Cam kết về lao động trong EVFTA đang được nội luật hóa như thế nào?

Cách tiếp cận cam kết về lao động sẽ dựa vào luật pháp quốc gia, do đó Bộ Luật Lao động sửa đổi sẽ điều chỉnh nhiều nội dung quy định đề phù hợp hơn với các tiêu chuẩn lao động quốc tế.
Cam kết về lao động trong EVFTA đang được nội luật hóa như thế nào? ảnh 1 Ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Nội dung cam kết về lao động trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng giữa các bên trong quan hệ thương mại. Do đó, các bên tham gia đều phải tuân thủ cam kết này. Việt Nam đang từng bước nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế để phù hợp với cam kết về lao động, nhiều quy định sẽ thay đổi.

Đã phê chuẩn 6/8 công ước cơ bản

Cam kết về lao động được quy định trong Chương Thương mại và Phát triển bền vững của EVFTA. Về cơ bản, cam kết lao động của EVFTA và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cơ bản giống nhau. Đây đều là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới yêu cầu tất cả các nước tham gia phải thông qua và duy trì các quyền được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của ILO về Các nguyên tắc và Quyền cơ bản trong lao động.

Các nguyên tắc và quyền của Tuyên bố 1998 được quy định trong 8 công ước cơ bản của ILO với 4 nền tảng: Quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể (được quy định trong Công ước ILO số 87 và 98 ); loại bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc (Công ước ILO số 29 và 105 ); xoá bỏ lao động trẻ em (Công ước ILO số 138 và 182); bình đẳng, xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp (Công ước ILO số 100 và 111).

Bên cạnh đó, cam kết về lao động cũng đề cập đến những điều kiện lao động có thể chấp nhận được về điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương tối thiểu, an toàn vệ sinh lao động.

[Ký kết EVFTA-EVIPA: Thành công kép sau 9 năm đàm phán]

Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết gia nhập Công ước 98 của ILO vào ngày 14/6 vừa qua. Công ước 98 là công ước cơ bản thứ 6 của ILO mà Việt Nam phê chuẩn. Các công ước cốt lõi đã phê chuẩn khác bao gồm Công ước 29 về lao động cưỡng bức, Công ước 100 và 111 về chống phân biệt đối xử và Công ước 138 và 182 về lao động trẻ em.

Đối với hai trong tám công ước cơ bản còn lại, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục công việc chuẩn bị để tiến tới phê chuẩn Công ước 105 về lao động cưỡng bức vào năm 2020 và Công ước 87 về tự do hiệp hội vào năm 2023.

Tiếp cận bình đẳng hơn

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, cách tiếp cận cam kết về lao động sẽ dựa vào luật pháp quốc gia. Bộ Luật Lao động sửa đổi sẽ điều chỉnh một số quy định đề phù hợp hơn với các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Theo ông Bình, hiện nay những nội dung quy định về lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, các tiêu chuẩn lao động kỹ thuật có thể chấp nhận được về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương tối thiểu, an toàn vệ sinh lao động thì Bộ Luật Lao động đã cơ bản phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế có liên quan. Lần sửa đổi bổ sung lần này điều chỉnh là để phù hợp hơn với tình hình thực tiễn của Việt Nam. Chỉ có hai lĩnh vực về nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử và quyền tự do liên kết, thương lượng tập thể là được quy định phù hợp với cam kết về lao động của Việt Nam trong các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới.

Đối với một số quy định về nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử trong việc làm về mọi khía cạnh, ông Nguyễn Văn Bình lý giải, mọi khía cạnh ở đây được hiểu là không có sự phân biệt nào dựa trên các yếu tố như: Chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, giới tính, dân tộc, điều kiện gia đình, tình trạng hôn nhân…

“Để nội luật hóa vấn đề này thì một trong những nội dung điều chỉnh rất lớn của Bộ Luật Lao động sửa đổi là những quy định dành cho lao động nữ sẽ thay đổi cách tiếp cận. Bộ luật hiện hành đưa ra rất nhiều quy định bảo vệ lao động nữ mà trên thực tế trong nhiều trường hợp dẫn đến phân biệt đối xử đối với lao động nữ về cơ hội tiếp cận và duy trì việc làm, thăng tiến và điều kiện làm việc. Những quy định bảo vệ đó làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, dẫn đến phân biệt đối xử,” ông Nguyễn Văn Bình nói.

Cam kết về lao động trong EVFTA đang được nội luật hóa như thế nào? ảnh 2Nhiều quy định về lao động nữ sẽ được điều chỉnh trong lần sửa đổi Bộ Luật Lao động. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Nguyễn Văn Bình cho hay, lần sửa đổi lần này đưa ra cách tiếp cận mới và hiện đại từ bảo vệ lao động nữ sang thúc đẩy bình đẳng giới theo cách trao quyền cho phụ nữ và để phụ nữ là người quyết định thay vì đưa ra những điều luật bảo vệ và cấm đoán. Rất nhiều quyền lợi phải xác định nữ và nam như nhau.

Dẫn ví dụ cụ thể, ông Nguyễn Văn Bình cho biết, theo quy định hiện hành doanh nghiệp có trách nhiệm trong việc trợ cấp, hỗ trợ cho lao động nữ trong thời gian đang nuôi con đi nhà trẻ, mẫu giáo đã vô hình chung dẫn tới phân biệt đối xử với lao động nữ, làm cho định kiến giới trở nên sâu sắc hơn là chăm sóc con cái và trách nhiệm gia đình dường như chỉ thuộc về nữ. Do đó, việc sửa đổi nguyên tắc bình đẳng giới đặt ra là với cả lao động nam và lao động nữ đang nuôi con trong thời gian đi nhà trẻ, mẫu giáo thì chính sách đều như nhau.

Ông Bình nhấn mạnh, cách tiếp cận này sẽ điều chỉnh rất nhiều điều luật liên quan với lao động nữ. Đây là sự thay đổi để phù hợp hơn với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, các cam kết quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, những sự sửa đổi này không đề đơn giản vì nhận thức về văn hóa, về rất nhiều yếu tố của người lao động còn đang rất khác nhau.

Vấn đề thứ hai liên quan đến quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động, trong đó Bộ Luật Lao động cho phép người lao động có quyền thành lập tổ chức đại diện của mình, không nhất thiết phải ra nhập tổ chức công đoàn Việt Nam mà có thể đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để thực hiện chức năng đại diện cho người lao động trong quan hệ lao động.

Ông Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Đây là nội dung mới và phải sửa đổi toàn bộ nội dung có liên quan. Các cơ chế tương tác giữa các bên trong quan hệ lao động như đối thoại, thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp… đều được sửa đổi để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan và phù hợp với điều kiện mới. Trong quan hệ lao động trước đây chúng ta có một tổ chức đại diện thì nay có thể sẽ có nhiều tổ chức đại diện cho người lao động, do đó toàn bộ cơ thế tương tác trong quan hệ lao động sẽ thay đổi.”

Những quy định đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn lao động quốc tế, cam kết về lao động trong các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới đang được nội luật hóa trong Bộ Luật Lao động sửa đổi. Dự kiến, trong kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14 diễn ra vào cuối năm, Quốc hội sẽ thông qua Bộ Luật Lao động sửa đổi./.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nói về nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục