Cam kết tăng cường hợp tác phục hồi trong lĩnh vực năng lượng

ASEAN+3 cam kết theo đuổi các biện pháp phục hồi kinh tế bền vững trong lĩnh vực năng lượng bằng cách tăng cường quan hệ đối tác và đổi mới hướng tới an ninh năng lượng, năng lượng chuyển đổi.
Cam kết tăng cường hợp tác phục hồi trong lĩnh vực năng lượng ảnh 1Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Tại Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần thứ 17 diễn ra sáng 20/11, các đại biểu đã bày tỏ cam kết theo đuổi các biện pháp phục hồi kinh tế bền vững sau đại dịch trong lĩnh vực năng lượng bằng cách tăng cường quan hệ đối tác và đổi mới hướng tới an ninh năng lượng, năng lượng chuyển đổi và khả năng phục hồi của ngành năng lượng.

Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN+3 lần thứ 17 (AMEM+3) được tổ chức trực tuyến, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Đặng Hoàng An và Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Năng lượng quốc gia Trung Quốc Lâm Sơn Thanh; Giám đốc Cơ quan hợp tác quốc tế thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koyoma Masaom và Thứ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Joong Jun-joo.

Hội nghị cũng có sự tham dự của các Bộ trưởng Năng lượng của các nước thành viên ASEAN gồm Brunei Darussalam, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore và Thái Lan.

Các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, ASEAN+3 cam kết theo đuổi các biện pháp phục hồi kinh tế bền vững sau đại dịch COVID-19 trong lĩnh vực năng lượng bằng cách tăng cường quan hệ đối tác và đổi mới hướng tới an ninh năng lượng, năng lượng chuyển đổi và khả năng phục hồi của ngành năng lượng.

Hiện tại, các quốc gia ASEAN cũng đang hướng tới tăng cường khả năng phục hồi bằng cách cân bằng chi phí kinh tế và rủi ro cung cấp trong khi xem xét sự cân bằng tối ưu giữa an ninh quốc gia và phục hồi kinh tế.

Cùng với đó, các đại biểu cũng hoan nghênh Chương trình Hợp tác năng lượng ASEAN (APAEC) giai đoạn II từ năm 2021-2025 được thống nhất tại Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN (AMEM) lần thứ 38 và nhắc lại hỗ trợ trong việc thực hiện thông qua các hoạt động khác nhau như trao đổi thông tin và kiến thức, các chương trình nâng cao năng lực, nghiên cứu chung và ấn phẩm và các dự án trình diễn.

Riêng với vấn đề an ninh năng lượng, các nước tái khẳng định tầm quan trọng của nguồn cung ổn định năng lượng sạch và giá cả phải chăng hỗ trợ các hoạt động kinh tế và cuộc sống hàng ngày.

Đặc biệt, các nước thừa nhận quá trình chuyển đổi năng lượng trong ASEAN đang tập trung không chỉ vào chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo mà còn các lựa chọn năng lượng sạch, bền vững, và công nghệ hướng tới khả năng phục hồi sau đại dịch.

[ASEAN 2020: Chuyển dịch năng lượng hướng đến phát triển bền vững]

Hiện nay, các nước ASEAN+3 đang tích cực thúc đẩy triển khai công nghệ than sạch (CCT) để hỗ trợ quá trình chuyển đổi trong nền kinh tế carbon thấp.

Do đó, các đại biểu đề nghị tăng cường công tác xúc tiến thương mại trong vai trò mới của CCT và sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS) thông qua phổ biến các thực tiễn tốt nhất, thảo luận nhóm tập trung, hội thảo chính sách, nghiên cứu, phát triển và trình diễn.

Ngoài ra, các Bộ trưởng khuyến khích 3 quốc gia tiếp tục ủng hộ Diễn đàn ASEAN về than (AFOC) trong thực hiện APAEC giai đoạn II từ năm 2021-2025. Các bộ trưởng hoan nghênh Tóm tắt Chính sách Chung về vai trò mới của các nhà máy điện đốt than trong kỷ nguyên của chuyển đổi năng lượng được chuẩn bị bởi ACE và JCOAL. Bên cạnh đó, các bộ trưởng đánh giá cao hỗ trợ của Trung Quốc và Nhật Bản về CCT thông qua tiến bộ công nghệ và hỗ trợ chính sách.

Hơn nữa, đối với hợp tác năng lượng hạt nhân, các nước tiếp tục hướng đến các sáng kiến từ Trung tâm Nghiên cứu tích hợp của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản (JAEA) cho lĩnh vực không phổ biến vũ khí hạt nhân và an ninh hạt nhân (ISCN) để thực hiện hoạt động nâng cao năng lực về an ninh hạt nhân, các biện pháp bảo vệ và hệ thống kế toán và kiểm soát (SSAC) vật liệu hạt nhân, và khuôn khổ không phổ biến vũ khí quốc tế.

Dưới sự tác động của COVID-19 ảnh hưởng đến sự phát triển và tính khả thi của nhà máy lọc dầu và cơ sở hạ tầng LNG trong khu vực ASEAN+3, các đại biểu đã biểu dương các nước ASEAN+3 tăng cường hợp tác giữa chính phủ, các tổ chức tài chính và khu vực tư nhân nhằm cho phép tiếp cận tài chính tốt hơn để đạt được phục hồi toàn diện.

Mặt khác, các đại biểu khuyến khích ASEAN+3 tìm hiểu, quan tâm về sự phát triển tiềm năng bằng cách thúc đẩy đổi mới công nghệ để khử cacbon và số hóa trong chuỗi giá trị dầu khí, bao gồm LNG quy mô nhỏ, LNG, bunkering, hydro và CCUS./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục