Ngày 7/5, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Campuchia công bố kế hoạch có tên “Nở hoa” với mục tiêu đạt miễn dịch kinh tế-xã hội đối với dịch COVID-19 tại nước này vào cuối năm nay.
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, kế hoạch chiến lược về chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhằm hình thành miễn dịch kinh tế-xã hội tại Campuchia trong năm 2021 nêu chi tiết về chiến dịch tiêm chủng quốc gia, bắt đầu từ Phnom Penh, sau đó phổ rộng sang các tỉnh khác trên cả nước.
Campuchia dự kiến nhận thêm 7 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong thời gian từ tháng 5-7 tới và 2,5 triệu liều nữa từ tháng 8-9 tới.
[Campuchia ghi nhận 650 ca mắc mới trong ngày đầu dỡ phong tỏa thủ đô]
Với số vaccine sắp nhận được, kế hoạch “Nở hoa” sẽ bao gồm ba giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn đầu tiên được tiến hành từ tháng 5-7/2021, tập trung tiêm phòng cho người từ 18 tuổi trở lên, sống và làm việc ở Phnom Penh và Kandal. Dự kiến, 2,5 triệu người sẽ được tiêm phòng (cần 5 triệu liều vaccine).
Giai đoạn 2 bắt đầu từ giữa tháng 7-9/2021, tập trung tiêm phòng cho người từ 18 tuổi trở lên, sống và làm việc ở 11 tỉnh gồm Takeo, Kampong Speu, Kampong Chhnang, Kampong Cham, Prey Veng, Sihanoukville, Svay Rieng, Siem Reap, Banteay Meanchey, Kep và Kampot, với tổng số trên 2 triệu người (cần hơn 4 triệu liều vaccine).
Giai đoạn 3 bắt đầu từ tháng 10-11, tập trung tiêm phòng cho người từ 18 tuổi trở lên ở 12 tỉnh là Koh Kong, Oddar Meanchey, Pailin, Pursat, Battambang, Stung Treng, Tbong Khmum, Ratanakiri, Preah Vihear, Kampong Thom, Kratie và Mondulkiri, với khoảng 4,4 triệu người.
Campuchia đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 từ ngày 10/2. Tính đến nay, khoảng 1,6 triệu người trong tổng số 16 triệu dân tại quốc gia Đông Nam Á này đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Trong bản đánh giá sơ bộ của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), cơ quan này dự báo kinh tế Campuchia sẽ tăng trưởng dương trở lại trong năm 2021, đạt mức 4%, nhờ đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 và tiếp tục hỗ trợ chính sách tài khóa.
Tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại Campuchia khi nước này ngày 7/5 ghi nhận 558 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.
Trong số các ca mắc mới này có 557 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 1 ca nhập cảnh.
Số ca mắc COVID-19 trên cả nước hiện đã lên tới 18.179 ca. Số bệnh nhân đã bình phục là 6.884 ca, tăng thêm 41 ca, trong khi không có trường hợp tử vong mới vì COVID-19 được ghi nhận.
Campuchia đang đối mặt với làn sóng dịch thứ ba COVID-19 kể từ "sự kiện lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2."
Trong nỗ lực chống dịch, Campuchia đã đóng cửa tất cả trường học, cơ sở thể dục thể thao, bảo tàng, rạp chiếu phim và các địa điểm giải trí trên toàn quốc, cũng như đã áp đặt lệnh phong tỏa tại những khu vực có số ca mắc cao.
Trong khi đó, tình hình dịch COVID-19 có xu hướng cải thiện ở Lào khi Bộ Y tế nước này ngày 7/5 thông báo lần đầu tiên trong 14 ngày qua, nước này ghi nhận số ca mắc mới dưới 30 ca.
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, trong 24 giờ qua, Lào ghi nhận 28 ca mắc mới trên cả nước, tất cả đều là lây nhiễm trong cộng đồng. Điều này cho thấy dù tình hình còn phức tạp, nhưng các biện pháp phong tỏa quyết liệt của chính phủ cùng sự chấp hành nghiêm chỉnh các quy định phòng chống dịch của người dân đã và đang phát huy hiệu quả.
Trước những diễn biến phức tạp của đợt bùng phát dịch thứ 2, Ủy ban quốc gia phòng chống COVID-19 của Lào cho biết nước này đang khuyến khích người dân đi tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Theo Ủy ban này, tính tới thời điểm hiện tại, Lào đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho gần 390.000 người, trong đó có gần 79.000 người đã được tiêm đủ 2 mũi. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, Lào hiện đang triển khai 342 điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên cả nước.
Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.205 ca mắc COVID-19, trong đó đã chữa khỏi cho 122 người và chưa có trường hợp nào tử vong./.