Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế nhờ mở của, hội nhập. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, việc ứng dụng công nghệ và phương tiện điện tử vào hoạt động giao thương đang trở nên thông dụng.
Theo đại diện Bộ Công Thương, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó, các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới đều có các điều khoản về thương mại điện tử. Điển hình có thể kể tới Hiệp định ASEAN về Thương mại điện tử, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Asean- Australia/New Zealand ((AANZFTA)…
Trong các Hiệp định này, nhóm các cam kết Thương mại điện tử thường liên quan tới: Nhóm các cam kết về thúc đẩy thương mại phi giấy tờ; Nhóm các cam kết liên quan tới bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến và Nhóm cam kết về tôn trọng tự do của các chủ thể tham gia Thương mại điện tử.
Đáng chú ý, nhóm cam kết liên quan tới bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến, các cam kết về bảo vệ dữ liệu và dự liệu cá nhân được chú trọng rất nhiều và xuất hiện ở tất cả Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia.
Doanh số Thương mại Điện tử Việt Nam dự kiến đạt 20,5 tỷ USD trong năm nay
Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company công bố ngày 1/11, Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á hai năm liên tiếp (2022 và 2023).
Có thể nói, cam kết Thương mại điện tử trong các Hiệp định Thương mại tự do mang lại nhiều tác động tích cực cho sự phát triển Thương mại điện tử như; Thúc đẩy hoàn thiện khung khổ pháp lý. Nhằm thực thi các cam kết, mỗi quốc gia thành viên sẽ phải hoàn thiện khụng khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi cho việc thực thi Hiệp định, theo đó, khung khổ pháp lý Thương mại điện tử và các tiêu chuẩn được nâng lên, hoàn thiện hơn.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện thu hút đầu tư cho lĩnh vực Thương mại điện tử. Cùng với việc khung khổ pháp lý được hoàn thiện, môi trường đầu tư kinh doanh trở nên minh bạch, lành mạnh hơn và với những ưu đãi mà FTA mang lại tạo điều kiện thu hút đầu tư, đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Để thực thi các cam kết trong FTA, các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực sẽ được thực hiện nhằm giúp nâng cao năng lực cạnh tranh nội tại của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, các FTA cũng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới. Mục đích lớn nhất khi tham gia các FTA của các Chính phủ là mở rộng và thâm nhập thị trường. Với những ưu đãi mà FTA mạng lại, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận công nghệ mới, có cơ hội tiếp cận nguồn vốn hay những ưu đãi từ FTA sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận và mở rộng thị trường.
Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, để tận dụng hiệu quả lợi ích từ các cam kết Thương mại điện tử mang lại, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý và xây dựng các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hiểu thông tin về các cam kết trong FTA, xu hướng Thương mại điện tử, đồng thời tích cực tham gia vào các nền tảng, mô hình Thương mại điện tử mới để thâm nhập thị trường./.