Cải tổ doanh nghiệp nhà nước của Cuba: Tìm điểm khởi đầu

Vấn đề “khó nhằn” nằm ở nhiệm vụ cải cách thành phần doanh nghiệp nhà nước, và xét tới tỷ trọng của thành phần này trong nền kinh tế Cuba, đây mới là điểm quyết định “cuộc chơi.”
Một chợ đầu mối tại Havana, Cuba. (Nguồn: AP)

Theo tuần báo Progreso Semanal - Tuần báo Tiến bộ, xuất bản tại Mỹ bằng tiếng Tây Ban Nha, kể từ khi Cuba công bố “Chiến lược kinh tế-xã hội” từ chín năm trước và việc thông báo tái khởi động tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ cuối tháng Bảy vừa qua, một biện pháp thu hút sự quan tâm của giới truyền thông là thông báo mở các cửa hàng mới chi trả bằng thẻ tín dụng ngoại tệ.

Sự mở rộng mô hình “đôla hóa” từng phần này đã được chấp thuận công khai nhưng không tuyên bố từ tháng 10/2019 và tạo nhiều “tiếng vang” lần này do bao gồm những mặt hàng nhạy cảm như lương thực và nhu yếu phẩm.

Tuy nhiên, đây lại được đánh giá là không phải hạt nhân của chiến lược tái kích hoạt kinh tế, mặc dù có thể ảnh hưởng tới kết quả thành bại của chiến lược.

[Cuba dỡ bỏ mức thuế 10% với đồng USD nhằm thúc đẩy nền kinh tế]

Việc phân cấp quản lý doanh nghiệp nhà nước, và mở rộng cũng như công nhận chính thức thành phần kinh tế tư nhân và hợp tác xã mới là hai trục chính của tiến trình cải cách mô hình thiết yếu này.

Trao quyền quyết định cho doanh nghiệp

Về lý thuyết, việc phát triển thành phần tư nhân theo hướng phát huy những tiềm năng của họ cũng sẽ đóng góp giải pháp cho các vấn đề kinh tế và xã hội mà Cuba đối diện.

Mặc dù rào cản ở đây là vấn đề tư duy khi vẫn có những cái nhìn không thiện cảm từ phía lãnh đạo Cuba đối với thành phần này.

Trong nhiệm vụ này, hiện đã có những đề xuất khả quan để La Habana cân nhắc và áp dụng ngay.

Vấn đề “khó nhằn” hơn nằm ở nhiệm vụ cải cách thành phần doanh nghiệp nhà nước, và xét tới tỷ trọng của thành phần này trong nền kinh tế Cuba, đây mới là điểm quyết định “cuộc chơi.”

Phần lớn cuộc tranh luận tập trung vào việc xác định ai sẽ có chức năng đưa ra các quyết định liên quan tới bất cứ công đoạn nào của quản lý doanh nghiệp.

Những quyết định ở đây bao gồm việc lựa chọn chủng loại, chất lượng và khối lượng sản xuất, định giá, lựa chọn nhà cung cấp và đối tượng khách hàng, xác định mức độ đầu tư, chức năng của hoạt động ngoại thương, quyết định nguồn vốn, phê chuẩn cấu trúc tổ chức; lựa chọn nhân lực, ấn định mức lương, quyết định các vị trí lãnh đạo, tính toán sử dụng lợi nhuận, mua sắm tài sản...

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Alejandro Gil đã khẳng định: “Chúng ta không cần phải giữ trọng trách ở các bộ hay cấp cao của đất nước để ra các quyết định thuộc về doanh nhân. Cán bộ doanh nghiệp phải hiểu rõ nhiệm vụ của mình là gì và cũng phải có sẵn những yếu tố cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ đó.”

Thế nhưng cuộc tranh luận tới nay vẫn kéo dài vô tận vì việc này đi kèm với sự thay đổi mang tính gốc rễ, đó là phân cấp quản lý doanh nghiệp.

Việc trao thêm quyền tự chủ cho doanh nghiệp đòi hỏi chính các đơn vị này, chứ không phải nhà nước, phải chịu trách nhiệm về những thất bại, cũng như hưởng thành quả từ hoạt động của họ. Điều đó cũng bao gồm cam kết chặt chẽ của nhà nước về việc không can thiệp để giải cứu các doanh nghiệp, và do đó kết thúc thời kỳ “hạn chế tài chính lỏng lẻo.”

Mặt khác, vẫn tồn tại một tập hợp doanh nghiệp nhất định, đảm nhận nhiệm vụ cung cấp một số hàng hóa và dịch vụ thiết yếu hoặc chiến lược, mà nhà nước đơn giản là không thể để họ phá sản.

Để tránh điều này, cũng do không thể áp đặt tất cả các luật chơi thông thường khác lên các doanh nghiệp đặc thù này, các công ty này sẽ được tự chủ nửa vời, và cuối cùng nhà nước vẫn tiếp tục vận hành và can thiệp vào thành tích và thất bại của họ. Nếu không giải quyết tốt vấn đề này, cải tổ Cuba vẫn chỉ là 1 vòng quay 360 độ.

Mơ hồ về chức năng của doanh nghiệp

Ngoài ra, còn có vấn đề quan trọng khác, đó là nhu cầu tái phân loại các đơn vị kinh tế nhà nước xuất phát từ chức năng tối ưu hóa mà xã hội trao cho họ. Đây vốn phải là nhiệm vụ đầu tiên của công tác kế hoạch hóa - được hiểu như một hình thức lãnh đạo của xã hội - ngay từ thời khắc diễn ra quá trình xã hội hóa chính thức các phương tiện sản xuất, nhưng tới nay tiến trình này vẫn chưa hoàn thành tại Cuba dù đã trải qua 60 năm cách mạng.

Cuộc tranh luận về phân cấp quản lý doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục sa lầy vì tham vọng tìm ra một mô hình quản lý doanh nghiệp duy nhất, với một hệ thống quy định phù hợp với mọi đơn vị, mà không xét tới sự khác biệt cơ bản trong chức năng tối ưu hóa của mỗi đơn vị, sẽ luôn chỉ là một ảo mộng.

Hình mẫu kinh tế này cần những doanh nghiệp có thể đáp ứng một số nhiệm vụ cụ thể, thậm chí với cái giá là không thu được lợi nhuận vật chất; đồng thời cũng cần những doanh nghiệp, dù vẫn có trách nhiệm xã hội, có mục tiêu chính là theo đuổi tối ưu hóa lợi nhuận và tham gia cạnh tranh tại thị trường nội địa cũng như quốc tế.

Ở Cuba hiện tại, nhìn chung có hai loại doanh nghiệp đơn vị nhà nước, đó là các “doanh nghiệp” và các “đơn vị hưởng ngân sách.”

Mặc dù không có tiêu chí rõ ràng để định dạng công khai những yêu cầu để quyết định nhóm này hay nhóm kia, nhưng có một ý tưởng chung rằng các doanh nghiệp thường có chức năng sản xuất hàng hóa hoặc dịch vụ thị trường, còn các đơn vị hưởng ngân sách thì cung cấp dịch vụ xã hội.

Theo một logic khác, doanh nghiệp là những đơn vị có khả năng trang trải những phí tổn của mình bằng thu nhập của bản thân, trong khi các đơn vị hưởng ngân sách thì không có năng lực này và phải trông chờ hoàn toàn vào kinh phí nhà nước.

Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp tiêu chí chung này không trùng khớp với nhau, buộc lãnh đạo phải xem xét và quyết định từng trường hợp, thậm chí đôi khi phải điều chỉnh tùy theo thời điểm phân loại của cùng một đơn vị.

Nói tóm lại, tên gọi nhiều khi không phù hợp với chức năng hay hoạt động thực tế, chẳng hạn có những đơn vị hưởng ngân sách lại được quyền mua bán một số hàng hóa và dịch vụ và qua đó có khả năng tạo lợi nhuận.

Trong khi ngược lại, có những doanh nghiệp, do tính chất chiến lược của hoạt động sản xuất chuyên môn, không bao giờ bị cho ngừng hoạt động cho dù điều kiện kinh tế của họ luôn gây ra những thất thoát hệ thống, để rồi cuối cùng những doanh nghiệp đó cũng được hưởng ngân sách nhà nước.

Rốt cục, sẽ diễn ra thực trạng như được mô tả lúc đầu, đó là không ai rõ quy định cụ thể là thế nào hay được vận dụng ra sao, trong khi tất cả các doanh nghiệp đều có xu hướng trông chờ ngân sách công, còn nhà nước thì cũng không có một công cụ để phân biệt đối xử với các doanh nghiệp công, ít nhất về mặt quy định công khai.

Mặt khác, có một sự méo mó trong thực hành phân loại “doanh nghiệp nhà nước xã hội chủ nghĩa,” mà theo lý thuyết là phải có lợi nhuận và hoạt động hiệu quả; nhưng trong thực tế lại bị giao làm những sứ mệnh xã hội và chính trị bất kể chi phí ra sao.

Thực tiễn đó khiến các doanh nghiệp này không còn là các tổ chức tối ưu hóa, mà là các tổ chức thừa hành mệnh lệnh, và đặc điểm này cũng làm tiêu hao phần lớn động lực và không gian sáng kiến cần có cho sự phát triển thường xuyên của họ.

Đề xuất về cách thức phân loại doanh nghiệp

Giờ đây, Cuba cần thiết lập luật chơi rõ ràng, chắc chắn và an toàn để giới doanh nghiệp thấy được những tín hiệu đáng tin và động lực phù hợp để phát triển chức năng vốn có.

Để đạt được điều đó, việc phân loại hợp lý các tổ chức này xuất phát từ việc xác định những chức năng, nhiệm vụ cơ bản, những giới hạn cho hoạt động của họ. Từ góc độ này, đề xuất phân loại sơ bộ có thể chia thành ba loại doanh nghiệp.

Thứ nhất, doanh nghiệp thị trường bao gồm những doanh nghiệp tối đa hóa lợi nhuận, bị ràng buộc bởi những giới hạn phúc lợi công cộng.

Nhiệm vụ cốt lõi là tạo được nhiều lợi ích ròng nhất có thể, kết hợp triển vọng ngắn hạn với sự ổn định và tăng trưởng về dài hạn.

Kết quả hoạt động của các loại doanh nghiệp này phải được đo bằng khối lượng lợi nhuận thu về và tỷ lệ lợi tức nộp cho nhà nước trong vai trò chủ sở hữu.

Các doanh nghiệp này hoạt động theo điều kiện thị trường, hoàn toàn tự chủ về các quyết định quản lý và vận hành, và có đầy đủ chức năng tiến hành kinh doanh ngoại thương.

Các doanh nghiệp này hoạt động theo quy định sản xuất có trách nhiệm về mặt xã hội, như tất cả các tác nhân sản xuất khác trong nền kinh tế.

Về nguyên tắc, nhà nước không điều tiết hoạt động sản xuất hữu cơ cũng như không cần cung ứng nguyên vật liệu cho các cơ sở này, mặc dù có thể đòi hỏi họ, như “trách nhiệm nhà nước,” việc sản xuất một mức độ nhất định một loại sản phẩm cụ thể nào đó theo lợi ích quốc gia, khi và chỉ khi khối lượng này chỉ chiếm một phần nhỏ trong năng lực sản xuất của các doanh nghiệp đó. Nhà nước không bảo vệ các doanh nghiệp này khỏi phá sản.

