Campuchia lạc quan dự báo kinh tế nước này sẽ hồi phục hình chữ V

Campuchia tin rằng sau khi nước này cho phép du thuyền MS Westerdam cập cảng Sihanoukville hồi tháng 2/2020, khách du lịch nước ngoài sẽ trở lại Campuchia để đáp lại lòng tốt của Đất nước chùa tháp.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 trên một đường phố ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 25/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chính phủ Campuchia lạc quan cho rằng kinh tế nước này sẽ tăng trưởng trở lại theo biểu đồ hình chữ V sau khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đi qua, ngược hẳn với dự báo của các chuyên gia kinh tế về khả năng hồi phục hình chữ U.

Báo Khmer Times dẫn lời người phát ngôn Chính phủ Campuchia Phay Siphan tại cuộc họp báo tuần trước cho biết sau sự kiện Campuchia cho phép du thuyền MS Westerdam cập cảng Sihanoukville hồi tháng 2/2020 khi nhiều nước từ chối tiếp nhận vì lo ngại đại dịch COVID-19, ngành du lịch Campuchia sẽ hồi phục rất nhanh sau đại dịch và khách du lịch nước ngoài sẽ trở lại Campuchia để đáp lại lòng tốt của nước này đối với khách trên du thuyền MS Westerdam.

Về kinh tế, trang Bloomberg.com chuyên phân tích thị trường và kinh doanh, mô tả mô hình chữ V là lộ trình hồi phục nhanh sau khi rơi xuống "đáy."

[IMF: Kinh tế Campuchia sẽ tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ năm 1988]

Tuy nhiên, ông Hong Vannak, nhà nghiên cứu kinh doanh thuộc Đại học Hoàng gia Campuchia, là một trong số những chuyên gia cảnh báo rằng sự phục hồi sẽ theo hình chữ U.

Điều đó có nghĩa là Campuchia sẽ phải mất tới hai năm để lấy lại sự ổn định kinh tế, vì ngành du lịch - một lĩnh vực then chốt của Campuchia, bị thiệt hại nặng và cần có thời gian để du khách có niềm tin quay trở lại đây.

Theo ông Hong, ngành may mặc xuất khẩu (năm 2019 đạt 9,35 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2018), dự kiến sẽ hồi phục theo hình chữ U, cũng do ảnh hưởng của quyết định rút một phần ưu đãi thuế quan của Liên minh châu Âu (EU) dành cho Campuchia.

Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Campuchia năm 2020 sẽ tăng trưởng âm 1,7% trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng âm 3,0% - mức thấp chưa từng thấy kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930, mà nguyên nhân lần này là do các biện pháp giãn cách xã hội trong đợt dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục