Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia ngày 9/12 đã ra thông cáo về kết quả của các hội nghị tiến hành theo hình thức trực tuyến cùng ngày, bao gồm Hội nghị cấp cao Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) lần thứ 9; Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV) lần thứ 10 và Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) lần thứ 11 về khu vực Tam giác phát triển.
Về Hội nghị cấp cao ACMECS lần thứ 9 với chủ đề “Đối tác kết nối và vươn lên”, các nhà lãnh đạo ACMECS một lần nữa khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc khơi dậy tiềm năng to lớn của tiểu vùng này.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng vạch ra lộ trình hợp tác trong tương lai vì một cộng đồng ACMECS kết nối hơn, thông minh, bền vững và kiên cường hơn, dựa vào tinh thần láng giềng tốt và tình hữu nghị truyền thống để hoàn thành mục tiêu hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực.
Các nhà lãnh đạo cũng đánh giá cao vai trò chủ tịch của Campuchia trong hai năm qua đã giúp thúc đẩy mục tiêu chung của các nước thành viên nhằm đem lại sự thịnh vượng và cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã và đang đặt ra những thách thức chưa từng có bên cạnh một số vấn đề về an ninh phi truyền thống khác.
Trong cuộc chiến chống COVID-19, các nhà lãnh đạo nhất trí củng cố nỗ lực quốc gia và tăng cường hợp tác với các cơ chế thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), với các đối tác bên ngoài và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm đảm bảo người dân trong khu vực được tiếp cận với vắcxin ngừa COVID-19.
[Hội nghị Cấp cao ACMECS: Các nước thông qua 'Tuyên bố Phnom Penh']
Về phục hồi kinh tế hậu COVID-19, các nhà lãnh đạo đã thảo luận về sự cân đối và nguyên tắc hợp tác, qua đó các thành viên có thể an toàn và đảm bảo thúc đẩy kết nối đa phương, giải quyết những thiệt hại do đại dịch gây ra đối với chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời đảm bảo mọi người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đều được hỗ trợ.
Về định hướng tương lai, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng và tính hiệu quả của hợp tác bền vững giữa các nước thành viên với nhau và với các đối tác phát triển của ACMECS, trong đó có việc Nhật Bản đề nghị trở thành chủ nhà cho Hội nghị cấp cao đặc biệt của ACMECS vào năm 2021 bên lề Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 13.
Các nhà lãnh đạo cũng thông qua các vấn đề liên quan đến Quỹ Phát triển ACMECS, danh sách các dự án ưu tiên của ACMECS và nhất trí tiếp tục thúc đẩy thực hiện Kế hoạch Tổng thể của ACMECS.
Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Phnom Penh về Hội nghị cấp cao ACMECS lần thứ 9 với 3 tài liệu và phụ lục gồm các vấn đề liên quan đến Quỹ Phát triển ACMECS, ý tưởng về cơ chế làm việc của Ủy ban Phối hợp ACMECS theo Kế hoạch Tổng thể ACMECS (2019-2023) và danh sách các dự án ưu tiên của ACMECS.
Tại Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ 10, các nhà lãnh đạo nhắc lại tầm quan trọng của hợp tác CLMV như chiếc cầu nối giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN, đảm bảo hòa bình, ổn định, thịnh vượng và cải thiện sinh kế cho người dân trong khu vực, cũng như đóng góp một phần quan trọng vào nỗ lực đa quốc gia nhằm chống lại đại dịch COVID-19 và hồi phục sau này.
Về những thách thức trong tương lai, các nhà lãnh đạo CLMV nhấn mạnh ý nghĩa của Kế hoạch Hành động CLMV 2021-2022 đã được các bộ trưởng kinh tế CLMV thông qua ngày 24/8 vừa qua. Kế hoạch đã xác định phương hướng rõ ràng về hợp tác đầu tư, thương mại, phát triển nguồn nhân lực, thực hiện các cam kết khu vực, hồi phục hậu COVID-19 và một khung kế hoạch đưa tiểu vùng thành Trung tâm kinh doanh toàn cầu.
Tại Hội nghị cấp cao hợp tác CLV lần thứ 11, các nhà lãnh đạo giữ vững cam kết tăng cường khu vực Tam giác phát triển, với quan điểm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, thúc đẩy tiến bộ văn hóa-xã hội bằng cách huy động nguồn lực và tiềm lực của mỗi thành viên./.