Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, ngày 24/3, Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia đã kêu gọi chính phủ chuẩn bị kế hoạch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho giới công nhân dệt may nước này, cũng như khuyến nghị đưa các nhà máy dệt may vào danh sách ưu tiên trong chiến dịch tiêm chủng.
Trong thư gửi Hiệp hội các nhà sản xuất dệt may Campuchia (GMAC) mới đây, Bộ trưởng Lao động và Đào tạo nghề Campuchia Ith Samheng đã đề nghị GMAC lập danh sách các chuyên viên y tế (tối thiểu một bác sỹ mỗi nhà máy) để đào tạo về kỹ thuật tiêm chủng.
Bức thư cho biết Chính phủ Campuchia có kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 miễn phí cho các công nhân dệt may nước này nhằm bảo vệ sức khỏe của người lao động cũng như lợi ích của của chính các nhà máy.
[Campuchia tiêm vaccine COVID-19 cho cán bộ ngoại giao nhiều nước]
Bộ Lao động Campuchia cho biết đã yêu cầu chủ các nhà máy thông báo với công nhân và nhân viên về việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên tinh thần tự nguyện.
Campuchia đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn quốc sau khi nhận được 600.000 liều vaccine Sinorpharm (Trung Quốc) và 324.000 liều vaccine AstraZeneca do Ấn Độ sản xuất thông qua cơ chế COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Dự kiến sẽ có nhiều lô vaccine được chuyển tới Campuchia vào cuối tháng này và trước dịp Tết Khmer truyền thống vào tháng 4 tới.
Theo kế hoạch của Bộ Lao động Campuchia, việc tiêm vaccine cho các công nhân dệt may sẽ được tổ chức ngay tại các nhà máy.
Bộ trưởng Samheng đã đề nghị các chủ doanh nghiệp nhà máy trả lương một ngày nghỉ cho các công nhân sau khi họ được tiêm vaccine. Hiện Hiệp hội GMAC của Campuchia có khoảng 600 nhà máy thành viên.
Sau khi Luật phòng chống COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm chính thức có hiệu lực, ngày 22/3, Bộ Y tế Campuchia đã ra văn bản xác định rõ những địa điểm mà người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội phòng chống nguy cơ dịch COVID-19 lây lan.
Thông báo của bộ trên gồm 16 chương và các chi tiết liên quan đến cá nhân, vị trí, địa điểm bắt buộc người dân phải đeo khẩu và giãn cách xã hội, ngoại trừ trẻ em dưới 6 tuổi.
Mức phạt từ 200.000-1 triệu riel (từ 50 -250 USD) được áp dụng cho những trường hợp vi phạm sau khi đã được nhắc nhở một lần.
Tính đến 10 giờ sáng 24/3, Campuchia ghi nhận 29 ca mắc mới COVID-19.
Thông cáo báo chí của Bộ Y tế cho biết tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở nước này hiện là 1.817 ca với 1.033 ca đã bình phục./.