Thứ hai, doanh nghiệp xã hội. Đây là các doanh nghiệp tối đa hóa phúc lợi xã hội, được thể hiện qua việc sản xuất các hàng hóa hoặc dịch vụ có mức độ nhạy cảm cao trong phát triển của đất nước, mặc dù không nhất thiết là mang lại lợi nhuận đều đặn.

Chức năng của các doanh nghiệp này không phải là tìm kiếm lãi suất tối đa, yếu tố phân biệt cơ bản đối với nhóm đầu tiên.

Các doanh nghiệp này có thể bị ràng buộc vào một số chỉ tiêu lợi nhuận, theo hoạch định và ưu tiên kinh doanh, và do đó có thể là các doanh nghiệp tạo lợi nhuận hoặc không.

Xã hội không sẵn sàng đóng cửa các doanh nghiệp này, mặc dù chúng có thể tạo ra tổn thất kinh tế thường xuyên. Nhà nước có thể trang trải một phần hoặc toàn bộ các hoạt động của các doanh nghiệp đó, và cơ chế này có thể thay đổi theo từng chu kỳ.

Thứ ba, các đơn vị hành chính công chỉ phù hợp với bộ máy hành chính của nhà nước. Là các đơn vị duy nhất trực thuộc về mặt kinh tế vào các bộ.

Những chức năng kinh tế của các đơn vị này chỉ là hoạt động hành chính của bản thân tổ chức, và nhiệm vụ cốt lõi của họ là tối ưu hóa việc hoàn thành các chức năng hành chính công được giao. Phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách.

Việc phân loại cơ bản như trên có thể là nền tảng để quản lý các nhóm doanh nghiệp, theo một tiến trình từng bước và rủi ro tối thiểu. Trong thời điểm hiện tại, tất cả các đơn vị kinh tế nhà nước Cuba đều hoạt động theo thể thức của nhóm thứ hai hoặc thứ ba.

Cuba có thể bắt đầu bằng việc phân loại một nhóm nhỏ từ 50-100 đơn vị và chuyển họ thành doanh nghiệp thị trường, soạn thảo một khung quy định, một chế độ đãi ngộ phù hợp và để cho các doanh nghiệp này hoạt động với đầy đủ chức năng, kể cả việc tiếp cận và sử dụng đồng ngoại tệ trong bối cảnh nền kinh tế đã được đô la hóa một phần.

Điều này không đồng nghĩa với việc từ bỏ quyền kiểm soát tài sản, nhưng thực sự trao quyền tự do hoàn toàn cho bộ máy lãnh đạo doanh nghiệp để họ quản lý quá trình phát triển của đơn vị.

Qua một thời gian thử nghiệm ban đầu và sau khi thực hiện những điều chỉnh rút ra từ thực tiễn, nhóm các doanh nghiệp thị trường này có thể tiếp tục được mở rộng dần dần cho tới khi đạt toàn bộ số doanh nghiệp mà nhà nước dự định chuyển đổi.

Một cấu trúc tối ưu của các đơn vị thuộc thể loại này có thể cải thiện năng suất lao động mà Cuba hằng mơ ước, trong khi vẫn đảm bảo tính ổn định và phát triển mục tiêu xã hội phi lợi nhuận qua vận động của thị trường.

Sau chín năm, giới lãnh đạo Cuba lại quay lại nói về quyền tự chủ của doanh nghiệp nhà nước, và lần này với sự nhiệt tình dường như không thể đảo ngược.

Thành phần kinh tế tư nhân dường như đang xuất hiện nhiều hơn trong các diễn văn chính thức, và có những nỗ lực của một số thể chế nhà nước nhằm hoạch định các dự án và các liên kết vì lợi ích chung.

Rõ ràng hiện tại, Cuba không ở trong hoàn cảnh tốt nhất, nhưng quốc đảo Caribe này chỉ có thể thoát khỏi tình thế mong manh hiện tại bằng những thử nghiệm thực sự trong thực tiễn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục