“Cam kết không nằm ghép phải bằng biện pháp thực, không nói suông”

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng ngành y tế phải cam kết cụ thể chứ không nói chung chung thu hẹp phòng hành chính, mở rộng phòng khám, điều trị.
“Cam kết không nằm ghép phải bằng biện pháp thực, không nói suông” ảnh 1Bệnh nhân nằm điều trị tại bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Những ngày gần đây, Bộ Y tế đưa ra danh sách gần 20 bệnh viện ký cam kết không để xảy ra tình trạng nằm chung, ghép được dư luận rất quan tâm và đánh giá cao.

Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội thẳng thắn cho rằng: “Tôi ủng hộ cam kết của các bệnh viện và của Bộ Y tế. Nhân dịp này chúng tôi đề nghị, khi các bệnh viện đã cam kết giảm tải, không nằm quá tải thì Bộ Y tế phải ủng hộ bằng các biện pháp thiết thực, chứ không chỉ nói suông.”

Ông Nguyễn Văn Tiên đã phát biểu như vậy trong buổi tọa đàm trực tuyến “Giảm tải bệnh viện - Cam kết vì người bệnh” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 6/2, tại Hà Nội.

Việc các bệnh viện đã ký cam kết chấm dứt tình trạng bệnh nhân nằm ghép, đảm bảo mỗi bệnh nhân có một giường bệnh, chậm nhất sau 48 giờ nhập viện. Đây thực sự là tín hiệu tốt cho nhiều người bệnh, minh chứng rõ nhất cho việc thực hiện giảm bớt tình trạng quá tải hiện nay.

Để công tác giảm tải thực sự có hiệu quả, theo ông Nguyễn Văn Tiên, ngành y tế phải cam kết cụ thể chứ không chỉ nói chung chung rằng sẽ thu hẹp phòng hành chính, mở rộng phòng khám, phòng điều trị để giảm tải mà phải có chỉ tiêu cụ thể, có thể định lượng được.

“Theo tôi, điều quan trọng nhất Bộ Y tế cần làm thế nào để quy định để cấp huyện, xã cấp được các thuốc mà trước kia chỉ có bệnh viện Trung ương được cấp. Chẳng hạn như để tránh tình trạng bệnh nhân "rồng rắn" lên Trung ương xếp hàng khám chữa bệnh tiểu đường, cao huyết áp, lĩnh thuốc hàng tháng, thì bây giờ có lẽ chỉ nên để họ khám 1-2 lần/năm. Lần đầu tiên khám để kiểm tra, sau đó, suốt 10 tháng lĩnh thuốc ở huyện, xã, sau đó cuối năm thì lên kiểm tra lại, như vậy có thể giảm tải rất lớn." - ông Tiên chia sẻ.

Chia sẻ những thành công trong việc thực hiện công tác giảm tải tại Bệnh viện Việt Đức, ông Nguyễn Tiến Quyết – Giám đốc bệnh viện cho hay, từ những năm 2003-2004 bệnh viện có hiện tượng nằm ghép từ đến 3 bệnh nhân/giường khá phổ biến.

Trước thực trạng trên, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, lãnh đạo bệnh viện đã quyết liệt tăng thêm giường và tăng giờ làm việc, áp dụng công nghệ cao và phân loại bệnh nhân chặt chẽ.

“Chúng tôi đã đào tạo cho các bệnh viện vệ tinh, sáu bệnh viện vệ tinh đã thực hiện rất hiệu quả. Như Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ trước kia tỷ lệ chuyển tuyến từ 100%, sau khi thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh đã chỉ còn khoảng 10-15%,” ông Quyết dẫn chứng.

Từ năm 2003-2004, Bệnh viện Việt Đức chỉ có 430 giường, đến năm 2007-2008, có 800 giường và đến giờ có 1.100 giường.

Tại buổi tọa đàm, có rất nhiều ý kiến thắc mắc của người dân gửi đến lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng tình trạng quá tải bệnh viện hiện nay chủ yếu xảy ra ở những bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt ở các chuyên khoa: nhi, ung bướu, tim mạch…

Có ý kiến thắc mắc trong lần ký cam kết này, chưa thấy những bệnh viện luôn quá tải trầm trọng như Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh cam kết.

Về thắc mắc này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho hay, những mong mỏi của bệnh nhân sẽ được các bệnh viện quyết liệt thực hiện các giải pháp để tiến hành cam kết không nằm ghép trong thời gian hiện tại cũng như tương lai rất gần.

Theo bà Xuyên, để làm được điều đó, các bệnh viện tuyến cuối đã thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh nên nhiều bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh thực hiện đề án giảm tải, đề án bệnh viện vệ tinh và đề án 1816 để tuyến dưới thực hiện được kỹ thuật cao, kỹ thuật mới ngay tại tuyến tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết Bệnh viện K đang phấn đấu đến ngày 27/2 ký cam kết cơ sở 1, cơ sở 2 không nằm ghép còn cơ sở 3 sẽ phấn đấu như vậy vào dịp 19/5./.

Tháng 01/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện (giai đoạn 2013-2020) với mục tiêu từng bước giảm tình trạng quá tải bệnh viện ở hai khu vực khám bệnh và điều trị nội trú; cơ bản khắc phục tình trạng nằm ghép vào năm 2015. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu trên, hiện nay nhiệm vụ “giảm tải” được Bộ Y tế xác định là nhiệm vụ hàng đầu trong 7 nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục