Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, chiều 13/11, Lễ hội đua thuyền truyền thống của Campuchia đã khai mạc trên sông Tonle Sap, đoạn trước Hoàng cung, từ sông Bốn Mặt (Chak Tomuk) đến cầu Chroy Changva, với sự theo dõi của hàng vạn người dân thủ đô Phnom Penh và các địa phương lân cận.
Quốc vương Norodom Sihamoni, Chủ tịch Quốc hội Samdech Heng Samrin, Chủ tịch Thượng viện Samdech Sai Chhum và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Samdech Hun Sen cùng nhiều quan chức Hoàng gia, Quốc hội, Thượng viện và Chính phủ đã đến dự lễ khai mạc.
Bên cạnh đó, lễ khai mạc cũng có sự góp mặt của Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Thạch Dư, Đoàn ngoại giao và nhiều đại diện các tổ chức quốc tế tại Phnom Penh.
Theo ông Bu Chum Sray, Phó Quốc vụ khanh Bộ Giáo dục, Phó Chủ tịch Ủy ban kỹ thuật lễ hội đua thuyền truyền thống năm 2016, cuộc đua năm nay diễn ra liên tục từ ngày 13-15/11, với sự tham gia của 259 đội và 14.630 tay đua.
Ngày 15/11 sẽ diễn ra cuộc đua cuối cùng để giành chức vô địch giữa các đội hàng đầu. Vào các buổi tối sẽ có nhiều con thuyền được trang trí ánh sáng và đèn màu được thả trôi trên sông Tonle Sap.
Bên cạnh đó, các cuộc bắn pháo hoa sẽ diễn ra hàng đêm và buổi tối ngày 14/11, được đánh dấu là đêm Trăng tròn tỏa sáng trên mặt nước, đem lại sự ấm no, mùa màng bội thu.
Nhằm xúc tiến du lịch, năm nay trên lễ đài ngoài khu vực dành cho các quan khách, Ban tổ chức đã dành hàng trăm chỗ ngồi cho khách du lịch đăng ký trước để tiện theo dõi cuộc đua.
Nhân dịp này, nhiều chương trình ca nhạc với sự tham gia của nhiều ngôi sao sẽ diễn ra ở Phnom Penh cùng nhiều thị thành phố, thị xã trên toàn quốc; trong đó có các khu trình diễn nổi tiếng ở gần cầu Chroy Changva, công viên Wat Botum và đảo Koh Peach.
Theo ban tổ chức, trong 3 ngày lễ đua thuyền truyền thống sẽ có khoảng 2 triệu người, bao gồm cả người Campuchia và người nước ngoài tham gia hoặc chung vui trong những ngày lễ hội.
Nhằm bảo đảm cho những ngày lễ hội diễn ra an toàn tốt đẹp, các cơ quan chức năng và tòa đô chính Phnom Penh đã phối hợp chuẩn bị công tác an ninh, y tế và các dịch vụ phục vụ cho lễ hội với sự tham gia của khoảng 900 công chức cùng khoảng 10.000 nhân viên cảnh sát, an ninh và quân đội.
Sử sách Campuchia ghi lại rằng Lễ hội đua thuyền truyền thống hàng năm của Campuchia được tổ chức nhằm đề cao khả năng thủy chiến của Vương quốc này, đặc biệt từ thời đế chế Angkor (thế kỷ thứ 9-12), cững như sự đa dạng của các phương tiện giao thông đường thủy và sự dẻo dai, nhanh nhẹn của những người làm các nghề trên sông nước ở Campuchia.
Tuy nhiên, sau khi xảy ra vụ giẫm đạp kinh hoàng trên một cây cầu ở đảo Koh Peach vào năm 2010 khiến hơn 350 người thiệt mạng và gần 500 người bị thương, cho đến nay Campuchia mới chỉ tổ chức lại lễ hội vào năm 2014 và 2016./.