Cam Hưng Yên vào vụ thu hoạch, tiêu thụ thuận lợi

Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết nên sản lượng cam giảm so với năm trước nhưng việc tiêu thụ thuận lợi nên người dân Hưng Yên rất phấn khởi.

Sản phẩm cam Hưng Yên. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)
Sản phẩm cam Hưng Yên. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

Những ngày này, các vùng trồng cam trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đang bước vào vụ thu hoạch.

Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết nên sản lượng cam giảm so với năm trước nhưng tiêu thụ thuận lợi nên người dân rất phấn khởi.

Huyện Kim Động là một trong những địa phương trồng nhiều cam nhất của tỉnh Hưng Yên với trên 300ha.

Hiện tại, các địa phương trên địa bàn huyện đang tập trung thu hoạch diện tích cam Vinh. Loại cam này có giá từ 35.000-40.000 đồng/kg, cao hơn năm ngoái.

Đây là vụ cam thứ hai gia đình ông Lưu Văn Lễ, ở thôn Bùi Xá, xã Đồng Thanh, huyện Kim Động trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP

Ông Lễ chia sẻ trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP mất nhiều công hơn nhưng bù lại chi phí thấp, chủ yếu là bón phân vi sinh lại đẹp mã, quả đều, mọng nước nên có giá cao hơn so với mọi năm.

Với giá bán tại vườn trung bình từ 35.000-40.000 đồng/kg và dự tính sẽ cao hơn nữa, năm nay, gia đình ông sẽ thu lãi khoảng 50 triệu đồng từ 3 sào cam.

Gia đình ông Dương Văn Tươi, ở thôn Thanh Sầm, xã Đồng Thanh, huyện Kim Động cũng đang tất bật thu hoạch cam.

Ông Tươi cho biết qua quá trình trồng thử nghiệm rất nhiều loại cam, giống cam Vinh là thích hợp phát triển với vùng đất này. Trước đây, do chưa tuân thủ đúng quy trình sản xuất nên sản lượng và chất lượng cam không cao khó cạnh tranh về giá với các vùng cam khác trên thị trường.

Những năm trở lại đây, gia đình ông đã trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Mặc dù mất nhiều công hơn nhưng bù lại chi phí thấp, chủ yếu là bón phân vi sinh lại đẹp mã, mọng nước nên cam bán được giá cao.

Theo ông Tươi, năm nay, do ảnh hưởng của mưa bão nên năng suất giảm hơn so với mọi năm nhưng bù lại cam được bán với giá cao từ 35.000-40.000 đồng/kg nên gia đình ông rất phấn khởi.

Năm nay, gia đình ông trồng 1,5 mẫu cam và bưởi Diễn. Hiện nay, gia đình đang tập trung nhân lực để thu hoạch cam.

Những ngày này, Hợp tác xã Sản xuất rau, củ, quả an toàn Văn Giang, xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang cũng đang tất bật thu hoạch cam để kịp giao cho khách.

Theo Giám đốc Hợp tác xã sản xuất rau, củ, quả an toàn Văn Giang Lý Thị Hà, năm nay, hợp tác xã trồng khoảng 30ha cam, sản lượng ước đạt 200 tấn quả, giảm khoảng 40% so với năm trước bởi bão, lũ. Hiện tại, trung bình mỗi ngày hợp tác xã xuất bán khoảng 1 tấn cam cho thương lái.

Đáng chú ý, từ nhiều năm nay, hợp tác xã đã áp dụng sản xuất cam theo quy trình VietGAP và đã được công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 3 sao.

Theo bà Hà, để mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất cam, Hợp tác xã tích cực quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội. Vì thế, sản phẩm cam của hợp tác xã thu hoạch đến đâu được tiêu thụ ngay đến đó, với giá bán ổn định 50.000 đồng/kg.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hưng Yên, tỉnh hiện có 1.700 ha cam, tập trung nhiều ở các huyện Văn Giang, Kim Động, Phù Cừ, Khoái Châu và thành phố Hưng Yên, chủ yếu là các giống cam Vinh, cam đường canh, cam V2… Sản lượng cam năm nay ước đạt từ 25.000-28.000 tấn.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Tráng cho biết thời gian qua, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã chủ động thực hiện các giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng.

Các nhà vườn cũng chủ động áp dụng phương pháp canh tác VietGAP, hữu cơ, tuân thủ nguyên tắc "4 đúng" trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ, liều lượng và đúng cách) trong sản xuất cam để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số vùng trồng cam sản xuất theo hình thức liên kết chuỗi giá trị, điển hình như các xã: Quảng Châu (thành phố Hưng Yên), Đồng Thanh (Kim Động), Tam Đa (Phù Cừ). Cùng với việc xây dựng thương hiệu, cam Hưng Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

Các nhà vườn cũng chủ động áp dụng phương pháp canh tác VietGAP, hữu cơ, tuân thủ nguyên tắc "4 đúng" trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ, liều lượng và đúng cách) trong sản xuất cam để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

"Từ nhiều năm nay, cùng với cây nhãn lồng đặc sản, cây cam đang trở thành cây chủ lực để nông dân Hưng Yên vươn lên làm giàu. Đặc biệt, nhiều địa phương ở các huyện Phù Cừ, Yên Mỹ, Kim Động, Ân Thi, Văn Giang, Khoái Châu, thành phố Hưng Yên đã chuyển đổi hàng trăm ha đất trồng lúa và màu hiệu quả thấp sang trồng cam," ông Tráng cho hay.

Thời gian tới, tỉnh Hưng Yên tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế; trong đó, trọng tâm là tăng cường xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm; phát huy hiệu quả Đề án ứng dụng tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nông nghiệp nhằm bảo vệ thương hiệu, khẳng định chất lượng và uy tín của sản phẩm nông nghiệp Hưng Yên với người tiêu dùng.

Đồng thời, ngành nông nghiệp tỉnh cũng sẽ tập trung tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; áp dụng trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ; đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục