Bất chấp mức chế tài có tính cảnh báo cao lẫn rủi ro khi dùng hàng lậu, người hút thuốc hiện vẫn có nhiều cách để lách luật. Thực tế này đặt ra thách thức đối với các cơ quan chức năng để đảm bảo tính khả thi của các giải pháp quản lý mặt hàng này.
Người dùng tiếp tục bị trục lợi từ thị trường chợ đen
Trong tất cả các khuyến nghị có tính quốc tế, cai thuốc luôn là biện pháp cần được thực thi ưu tiên. Tuy nhiên, không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn cầu, tỷ lệ cai thuốc thành công vẫn khiêm tốn, bởi điều này phần lớn phụ thuộc ý chí, quyết tâm của người hút trong việc cai nicotine và cai cả những động tác hút thuốc vốn đã là thói quen ăn sâu.
Trên thực tế, tại Việt Nam hiện nay, sản phẩm thuốc lá được cung cấp bởi thị trường chợ đen chiếm tỷ lệ không hề nhỏ. Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội thuốc lá Việt Nam, hiện có 13-15% tổng sản lượng đến từ thị trường chợ đen.
Về khung pháp lý, Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2020 quy định người có hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ dưới 50 bao, sẽ bị phạt tiền đến 3 triệu đồng.
Theo quy định này, chế tài xử phạt không chỉ áp dụng với những đối tượng buôn bán, vận chuyển mà ngay cả người tiêu dùng cũng sẽ có thể bị phạt, dù chỉ tàng trữ một bao thuốc lá nhập lậu.
Như vậy rõ ràng dù biết thuốc lá lậu có thể gây tác hại cao hơn do không quản lý được chất lượng đầu vào, và chế tài đối với hành vi sử dụng thuốc lá lậu có tính cảnh cáo cao, nhưng người hút thuốc vẫn tìm đến thị trường chợ đen.
Đến nay, Việt Nam vẫn nằm trong top 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới.
Thực tiễn này đặt ra câu hỏi không chỉ đối với thuốc lá điếu, mà sắp tới đây đối với các loại thuốc lá mới gồm thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử, về việc quản lý thị trường thế nào để đảm bảo tính khả thi của các biện pháp hạn chế và lệnh cấm nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra trong lĩnh vực này.
Các chuyên gia cho rằng thuốc lá là sản phẩm đặc trưng, chính sách quản lý đối với mặt hàng này cần được xem xét kết hợp định hướng của các cơ quan quản lý và nhu cầu của người sử dụng trên thực tiễn.
Thế giới “đối xử” ra sao với mặt hàng thuốc lá?
Thực tế trên thế giới, chính sách của các chính phủ đối với mặt hàng đặc trưng này cũng khá đa dạng, có những quốc gia áp dụng biện pháp hạn chế hoặc lệnh cấm, có những quốc gia tìm đến các giải pháp giảm nhẹ tác hại.
Một số tổ chức y tế trên thế giới đã đưa ra các biện pháp giảm tác hại dựa trên những cân nhắc về nhu cầu của người dùng. Cụ thể, website công bố chính thức của Cơ quan Y tế Công cộng Anh - PHE (trực thuộc Chính phủ) nêu rõ: 2/3 người hút thuốc muốn bỏ thuốc, nhưng hầu hết chỉ cố gắng tự cai mà không có biện pháp hỗ trợ, trong khi đây lại là cách kém hiệu quả nhất. Theo đó, PHE công bố tỷ lệ các biện pháp cai thuốc thành công cao hơn, bao gồm được bác sỹ tư vấn, hỗ trợ điều trị cai thuốc, sử dụng các sản phẩm thay thế nicotine...
Mỹ chọn giải pháp dùng sản phẩm giảm tác hại cho những người nghiện thuốc không thể cai. Khẳng định các sản phẩm thuốc lá dùng thiết bị điện tử không phải là sản phẩm an toàn và vẫn cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu, nhưng Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã thẩm định khoa học và cho phép một số sản phẩm được kinh doanh với chỉ định Giảm thiểu phơi nhiễm với các chất có hại, phù hợp mục tiêu bảo vệ sức khỏe của hơn 40 triệu người hút thuốc tại Mỹ.
Cũng trên quan điểm giảm nhẹ tác hại, Giáo sư Riccardo Polosa, Giáo sư Khoa Nội Đại học Catania (Italy), chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực hô hấp, người sáng lập Trung tâm Xuất sắc về Chiến lược Giảm thiểu Tác hại (Centre of Excellence for the Acceleration of Harm Reduction - CoEHAR), trong lần trả lời báo chí tại Việt Nam từng cho rằng giữa những cái xấu chúng ta nên chọn cái ít xấu nhất, và đồng thời đưa các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe đó vào cơ chế kiểm soát chặt chẽ.
Chính sách quản lý hay cấm các sản phẩm thuốc lá mới cũng dẫn đến các thực tế khác nhau ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ.
Chẳng hạn, ở hai thành phố lớn của Mỹ là San Francisco và Califonia, tỷ lệ hút thuốc lá điếu đã tăng mạnh sau khi cấm thuốc lá sử dụng thiết bị điện tử; tại Australia - quốc gia có chính sách kiểm soát thuốc lá ngặt nghèo nhất trong tất cả các nước phát triển thì có đến 90% trong 1,7 triệu người đang dùng thuốc lá điện tử mua từ nguồn hàng lậu.
Hay tại Thái Lan, dù chính phủ đã áp đặt lệnh cấm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử vẫn leo thang, đáng lo ngại là tỷ lệ này ở trẻ em từ 13-15 tuổi năm 2023 đã tăng gấp 5 lần so với năm 2015 (một năm sau khi áp dụng lệnh cấm).
Thực tế này cho thấy, quản lý ra sao để ngăn ngừa người hút thuốc tìm đến thị trường chợ đen khi quy định cấm thuốc lá mới được thực thi là vấn đề đặt ra đối với các cơ quan chức năng tại Việt Nam./.