Campuchia đã đạt được những tiến bộ và chuyển biến kinh tế mạnh mẽ trong hai thập kỷ gần đây và đang hoàn thiện các bước chuẩn bị cho sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Với mức lương tối thiểu thấp nhất trong ASEAN (khoảng 1,6 USD/ngày), Campuchia sở hữu một nguồn lao động rẻ, dồi dào, hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Quốc gia nhỏ bé này cũng có lợi thế địa lý khi nằm ngay tiểu vùng sông Mekong, giữa hai thị trường lớn là Việt Nam và Thái Lan. Vì vậy, Campuchia được dự báo sẽ là một phần trong chuỗi cung cấp hàng hóa trong khu vực.
Ngoài vị trí địa lý thuận lợi, Campuchia cũng rất giàu tài nguyên thiên nhiên với nguồn nước, rừng và khoáng sản phong phú. Với tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao - ở mức 7%/ năm trong giai đoạn 2010-2014 - Campuchia được đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng trong thời gian tới.
Theo kết quả khảo sát, đa phần doanh nghiệp nước ngoài được hỏi tin tưởng vào sự phát triển trong 2 năm tới của nền kinh tế Campuchia.
Ngoài ra, Campuchia còn có thể tiếp cận nhiều thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU), Canada, các nước ASEAN cũng như Trung Quốc, Nhật Bản,….
Hiện tại, Campuchia có thể sử dụng nguyên liệu từ các nước ASEAN khác, trừ Brunei và Singapore, để sản xuất hàng Campuchia và xuất khẩu sang EU mà không bị đánh thuế cũng như bị áp đặt hạn ngạch.
Tuy nhiên, nền kinh tế Campuchia vẫn còn có nhiều hạn chế. Trước hết, nước này còn phụ thuộc vào viện trợ và tài trợ nước ngoài nhiều, khả năng cạnh tranh với các nền kinh tế phát triển hơn trong khu vực không cao.
Ngành xuất khẩu của Campuchia phụ thuộc vào một số ngành nghề chính như quần áo, gạo và du lịch, đây cũng là lợi thế của hầu hết các quốc gia ASEAN khác nên tính cạnh tranh thấp.
Dù lao động giá rẻ là một lợi thế, song tay nghề của lực lượng lao động Campuchia không cao do những hạn chế của hệ thống giáo dục. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng và kết nối mạng tại Campuchia cũng chưa phát triển.
Theo nhà kinh tế trưởng của Văn phòng Hội nhập Kinh tế khu vực của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Jayant Menon, mặc dù Campuchia có sự chuẩn bị hội nhập AEC kém hơn so với Thái Lan, Singapore, Malaysia và Indonesia, nhưng xét về tổng thể, Campuchia vẫn vượt Lào và Myanmar.
Hiện Campuchia đã tập trung phát triển chính sách thương mại mở cửa để thu hút đầu tư, nới lỏng luật đầu tư và luật sở hữu.
Bộ Thương mại nước này đang xúc tiến cải cách các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa cũng như cung cấp thông tin cho các công ty nhanh chóng thuận lợi, việc thành lập công ty mới sẽ được thực hiện qua Internet.
Ngoài ra, luật đặc biệt của Campuchia cũng cho phép các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% cổ phần các công ty trong các đặc khu kinh tế so với tỷ lệ 70% tại một số nước ASEAN.
Những năm qua, Campuchia cũng đã tập trung vào hệ thống giáo dục và đào tạo dạy nghề kỹ thuật - hai lĩnh vực vẫn chưa phù hợp và đáp ứng được nhu cầu thị trường, tuy nhiên tiến triển mới chỉ được ghi nhận ở cấp tiểu học.
Chính phủ nước này đang tăng cường ngân sách đầu tư cho hệ thống hạ tầng giao thông, mở rộng bến cảng và mạng lưới đường sắt để tận dụng lợi thế địa lý.
Mới nhất là cầu treo dây văng Tsubasa dài hơn 2,2 km tại tỉnh Kandai vừa mới khánh thành và đưa vào sử dụng dụng từ tháng 4/2015. Chiếc cầu có kinh phí xây dựng 130 triệu USD bắc qua song Mekong này đã giúp rút ngắn đáng kể thời gian đi lại giữa PhnomPenh và Thành phố Hồ Chí Minh.
Campuchia đang tích cực chuẩn bị cho việc thành lập AEC vào cuối năm 2015, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm nhằm tăng cường sự minh bạch và hiệu quả của hệ thống pháp luật để thúc đẩy đầu tư.
Giải quyết vấn đề tham nhũng và các hoạt động chống cạnh tranh cũng là một trong những ưu tiên của Campuchia. Tháng 3/2010, Quốc hội Campuchia đã thông qua Luật chống tham nhũng.
Một số chuyên gia cho rằng Campuchia vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng. Giám đốc Viện hợp tác và hòa bình Campuchia Chheang Vannarith đánh giá Campuchia đã chuẩn bị cho sự hội nhập kinh tế khu vực, song vẫn chưa đủ tự tin để cạnh tranh.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cảnh báo nền tảng phát triển kinh tế thấp dẫn đến nhiều khả năng khi Campuchia đang tìm cách thay đổi và thích nghi với AEC thì các quốc gia khác đã kịp tận dụng AEC và vượt xa Campuchia, khiến khoảng cách giữa Campuchia và các nước khác ngày càng xa./.