Campuchia đề cử 4 khu bảo tồn cá heo nước ngọt vào danh sách di sản

Bốn khu bảo tồn được đưa vào danh sách gồm khu bảo tồn cá heo Prek Kampi, Khu bảo tồn động vật hoang dã Prek Prasob, khu Di sản Thiên nhiên Phnom Tbeng và Khu Du lịch Thiên nhiên Tmat Boey.
Khu bảo tồn cá heo Prek Kampi. (Nguồn: khmertimeskh)

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Bộ Môi trường Campuchia có nhiệm vụ hoàn thiện thống kê về 4 khu vực có loài cá heo nước ngọt Irrawaddy sinh sống ở tỉnh Kratie và Preah Vihear để chuẩn bị hồ sơ xin Ủy ban Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đưa vào danh sách Di sản Thiên nhiên Thế giới.

Người phát ngôn Bộ trên, ông Neth Pheaktra cho biết các di sản văn hóa của Campuchia đã được UNESCO công nhận bao gồm quần thể các đền Angkor Wat, Preah Vihear và Sambor Prei Kuk cùng các di sản văn hóa phi vật thể khác.

Campuchia không chỉ có khu bảo tồn cá heo nước ngọt Prek Kampi là nơi nghiên cứu và bảo tồn cá heo nước ngọt, mà có tới 4 khu bảo tồn loài cá heo sông Mekong này đang chuẩn bị được đưa vào danh sách xin UNESCO công nhận.

Đó là Khu bảo tồn cá heo Prek Kampi, Khu bảo tồn động vật hoang dã Prek Prasob, khu Di sản Thiên nhiên Phnom Tbeng và Khu Du lịch Thiên nhiên Tmat Boey.

[Campuchia cấm sử dụng voi phục vụ du khách tại quần thể đền Angkor Wat]

Hiện chỉ có ba nước trên thế giới có loài cá heo nước ngọt sinh sống, trong đó ở Campuchia nhiều nhất với 92 cá thể, còn ở Indonesia và Myanmar có khoảng 60 cá thể.

Theo ước tính trong 20 năm qua, số lượng cá heo nước ngọt ở Campuchia dự kiến tăng khoảng 13-18 cá thể.

Ông Pheaktra hy vọng khi Campuchia hoàn tất hồ sơ đệ trình lên UNESCO xin công nhận di sản, các khu vực nơi cá heo nước ngọt sinh sống sẽ được hỗ trợ bảo vệ, gìn giữ và qua đó thu hút nhiều khách trong và ngoài nước đến thăm quan.

Theo Quỹ Thiên nhiên Hoang dã Thế giới (WWF), cá heo nước ngọt Irrawaddy hay còn gọi là cá heo sông Mekong, sinh sống ở 3 hệ thống sông lớn và 2 hồ trên thế giới thuộc Campuchia, Indonesia, Myanmar, Thái Lan và Ấn Độ.

Cá heo nước ngọt được Liên minh Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) đưa vào danh sách đỏ các loài bị đe dọa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục