vùng mưa bão giảm bớt khó khăn, khắc phục sản xuất để sớm ổn định đời sống.
Cập nhật đến 11 giờ ngày 18/9, đã có 18 doanh nghiệp, hiệp hội… đã ủng hộ cây giống, phân bón, vật tư nông nghiệp… cùng tiền mặt trị giá 15,2 tỷ đồng.
Điển hình Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Thaibinh Seed, Công ty cổ phần phân bón Bình Điền ủng hộ giống cây trồng, vật tư, phân bón trị giá 3 tỷ đồng/mỗi doanh nghiệp.
Hay Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bayer Việt Nam ủng hộ 20 tấn giống ngô cho các địa phương sản xuất phù hợp là Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ.
Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Thaibinh Seed, chia sẻ doanh nghiệp sẽ hỗ trợ thiết thực với nhu cầu của người dân để họ phục hồi sản xuất nhanh chóng, điển hình là giống lúa, ngô, rau màu. Trên cơ sở tổng hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, công ty sẽ phân bổ sự hỗ trợ theo chỉ đạo của Bộ và sẽ giao trực tiếp đến địa phương để đảm bảo đúng giống địa phương có nhu cầu, đảm bảo hiệu quả trong hỗ trợ./.
Ngành nông nghiệp Hải Phòng thiệt hại gần 5.400 tỷ đồng do bão số 3
Ngành nông nghiệp Hải Phòng tiếp tục huy động toàn bộ lực lượng ngành tập trung khắc phục hậu quả sau bão, ứng phó với mưa lũ, đảm bảo an toàn về người và tài sản, hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra.