Ngày 27/1, Bộ trưởng Du lịch Campuchia Thong Khon thông báo nước này đã phát động chiến dịch mang tên "Campuchia: Điểm du lịch xanh và an toàn" nhằm phục hồi ngành du lịch sau dịch COVID-19.
Phát biểu tại lễ phát động được tổ chức theo hình thức trực tuyến, Bộ trưởng Khon cho biết trong hai năm qua, nhiều doanh nghiệp du lịch đã phải đóng cửa và hàng chục nghìn lao động bị mất việc làm.
Chiến dịch này là chiến lược nhằm thu hút du khách từ trên khắp thế giới và các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đến với Campuchia.
Bộ trưởng nêu rõ toàn bộ du khách đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 đều được hoan nghênh đến Campuchia mà không cần cách ly, đồng thời khuyến nghị các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch thực hiện các biện pháp du lịch an toàn và đảm bảo quy trình hoạt động hiệu quả để ngăn ngừa COVID-19 lây lan.
[Du lịch Campuchia phục hồi bất chấp sự xuất hiện của biến thể Omicron]
Du lịch là một trong bốn trụ cột của nền kinh tế Campuchia. Nước này nổi tiếng với ba di sản thế giới là công viên khảo cổ Angkor, đền Preah Vihear và Khu khảo cổ Sambor Prei Kuk.
Ngoài ra, nước này còn có đường bờ biển dài 450km trải dài khắp bốn tỉnh Tây Nam. Theo Bộ Du lịch Campuchia, năm 2019, nước này đã đón 6,61 triệu lượt khách quốc tế, đem lại doanh thu lên tới 4,92 tỷ USD.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngành này chỉ đón 163.366 lượt khách quốc tế trong giai đoạn từ tháng Một đến tháng 11/2021, giảm 87% so với 1,28 triệu lượt khách trong cùng kỳ năm 2020.
Tháng 11/2021, Campuchia đã mở cửa đón các du khách tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 sau khi phần lớn người dân nước này đã tiêm phòng.
Bộ Y tế Campuchia cho biết tính đến nay, nước này đã tiêm phòng được ít nhất một mũi vaccine cho 14,34 triệu người, tương đương 89,6% dân số. Tỷ lệ những người đã tiêm phòng đủ hai mũi vaccine cơ bản là 86%./.