Cam kết và những thách thức không thể tránh của các quốc gia G7

Dù có nền kinh tế và khoa học-công nghệ phát triển mạnh, các nước G7 vẫn không thể tránh khỏi những thách thức cũ và mới nảy sinh kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại lễ bế mạc Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Lâu đài Elmau, Đức, ngày 28/6/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nhấn mạnh tới "sự đoàn kết và hợp tác" khi đánh giá về hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) được tổ chức tại lâu đài Elmau thuộc bang Bayern, miền Nam nước Đức.

Hàng loạt quyết định quan trọng liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine, vấn đề an ninh năng lượng và an ninh lương thực đã được thông qua tại hội nghị, chuyển tải 3 thông điệp chính: tiếp tục ủng hộ Ukraine và gia tăng sức ép đối với Nga; cùng hành động chung chống lại nạn đói trên thế giới và tiếp tục cam kết với các nhiệm vụ lâu dài như bảo vệ khí hậu, chuyển đổi năng lượng, an ninh lương thực.

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cuối tháng Hai và phương Tây áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn chưa từng có nhằm vào Moskva, thế giới đã bước sang một giai đoạn mới với rất nhiều thách thức mới, bên cạnh các thách thức đã tồn tại từ lâu nhưng chưa được giải quyết.

Các quốc gia G7 dù có nền kinh tế và khoa học-công nghệ phát triển mạnh, cũng không tránh khỏi những thách thức đó.

[G7 cam kết hỗ trợ tài chính cho Ukraine, đảm bảo an ninh lương thực]

Có thể kể tới giá cả hàng hóa tăng mạnh trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là giá năng lượng và lương thực, kéo theo nguy cơ lạm phát và suy thoái; một loạt nước châu Âu phải ban hành các biện pháp khẩn cấp để ứng phó với tình trạng thiếu năng lượng; nhiều chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, sản phẩm trung gian bị gián đoạn khiến quá trình sản xuất bị đình trệ; nhiều quốc gia kém phát triển, đặc biệt là các quốc gia châu Phi, phải đối mặt với tình trạng khan hiếm lương thực và nguy cơ nạn đói bùng phát...

Với tư cách là các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới, G7 đứng trước áp lực phải tìm giải pháp cho vấn đề Ukraine cũng như những "cú sốc kinh tế" do cuộc khủng hoảng này trên gây ra toàn cầu.

Tại hội nghị, các lãnh đạo G7 đã đưa một loạt cam kết cho những vấn đề trên. Đối với cuộc xung đột tại Ukraine, G7 sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính và cung cấp vũ khí, sát cánh với Kiev "cho tới khi nào còn cần thiết."

Song song với đó, G7 khẳng định sẽ hành động thống nhất để tăng sức ép và siết chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt Moskva, trong đó có kế hoạch giới hạn giá trần dầu mỏ xuất khẩu và áp đặt lệnh cấm nhập khẩu vàng của Nga.

Trong vấn đề an ninh lương thực toàn cầu, các nước G7 cam kết cung cấp 5 tỷ USD, trong đó Mỹ đóng góp trên 50% để đảm bảo nguồn cung thực phẩm và dinh dưỡng.

Về năng lượng, G7 cam kết nhanh chóng hành động để đảm bảo nguồn cung; thúc đẩy mở rộng năng lượng tái tạo; chấm dứt sự phụ thuộc năng lượng vào Nga; kiểm soát giá trần năng lượng để ổn định thị trường, giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng.

Về vấn đề khí hậu, các nhà lãnh đạo G7 nhấn mạnh "sự cấp bách của việc gia tăng hành động" để giảm lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu khoảng 43% vào năm 2030, so với mức phát thải năm 2019.

G7 nhất trí thành lập "Câu lạc bộ khí hậu" gồm các quốc gia tiên phong và sẵn sàng phối hợp, để đẩy nhanh các nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu.

Đánh giá về những quyết sách của các nhà lãnh đạo G7, Giáo sư, Tiến sỹ Anna-Katharina Hornidge, Giám đốc Viện Phát triển và Bền vững Đức (IDOS) cho rằng hội nghị thượng đỉnh lần này là một bước tiến trên con đường giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng toàn cầu cùng lúc.

Cam kết của G7 duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu 1,5 độ C và loại bỏ dần trợ cấp nhiên liệu hóa thạch là một đóng góp quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học.

Giáo sư, Tiến sỹ Dennis J. Snower, Chủ tịch tổ chức Sáng kiến giải pháp toàn cầu (GSI) nhận định các nhà lãnh đạo G7 đang gửi đi một tín hiệu rõ ràng về sự đoàn kết và quyết tâm.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng điều quan trọng là cần phải cụ thể hóa những cam kết thành các hành động, và điều đó đang tạo không ít thách thức.

Trên thực tế, cuộc khủng hoảng Ukraine kéo dài cùng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu ở nhiều góc độ khác nhau.

Không ít ý kiến cho rằng việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine chẳng khác gì "đổ thêm dầu vào lửa" chỉ càng thu hẹp cơ hội đàm phán, trong khi chiến dịch trừng phạt nhằm vào Nga góp phần khiến giá khí đốt và dầu mỏ ngày càng tăng, trong khi nguồn cung lúa mỳ và phân bón hạn hẹp.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã bày tỏ lo ngại về “tác dụng phụ” của các lệnh trừng phạt và cho rằng phải cần cố gắng không làm tổn thương đến chính các nước áp đặt lệnh trừng phạt và nhiều nước khác.

Việc các nước G7 tái khẳng định sẽ tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt  chưa từng có nhằm vào Nga làm dấy lên những lo lắng về một viễn cảnh thế giới ngày càng mệt mỏi bởi các lệnh trừng phạt khi cuộc xung đột vẫn còn kéo dài.

Các nước đang phát triển cũng cảnh báo tiếp tục trừng phạt Nga chỉ càng khiến giá ngũ cốc tăng quá nhanh, thúc đẩy khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Theo Liên minh châu Phi (AU), việc loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT đã cản trở các thanh toán quốc tế và làm chậm quá trình nhập khẩu hàng hóa của các quốc gia châu Phi.

Do ảnh hưởng của loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào các ngân hàng lớn của Nga, việc thanh toán tài chính liên quan đến phân bón bị đình trệ, làm giá phân bón tăng mạnh và gây ra khan hiếm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất.

Toàn cảnh hội nghị Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và các nước đối tác tại Elmau, Đức, ngày 27/6/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giáo sư, nhà kinh tế người Paraguay Victor Raul Benítez González làm việc tại Quỹ Getulio Vargas của Brazil nhận định kế hoạch của G7 áp mức giá trần đối với dầu mỏ nhập từ Nga sẽ làm tăng lạm phát và gây mất ổn định cho các nguồn cung cấp lương thực.

Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia tổ chức Oxfam, cam kết của nhóm 7 nước giàu nhất thế giới tài trợ 5 tỷ USD là quá ít so với yêu cầu cần ít nhất 28 tỷ USD để có thể chấm dứt được cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu cũng như ngăn chặn việc ngày càng có nhiều người rơi vào cảnh nghèo đói.

Nỗ lực trừng phạt ngành dầu mỏ và khí đốt của Nga cũng đang khiến cho giá năng lượng tăng chóng mặt.

Một số nước châu Âu, trong đó có Đức, đang phải tính đến phương án mở rộng sản xuất nhiệt điện than, đi ngược lại những cam kết về chống biến đổi khí hậu.

Báo Die Zeit của Đức cho rằng G7 muốn trở thành một hình mẫu toàn cầu về khí hậu, tuy nhiên chính các quốc gia G7 vẫn chưa phải là những nước tiên phong thực sự.

Cho tới nay chưa có quốc gia G7 nào xây dựng đầy đủ các kế hoạch và biện pháp để đạt được mục tiêu 1,5 độ.

Trước hội nghị G7 ở Đức, Mỹ đã kêu gọi một cuộc "tập hợp sức mạnh" để có thể giải quyết được các thách thức chung.

Trong suốt hội nghị, các nhà lãnh đạo G7 đã thể hiện quyết tâm lớn với nhiều cam kết và kế hoạch tham vọng đã được đưa ra.

Tuy nhiên, các cam kết này sẽ giúp giải quyết những thách thức chung hay sẽ gây "tác dụng ngược" cản trở chính những tham vọng của G7 - đó vẫn là câu hỏi còn để ngỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục