Cam bù: Sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng núi Hương Sơn

Cam bù là một trong những loại sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Hương Sơn (Hà Tĩnh), được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ hương vị ngọt thơm đặc biệt.
Cam bù được trồng nhiều tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) từ những năm 1960s. (Ảnh: Vietnam+)
Cam bù được trồng nhiều tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) từ những năm 1960s. (Ảnh: Vietnam+)

Mặc dù cam bù đã bước vào giai đoạn cuối vụ nhưng tại các chợ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) vẫn tấp nập cảnh mua-bán loại quả này. Một số tiểu thương tại đây cho biết vào giai đoạn này, cam chín vàng, giá bán cao hơn so với đầu vụ.

Loại trái cây đặc sản

Quả cam bù thường có hình cầu với lớp vỏ dày và nhẵn. Khi chín quả chuyển sang màu vàng tươi rất đẹp. Không chỉ có vậy, cam bù còn được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ hương vị ngọt thơm, đậm đà, múi mọng nước.

[Tiếp tục cơ cấu chuỗi giá trị, đổi mới tăng trưởng trong nông nghiệp]

Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hương Sơn cho biết cam bù được trồng nhiều từ thập niên 1960s. Hiện nay, đây là loại trái cây đặc sản và là một trong những loại sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Diện tích cam bù ở Hương Sơn năm 2019 đạt khoảng 965 ha (trong tổng số hơn 2.150 ha cam các loại), tăng hơn 60 ha so với năm 2018.

Cam bù: Sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng núi Hương Sơn ảnh 1Cam bù là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng. (Ảnh: Vietnam+)

Năm 2019, huyện Hương Sơn có hai hợp tác xã, 39 tổ hợp tác và bốn trang trại sản xuất cam bù với sự tham gia của hơn 200 hộ dân, tập trung chủ yếu tại các xã: Sơn Mai, Sơn Trường, Sơn Thủy, Sơn Hàm, Sơn Quang, Sơn Lâm, Sơn Tây… Những cơ sở này đã được cấp chứng nhận quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Loại quả này có trọng lượng trung bình khoảng 0,3kg/quả. Đặc biệt, có những quả nặng từ 0,5-0,7kg.

Theo chị Nguyễn Thị Tuyết - một trong những người trồng cam bù lâu năm tại xã Sơn Trường (huyện Hương Sơn) thông thường, phải mất ít nhất khoảng 4 năm (kể từ khi trồng), cây cam bù mới cho thu hoạch quả. Mỗi cây thường cho từ 100-150 quả/vụ. Tuy nhiên, có nhiều cây cho thu hoạch tới khoảng 200 quả/vụ. Để trái cam không bị sà sát mặt đất, người trồng cam bù Hương Sơn thường phải dùng cọc để chống đỡ các cành cây.

Chị Tuyết cho biết thêm vụ thu hoạch cam bù thường kéo dài từ khoảng tháng Chạp năm trước đến tháng Hai năm sau (Âm lịch). “Vào những ngày Tết, đây là loai quả không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên của người dân Hương Sơn. Đặc biệt, ở đây, người dân còn sử dụng cam bù như một loại thảo dược trong việc phòng và trị bệnh cảm cúm.

Nâng cao đời sống người dân

Hàng năm, vào vụ cam bù, các thương lái từ nhiều vùng, miền trong cả nước thường đến tận vườn để thu mua. Giá mua tại vườn dao động trong khoảng từ 18.000-30.000 đồng/kg.

Cam bù: Sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng núi Hương Sơn ảnh 2Nhiều tiểu thương cho rằng cam bù vụ này có chất lượng cao hơn những vụ trước. (Ảnh: Vietnam+)

Bà Châu Thị Mỹ Dung (một thương lái) chia sẻ: “Trong vụ cam bù này, tôi đã thu mua khoảng 15 tấn cam từ các hộ tại Hương Sơn. Năm nay, cam đạt chất lượng cao hơn những vụ trước nên bán khá chạy, nhập tới đâu, bán tới đó. Giá bán lẻ tại các chợ dao động trong khoảng từ 20.000-40.000 đồng/kg. Đó là mức giá không cao đối với sản phẩm chất lượng tốt. Bởi vậy, người tiêu dùng không lăn tăn nhiều.”

Có cùng quan điểm trên, chị Nguyễn Thị Tuyết cho biết nhìn chung, trong vụ mùa này, cam bù Hương Sơn cho năng suất và chất lượng cao hơn các vụ trước. Hiện nay, cam bù đã trở thành một trong những loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao nhất ở Hương Sơn. Cụ thể, cây cam bù cho hiệu quả kinh tế cao gấp 10 lần so với các loại cây trồng khác trên địa bàn.

“Gia đình tôi thu hoạch được khoảng bốn tấn cam bù trong vụ này. Sau khi trừ đi các loại chi phí, gia đình tôi vẫn lãi được vài trăm triệu đồng,” chị Tuyết kể.

Ở góc độ khác, đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hương Sơn cho biết cam bù có nhiều lợi thế trong việc tiếp cận thị trường. Cụ thể, loại cây trồng này đã được xây dựng xong chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và các mô hình cam được công nhận sản xuất theo quy trình VietGAP. Nhờ đó, thời gian tới, thị trường tiêu thụ sẽ rộng hơn. Giá trị gia tăng cao hơn sẽ khuyến khích các hộ mở rộng sản xuất.

Cam bù: Sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng núi Hương Sơn ảnh 3Dự kiến, diện tích trồng cam bù sẽ tiếp tục được mở rộng trong tương lai. (Ảnh: Vietnam+)

Trong năm 2020, phát huy những lợi thế sẵn có, huyện Hương Sơn đặt kế hoạch nâng diện tích trồng cam bù lên 985ha. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp địa phương tiếp tục hoàn thiện và nhân rộng các chuỗi liên kết trồng cam bù, bảo đảm mối liên kết ổn định lâu dài./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục