Cam lòng vàng Hà Giang tiêu thụ mạnh ở chuỗi siêu thụ VinMart

Theo Sở Công Thương Hà Giangg, 65 tấn cam lòng vàng của Hà Giang vừa được thu hoạch, đóng gói, vận chuyển để cung ứng, tiêu thụ tại siêu thị VinMart.
Kiểm tra công tác đóng gói, dán nhãn trước khi cung ứng, tiêu thụ cam lòng vàng Hà Giang. (Ảnh: TTXVN)
Kiểm tra công tác đóng gói, dán nhãn trước khi cung ứng, tiêu thụ cam lòng vàng Hà Giang. (Ảnh: TTXVN)

Theo bà Lê Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến công thương thuộc Sở Công Thương Hà Giang, 65 tấn cam lòng vàng của Hà Giang vừa được thu hoạch, đóng gói, vận chuyển để cung ứng, tiêu thụ tại siêu thị VinMart.

Đây là chuyến cam lòng vàng đầu tiên của Hà Giang được đưa vào hệ thống bán lẻ lớn nhất cả nước trong niên vụ 2020-2021.

Để các sản phẩm cam Hà Giang được bày bán trong hệ thống siêu thị VinMart, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến công thương thuộc Sở Công Thương Hà Giang đã phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ trồng cam phải thu hoạch đúng quy trình, đảm bảo về số lượng và chất lượng, mẫu mã đẹp.

Sản phẩm cam phải được bảo quản, đóng gói, dán tem theo yêu cầu của nhà phân phối. Việc kiểm tra về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, độ đường của cam cũng được các sở, ban, ngành của tỉnh Hà Giang và các địa phương kiểm soát nghiêm ngặt, đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.

Theo số liệu thống kê, niên vụ 2020-2021, tổng diện tích cam của Hà Giang đạt trên 9.100ha; diện tích cam cho thu hoạch là 8.600ha, sản lượng ước đạt 80.200 tấn. Hà Giang hiện có 9 vùng cam với gần 3.700ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP và được quản lý trên nền bản đồ Việt Nam 2000.

Các giống cam của Hà Giang được trồng tập trung tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Tổng số hộ tham gia trồng cam khoảng 8.000 hộ; trong đó, có gần 3.000 hộ sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP.

Hiện, cam Hà Giang chủ yếu được tiêu thụ dạng quả tươi tại các chợ đầu mối, cơ sở bán lẻ trong và ngoài tỉnh; một số ít được đưa vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị lớn ở Hà Nội.

[OCOP tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp của Hà Giang]

Với việc 65 tấn cam lòng vàng được bày bán tại chuỗi Siêu thị VinMart, một trong những hệ thống bán lẻ lớn nhất cả nước ngay từ đầu vụ không chỉ giúp cho bà con nông dân Hà Giang có thêm thị trường, địa chỉ để tiêu thụ sản phẩm, mà sẽ là cơ hội khẳng định thêm uy tín và chất lượng quả cam của tỉnh Hà Giang.

Đặc biệt, sau chuyến hàng 65 tấn cam lòng vàng được xuất đi đầu tiên bày bán tại siêu thị VinMart, mỗi tuần đơn vị cung ứng cam lòng vàng cho chuỗi siêu thị này sẽ tiếp tục cung ứng khoảng gần 10 tấn/tuần. Đây là những tín hiệu vui cho bà con nông dân vùng cam Hà Giang, tạo động lực giúp bà con yên tâm, duy trì gắn bó với sản phẩm nông sản này.

Ông Hoàng Hải Lý, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Giang cho biết để sản phẩm cam Hà Giang thật sự trở thành hàng hóa, có chất lượng đồng đều, mẫu mã đẹp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc và để giữ vững vị thế, uy tín, thương hiệu nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Ngay trong niêm vụ 2020-2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Giang đã cùng với các ngành chức năng của tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện đánh giá chất lượng từng nhà vườn trước khi đưa vào hệ thống siêu thị. Cùng đó, giám sát quy trình trồng cam VietGAP và nghiên cứu xây dựng thương hiệu riêng cho từng nhà vườn.

Cây cam được tỉnh xác định là một loại cây chủ lực, đặc thù có thế mạnh, lợi thế và tập trung sản xuất trở thành hàng hóa theo chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn an toàn và theo tín hiệu thị trường gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đặc biệt, sản phẩm cam sành của Hà Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ-Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận chỉ dẫn địa lý sản phẩm. Chỉ tính riêng trong năm 2019, sản phẩm cam của Hà Giang đã bước đầu vào được hệ thống siêu thị, giá trị sản xuất cam năm 2019 của Hà Giang đạt trên 990 tỷ đồng, chiếm 14,8% giá trị ngành trồng trọt.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang cho biết, để tiếp tục phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao, đặc biệt là phát triển sản phẩm cam Hà Giang, năm 2020 và những năm tiếp theo, Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở ban ngành của tỉnh phối hợp với 3 huyện vùng trọng điểm cam xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, quy mô hợp lý theo quy trình sản xuất nông nghiệp sạch.

Tỉnh hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, liên doanh, liên kết “4 nhà” trong phát triển chuỗi sản phẩm cam, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa lớn gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển cây cam trở thành hàng hóa có giá trị cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục