Cảm phục câu chuyện cô gái xương thủy tinh và ước mơ họa sỹ

Mắc căn bệnh xương thủy tinh quái ác nhưng bằng niềm đam mê, nghị lực vươn lên phi thường, cô gái 23 tuổi Võ Thị Thanh Thảo đã và đang từng ngày hiện thực hóa giấc mơ họa sỹ của mình.
Võ Thị Thanh Thảo miệt mài hoàn thành một tác phẩm của mình. (Ảnh: Hồng Điệp/Vietnam+)

Năm lớp 7, Võ Thị Thanh Thảo xuất sắc giành giải Nhì trong cuộc thi vẽ “Vì chất độc màu da cam” do phường Nguyễn Trãi (thành phố Kon Tum) tổ chức.

Năm 2011 khi đang học lớp 9, bị lần gãy chân lần thứ 3 mới biết mình mắc căn bệnh xương thủy tinh, Thảo như muốn bỏ dở cả ước mơ họa sỹ của mình, em suy sụp, mặc cảm, tự ti sống tách biệt, căn bệnh quái ác ấy dường như đã tước mất tương lai của em.

Năm 2016, cơ duyên đến, em tiếp tục mơ ước của mình bằng chính nỗ lực bản thân và tình yêu mãnh liệt với mỹ thuật, Thảo tin mình sẽ trở thành họa sỹ.

Sinh năm 1993, tại thôn 5, phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum, Võ Thị Thanh Thảo xuất thân trong một gia đình đặc biệt khó khăn.

Nhà có 5 người thì mẹ và 3 đứa con đều mắc bệnh xương thủy tinh do di truyền từ mẹ, gia đình chỉ còn lao động chính là ông bố với nghề cày thuê cuốc mướn. Cuộc sống thêm phần chật vật khi cả 4 người trong gia đình không dám làm việc nặng vì hễ đụng một tí là xương gãy, mà khi đã gãy thì nằm vài tháng trời là chuyện bình thường.

Đôi vai cha nặng gánh càng làm cho chị cả Võ Thị Thanh Thảo thêm phần suy tư nhưng không có nghề nghiệp cộng với sự tự ti, Thảo chỉ loanh quanh ở nhà phụ giúp cha mẹ nấu cơm, quét nhà, lặt rau và chăm sóc người em trai cũng bị căn bệnh xương thủy tinh làm cho không đi lại được và phải ngồi xe lăn.

Cuộc đời rẽ sang trang mới khi đầu năm 2016, họa sỹ Kiều Đăng, chủ phòng tranh gạo Làng Hồ, số 115 đường Bắc Kạn, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum qua một người bạn biết được hoàn cảnh và ước mơ của Thảo.

Thương cảm số phận của em, họa sỹ Kiều Đăng đến tận nhà động viên Thảo đến phòng tranh của mình để học nghề, tiếp nối ước mơ còn dang dở.

Bất ngờ và cảm kích tấm lòng của cô chủ phòng tranh, Thảo mạnh dạn bước ra khỏi vỏ ốc, thể hiện khả năng của mình ngay từ những ngày đầu học việc.

Họa sỹ Kiều Đăng kể: “Lúc đầu nhận về dạy, Thảo rụt rè lắm, chỉ ngồi học ít nói chuyện vì tự ti ngoại hình. Nhưng phòng tranh Làng Hồ là một gia đình, tôi đối xử với các em như em út trong nhà nên dần dần Thảo cũng cởi mở hơn, đặc biệt là phát triển năng khiếu của mình một cách vượt trội. Ngoài khả năng cảm thụ mỹ thuật đặc biệt thì Thảo còn khá nhanh nhẹn và có khiếu bán hàng nên rất vừa lòng khách du lịch khi đến mua tranh tại phòng tranh chúng tôi. Tranh của em rất có hồn, tôi rất vui khi được giúp Thảo thực hiện ước mơ.”

Những ngày đầu học việc, Thảo dậy sớm đi bộ từ nhà đến phòng tranh mất khoảng 30 phút, thấy thương cảm hoàn cảnh của em, họa sỹ Kiều Đăng đã kêu gọi sự đóng góp của bạn bè mua tặng cho Thảo chiếc xe đạp điện, bố Thảo phải cưa bớt yên xe cho vừa với chiều cao 1.25m của em.

Từ khi có công việc đúng với niềm đam mê, Thảo đã làm cho cả nhà vui chung với niềm vui của em khi về nhà Thảo ríu rít kể cho em trai nghe công việc của mình, tham khảo ý kiến mẹ xem thử vẽ như thế thì tranh đã đẹp chưa…

Với năng khiếu bẩm sinh vốn có cùng sự lao động miệt mài, Thảo tiếp thu bài nhanh chóng, sáng tạo ra những bức tranh mà trong nó ẩn chứa tâm hồn trong sáng, tinh khôi của em.

Thảo vẽ ra giấy rồi ngồi tỉ mỉ gắn từng hạt gạo theo đúng cách phối màu mà họa sỹ Kiều Đăng hướng dẫn. Gạo để đính tranh là loại gạo của người dân tộc thiểu số trồng trên nương rẫy còn gọi là gạo lúa khô, đem gạo rang lên với độ lửa khác nhau để cho ra những tông màu như ý muốn rồi phân loại màu vào các lọ chứa.

Khi có phác họa tranh, Thảo sẽ lấy gạo theo tông màu, quệt một lớp keo dính phía dưới và đính gạo lên trên. Để làm ra một bức tranh cần sự khéo léo, tỉ mỉ từ công đoạn chuẩn bị cho đến đính gạo lên tranh. Với đam mê mỹ thuật, Thảo chứng tỏ được nghị lực phi thường của mình qua 3 tháng học việc, họa sỹ Kiều Đăng đã giao hẳn phòng tranh cho Thảo quản lý và cũng từ đó Thảo dạy lại nghề cho những bạn mới vào.

Hiện tại, phòng tranh Làng Hồ có khoảng gần 10 học trò đang học việc, mỗi con người đến đây là một hoàn cảnh khác nhau chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiếu số, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng có năng khiếu hội họa, đam mê nghề nhưng không có cơ hội tiếp xúc với lĩnh vực này.

Võ Thị Thanh Thảo cũng là một trong những hoàn cảnh khó khăn ấy, dáng người nhỏ thó vì xương không phát triển được, lưng gù chân tay teo tóp nhưng Thảo có một nghị lực vượt khó rất đáng khâm phục. Nhìn những bức tranh Thảo vẽ rồi đi đường gạo trên tranh mới thấy hết được tài năng và tâm huyết nơi em.

Những bức tranh con người, thôn làng, lễ hội, bản sắc văn hóa của người đồng bào dân tộc thiểu số tại Kon Tum được Thảo phác họa rất tinh tế. Từng mái nhà rông, lễ hội cồng chiêng hay gặt lúa trên nương đều được Thảo đưa vào tranh rất đặc sắc. Khách du lịch như thấy những sinh hoạt đặc trưng của người dân Kon Tum nơi tranh Thảo làm. Đó cũng chính là lý do tranh Thảo làm ra bán rất chạy, 80% tranh bán ra thị trường của phòng tranh Làng Hồ là những tác phẩm của em.

Thay lời tri ân, Thảo đã cống hiến hết tâm huyết của mình vào những bức tranh để cho ra những tác phẩm đặc sắc rồi Thảo ở hẳn lại phòng tranh để có thêm thời gian rang gạo mỗi tối cho các bạn đính gạo lên tranh vào sáng mai.

Hằng ngày, Thảo vẫn đang miệt mài học hỏi, trau dồi thêm kỹ năng, kiến thức để chờ đến ngày thực hiện ước mơ họa sỹ của mình. Thật khâm phục nghị lực vươn lên của cô bé xương thủy tinh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục