Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) đã chứng kiến nhiều cam kết của các nhà lãnh đạo toàn cầu nhằm chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Tại Hội nghị, Việt Nam đã khẳng định thông điệp mạnh mẽ đến tất cả bạn bè quốc tế về trách nhiệm, chủ động, tích cực trong tham gia xử lý một trong những thách thức chung toàn cầu lớn nhất và được quan tâm cao nhất hiện nay là biến đổi khí hậu.
Ngay sau khi COP 26 kết thúc, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách pháp luật và hành động cụ thể nhằm hiện thực các mục tiêu đã cam kết. Điều này cũng được thể hiện rõ qua các hoạt động của Đoàn Việt Nam đang tham dự COP 27 diễn ra tại Sharm El-Sheikh, Ai Cập, từ ngày 6-18/11 tới.
Tham dự hội nghị lần này, Việt Nam mang theo tinh thần đoàn kết để giải quyết những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra thông qua hành động thực tiễn để thực hiện các cam kết và nội dung của COP26.
Để làm rõ hơn nội dung này, phóng viên TTXVN thực hiện hai bài viết “Hiện thực cam kết COP 26.”
Bài 1: Trách nhiệm, chủ động xử lý khủng hoảng khí hậu
Tại COP 26, 105 quốc gia bao gồm Việt Nam đã cùng tham gia sự kiện công bố Cam kết giảm phát thải methane toàn cầu. Việt Nam cũng tham gia sự kiện Hành động về rừng và sử dụng đất do Thủ tướng Anh Boris Johnson chủ trì, hơn 100 nhà lãnh đạo toàn cầu cam kết ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030, góp phần đạt mục tiêu giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C.
[Việt Nam tăng cường hợp tác với châu Âu hướng tới kinh tế xanh]
Một trong những nội dung chính của Hội nghị COP26 là Mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 cũng được nhiều lãnh đạo trên thế giới cam kết mạnh mẽ. Trong đó, Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Hiện thực các mục tiêu khí hậu đã cam kết
Ngay sau khi Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 kết thúc, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; đồng thời, đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết bằng việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải ròng…
Trong năm 2022, nhiều chính sách pháp luật đã được thông qua nhằm thực hiện mục tiêu đó như Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với nội dung Quy định trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân trong thực hiện thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022, quy định chi tiết việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozon và phát triển thị trường carbon.
Đồng thời, ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục các lĩnh vực, cơ sở có mức phát thải hàng năm từ 3.000 tấn CO2 trở lên phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Đặc biệt, ngày 26/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 896/QD-TTg về Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, đưa ra 87 biện pháp giảm phát thải kèm chi phí, tạo thuận lợi cho việc lập kế hoạch, triển khai thực hiện và theo dõi giám sát phát thải khí nhà kính.
Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 27 (COP27) được tổ chức tại Sharm El-Sheikh, Ai Cập, từ ngày 6-18/11 tới.
Nước chủ nhà Ai Cập đưa ra chương trình nghị sự gồm 4 chủ đề chính, bao gồm tài chính khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu, tổn thất và thiệt hại, nâng tham vọng hành động khí hậu.
Các chủ đề được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh bao gồm phát triển hydro xanh, vấn đề nước và an ninh lương thực, chuyển đổi năng lượng và các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Đoàn công tác của Việt Nam tham dự Hội nghị COP 27 do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà làm Trưởng đoàn.
Tham dự hội nghị lần này, Việt Nam mang theo tinh thần đoàn kết để giải quyết những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra thông qua hành động thực tiễn để thực hiện các cam kết và nội dung của COP26.
Đoàn đại biểu Việt Nam sẽ tham dự phiên khai mạc, phiên toàn thể và thực hiện các cuộc làm việc song phương, đa phương nhằm thúc đẩy các tiến trình thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu.
Nổi bật, Đoàn công tác sẽ tham dự sự kiện “Đẩy mạnh hoạt động giảm thiểu phát thải khí nhà kính nhằm ứng phó biến đổi khí hậu: Tài chính khí hậu cho con người và hành tinh;” tham dự sự kiện bàn tròn với Liên minh tài chính Glasgow về hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết ứng phó biến đổi khí hậu; ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Cơ quan phát triển quốc tế Pháp về Thỏa thuận hợp tác triển khai quan hệ đối tác chiến lược giảm phát thải carbon và chuyển đổi năng lượng...
Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đang hết sức nỗ lực để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân, đồng thời đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế.
Khu công nghiệp xanh giữa lòng thành phố
Phát triển khu công nghiệp sinh thái là một giải pháp thực hiện quy trình kinh tế khép kín (kinh tế tuần hoàn) theo khuyến nghị của tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc.
Theo tổ chức này, việc thực hiện quy trình nêu trên sẽ đóng góp 0,8-7% vào tăng trưởng GDP và giảm 8-70% lượng khí thải của một quốc gia. Do đó, việc chuyển đổi từ khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái là rất cần thiết. Đây được coi là giải pháp không chỉ khắc phục được những hạn chế, bất cập về vấn đề môi trường, giảm lãng phí tài nguyên, mà còn thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng đã đầu tư số vốn không nhỏ cho công tác bảo vệ màu xanh của môi trường. Đây là Khu công nghiệp sinh thái đầu tiên do người Việt Nam đầu tư.
Nghị định 82/2018/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 22/5/2018 quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, được xem là kim chỉ nam về phát triển khu công nghiệp sinh thái, hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững. Dựa trên đó, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền chọn đầu mối doanh nghiệp thuộc nhóm dẫn dắt 3 mối quan hệ cộng sinh trong khu để vận động thành lập Câu lạc bộ Nam Cầu Kiền.
Đến nay, Câu lạc bộ này đã có sự tham gia của lãnh đạo khoảng 100 doanh nghiệp đến từ các quốc gia Italy, Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc và Việt Nam, nhằm đưa đầu ra của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp khác.
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Shinec (chủ đầu tư Dự án Khu Sinh thái Nam Cầu Kiền-Hải Phòng) cho biết: “Tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, tất cả các nhà máy đều có những buổi tuyên truyền cho công nhân về ý thức bảo vệ môi trường, phát triển chuỗi khu công nghiệp xanh không khói bụi, thực hiện chu trình kinh tế tuần hoàn. Các chủ đầu tư xác định có giá trị gia tăng thông qua việc là hợp tác sống cộng sinh với nhau. Đây là điểm khác biệt của Nam Cầu Kiều với các khu vực khác.”
Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đầu tư tối ưu diện tích đất sử dụng mật độ kỹ thuật cao, nhiều công năng đem lại hiệu suất tối đa, kết hợp hài hòa giữa vai trò cảnh quan sinh thái, công trình bảo vệ môi trường, thực nghiệm khoa học ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với hạ tầng kỹ thuật phục vụ các dự án của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Ông Phạm Quốc Việt, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần You & Me cho biết trong hệ sinh thái này, đầu ra của công ty này sẽ là đầu vào của công ty khác. Điều này giúp giảm thiểu chi phí hoạt động của doanh nghiệp, giảm thiểu thiệt hại cũng như tăng tính kết nối giữa các doanh nghiệp.
Theo Nghị định 82/2018/NĐ-CP, khu công nghiệp sinh thái phải thực hiện ít nhất một liên kết cộng sinh. Còn ở Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền hiện nay đã có 3 liên kết, quyết tâm xây dựng thành công khu công nghiệp sinh thái theo đúng nghĩa, đem niềm tự hào này từ Hải Phòng, truyền cảm hứng cho các nhà đầu tư trong cả nước.
Trong 14 năm xây dựng và khai thác kinh doanh, khu công nghiệp Nam Cầu Kiền luôn chú trọng cải tiến hệ thống quản lý, phát triển các hoạt động dịch vụ tiện ích nhằm gia tăng lợi ích cho khách hàng, trở thành đối tác phát triển bền vững của các doanh nghiệp.
Vùng đất tiềm năng phát triển điện gió
Trong bối cảnh thiếu hụt năng lượng hóa thạch như hiện nay, các nước trên thế giới tiến dần đến xu hướng tận dụng năng lượng tái tạo (mặt trời, điện gió…). Điện gió giúp thế giới tránh phát thải hơn 1,2 tỷ tấn CO2 hàng năm - tương đương với lượng khí thải carbon hàng năm của Nam Mỹ.
Việt Nam có tên trong danh sách 10 thị trường điện gió trên bờ hàng đầu và 5 thị trường điện gió ngoài khơi hàng đầu, tính theo công suất lắp đặt mới vào năm 2021. Có thể khẳng định Việt Nam có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo rất lớn.
Trước đây, Bình Thuận nhiều nắng, gió, ít mưa… từng là điều bất lợi “kìm chế” sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nay chính những điều bất lợi này đã được biến thành thế mạnh, tiềm năng để Bình Thuận phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, nhất là điện Mặt Trời, điện gió và tương lai không xa là điện gió ngoài khơi.
Đây là lĩnh vực đầy tiềm năng của tỉnh Bình Thuận, ưu thế về tốc độ gió và độ sâu của mực nước biển thuận lợi hơn so với các tỉnh thành khác trong nước; thu hút các nhà đầu tư hàng đầu thế giới về năng lượng đang tìm hiểu đầu tư tại tỉnh. Tiêu biểu là điện gió ngoài khơi Kê Gà của tập đoàn năng lượng Enterprize Energy (Vương quốc Anh) về dự án phát triển điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind.
Ông Ian Hatton, Chủ tịch tập đoàn Enterprize Energy cho biết Bình Thuận là tỉnh có tiềm năng rất lớn về điện gió ngoài khơi, tôi đã từng khảo sát, đánh giá tiềm năng này tại các nước Đông Nam Á, trong đó Bình Thuận là một trong những nơi có tiềm năng lớn nhất.
Ông Nguyễn Hoàng Hưng, Tổng Giám đốc Công ty điện Mặt Trời Phong Phú, Bình Thuận cũng khẳng định: “Tiềm năng năng lượng Mặt Trời tại tỉnh Bình Thuận đặt biệt là tại huyện Tuy Phong rất tốt. Nhà máy điện của chúng tôi từ khi vận hành và đạt COD đến nay đã đạt được 200.000 số điện mỗi ngày, bảo đảm hiệu quả đầu tư.”
Với lợi thế 192km đường bờ biển và nắng gió quanh năm, Bình Thuận là địa phương có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo thuộc loại cao nhất trong cả nước; số giờ gió, giờ nắng trung bình cao hơn so với số giờ trung bình ở phía Nam, tốc độ gió và bức xạ nhiệt cao và ổn định, rất phù hợp và thuận lợi để phát triển điện gió, điện Mặt Trời. Tính đến tháng 9/2022, toàn tỉnh có 48 nhà máy điện đang hoạt động phát điện với tổng công suất 6.520MW; trong đó có 10 nhà máy điện gió và 26 nhà máy điện Mặt Trời đã được quy hoạch đầu tư phát triển.
Ông Dương Tấn Long, Trưởng phòng Phòng Quản lý Năng lượng, Sở Công Thương Bình Thuận cho biết hiện nay, khu vực phát triển điện gió tại tỉnh đa số được thực hiện tại các vùng ít mưa, thiếu nước, người dân và sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả. Điều này giúp tận dụng được tiềm năng, lợi thế để phát triển, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời góp phần phát triển công nghiệp của tỉnh.
Trong thời gian tới Bình Thuận sẽ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để xem xét điều chỉnh các quy hoạch và điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế gắn kết với phát triển các lợi thế của địa phương nhằm xây dựng tỉnh trở thành Trung tâm năng lượng quốc gia, đưa ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế lâu dài và bền vững. Mục tiêu đến năm 2030, cung cấp đủ nhu cầu năng lượng đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Việc thực hiện các cam kết tại COP26, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ của Việt Nam là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Điều đó khẳng định quyết tâm và ưu tiên của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việt Nam sẽ tiếp tục hành động nhanh chóng, mạnh mẽ, toàn diện, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng và phát triển hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, để biến các cam kết tại Hội nghị COP26 thành hiện thực, mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước./.