Cấm hút thuốc lá trong bệnh viện: Vẫn ''bắt cóc bỏ đĩa''

Sau 5 năm Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá đi vào thực tiễn, việc hút thuốc lá tại bệnh viện vẫn diễn ra một cách công khai mà chưa có biện pháp xử lý triệt để.
Cấm hút thuốc lá trong bệnh viện: Vẫn ''bắt cóc bỏ đĩa'' ảnh 1Vô tư nhả khói trong khuôn viên bệnh viện dù bảng cấm hút thuốc ngay bên cạnh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ năm 2013, quy định rõ các các cơ sở y tế là nơi cấm hoàn toàn việc hút thuốc lá.

Tuy nhiên, sau 5 năm đi vào thực tiễn, việc hút thuốc lá tại bệnh viện vẫn diễn ra một cách công khai mà chưa có biện pháp xử lý triệt để.

Khuôn viên bệnh viện... đầy khói thuốc

Khuôn viên Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh vào chiều 30/5 vẫn còn nhiều người bệnh và thân nhân người bệnh vô tư hút thuốc lá.

Thấy ống kính phóng viên, một người đàn ông tên T. dụi điếu thuốc hút dở nói: “Tôi chăm vợ mấy ngày ở bệnh viện, vốn nghiện thuốc nên tôi tranh thủ giờ vắng bệnh nhân ra sân hút điếu thuốc cho... đỡ thèm.”

Cách chỗ ông T. ngồi không xa, nhiều người vừa trò chuyện vừa hút thuốc lá bất chấp phản ứng của những người xung quanh. Không chỉ thân nhân người bệnh mà cả những bệnh nhân cũng hút thuốc lá dù trong khuôn viên Bệnh viện Ung bướu có gắn nhiều bảng “cấm hút thuốc trong bệnh viện” nhưng nhiều người vẫn... ngó lơ.

[Hình ảnh thuốc lá trong cuộc sống hàng ngày của người Việt Nam]

Nằm bên cạnh Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh là Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Tại bệnh viện này, hành lang, ghế đá, những góc khuất đều trở thành nơi "lý tưởng" để người nhà bệnh nhân và cả bệnh nhân thay nhau nhả khói. Đây cũng là tình trạng chung tại rất nhiều bệnh viện hiện nay. Một nữ lao công tại một bệnh viện cho hay, mỗi ngày chị thu dọn rất nhiều mẩu tàn thuốc vương vãi dưới đất.

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định rõ những địa điểm cấm hoàn toàn việc hút thuốc lá gồm cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao... Hiện tất cả các bệnh viện trên toàn quốc đã thực hiện xây dựng môi trường không khói thuốc nhưng thực tế tình trạng hút thuốc lá trong bệnh viện chỉ mới giảm chứ chưa chấm dứt.

Nói về tác hại của hút thuốc lá trong bệnh viện, thạc sỹ-bác sỹ Đinh Thị Hải Yến, Trung tâm Truyền thông-Giáo dục sức khỏe Thành phố Hồ Chí Minh, nhìn nhận bệnh viện là nơi tập trung đông người, nhất là những bệnh viện quá tải nên nếu hút thuốc lá ở đây sẽ có nhiều người bị hút thuốc lá thụ động hơn, kể cả nhân viên y tế. Việc hút thuốc lá trong bệnh viện có thể khiến những người đang mắc bệnh, đang điều trị bệnh càng mắc bệnh nặng hơn. Khói thuốc cũng gây ô nhiễm môi trường, tăng nguy cơ cháy nổ...

Còn bác sỹ Hồ Quốc Khải, Khoa Nội hô hấp - Bệnh viện Nhân dân Gia Định Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay những người hút thuốc lá thụ động là những người chịu ảnh hưởng nặng nhất của việc hút thuốc lá bừa bãi. Ở môi trường đông người với nhiều tòa nhà cao tầng san sát nhau như bệnh viện thì khói thuốc càng tồn tại lâu trong không khí và mức độ gây hại cũng càng cao.

Khó xử phạt

Để giảm thiểu việc hút thuốc lá trong bệnh viện, thời gian qua các biện pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức của người bệnh, thân nhân và chính cả nhân viên y tế đã được các bệnh viện triển khai.

Bác sỹ Phạm Minh Thành, Trưởng Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Quận 2, cho biết đơn vị đã lập các đội đi kiểm tra thường xuyên, trong đó nòng cốt là lực lượng bảo vệ. Nếu phát hiện người hút thuốc lá trong bệnh viện, nhân viên bảo vệ cũng như các nhân viên y tế khác nhắc nhở ngay lập tức.

Cấm hút thuốc lá trong bệnh viện: Vẫn ''bắt cóc bỏ đĩa'' ảnh 2Vô tư nhả khói trong khuôn viên bệnh viện dù bảng cấm hút thuốc được treo khắp nơi. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Còn tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, mỗi buổi sáng đều có loa nhắc nhở, tuyên truyền thân nhân, bệnh nhân và cả nhân viên y tế không hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện. “Đối với những trường hợp vi phạm, nhắc nhở không hiệu quả, chúng tôi mời ra khỏi bệnh viện, thậm chí ngừng cung cấp dịch vụ,” bác sỹ Hồ Quốc Khải - Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết.

Tuy nhiên, đại diện các bệnh viện cũng thừa nhận, các biện pháp cấm hút thuốc lá trong bệnh viện mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở bởi quy định xử phạt hiện vẫn chưa nằm trong quyền hạn của bệnh viện. Chỉ Thanh tra Sở Y tế, Công an, Ủy ban Nhân dân quận, huyện và xã, phường mới có chức năng xử phạt hút thuốc lá. Còn nếu người của các bệnh viện phát hiện có trường hợp hút thuốc lá sẽ nhắc nhở, mời ra khỏi khuôn viên bệnh viện, ngừng cung cấp dịch vụ hoặc lập biên bản, sau đó gửi lên các cơ quan chức năng ra biên bản xử phạt nhưng lúc đó bệnh nhân đã đi khỏi rồi nên việc xử phạt không thể thực hiện. “Nếu chỉ dừng lại ở nhắc nhở, mời ra khỏi khuôn viên thì không thể ngăn chặn triệt để việc hút thuốc lá trong bệnh viện,” bác sỹ Phạm Minh Thành, Bệnh viện Quận 2 nêu ý kiến.

Về việc xử lý hút thuốc lá trong bệnh viện, thạc sỹ-bác sỹ Đinh Thị Hải Yến, Trung tâm Truyền thông-Giáo dục sức khỏe Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay hiện các cơ quan chức năng của Sở Y tế Thành phố và các bệnh viện chỉ mới xử phạt được các nhân viên y tế có hành vi hút thuốc lá trong bệnh viện, còn thân nhân và bệnh nhân thì... chịu.

Trong năm 2017, Ban Chủ nhiệm Phòng chống tác hại thuốc lá - Sở Y tế Thành phồ Hồ Chí Minh đã kiểm tra định kỳ 50 cơ sở y tế và phát hiện một bác sỹ Bệnh viện Quận 2, nhân viên công nghệ thông tin Bệnh viện Nguyễn Trãi, lái xe Bệnh viện Nhân dân Gia Định hút thuốc lá và đã lập biên bản vụ việc chuyển thanh tra Sở Y tế xử phạt mỗi người 250.000 đồng.

Trước đó năm 2016 ngành Y tế thành phố cũng xử phạt ba trường hợp hút thuốc lá tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Quận 3, Bệnh viện huyện Bình Chánh. Đây được xem là biện pháp khá "mạnh tay" của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh bởi ngoài thân nhân, người bệnh thì nhân viên y tế cũng là đối tượng hút thuốc lá khá thường xuyên trong bệnh viện.

Trong khi chưa có giải pháp ngăn chặn triệt để việc hút thuốc lá bừa bãi trong bệnh viện, một bác sỹ giấu tên cho rằng nên nới lỏng quy định và bệnh viện cũng cần có một phòng riêng để hút thuốc lá. Theo vị bác sỹ này, nhiều nhân viên y tế, bệnh nhân, thân nhân bị nghiện thuốc, thậm chí có người nếu không có thuốc lá thì không thể minh mẫn để làm việc, đó là nhu cầu có thật. “Nếu có chỗ hút thuốc riêng sẽ hạn chế được việc hút thuốc bừa bãi, ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân,” vị bác sỹ này nêu quan điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục