Cải thiện vận tải và kho vận góp phần thúc đẩy tăng trưởng

Việc sử dụng hiệu quả hơn vận tải đường thủy nội địa và vận tải biển có thể là một biện pháp khả thi về mặt kinh tế.
Cải thiện vận tải và kho vận góp phần thúc đẩy tăng trưởng ảnh 1(Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN)

Ngày 7/1, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố kết quả hai báo cáo “Kho vận hiệu quả: Chìa khóa để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh” và “Thúc đẩy thương mại thông qua giao thông vận tải có sức cạnh tranh và ít khí thải: Tuyến đường thủy nội địa và đường biển ở Việt Nam.”

Đông đảo các nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải trong nước và quốc tế đã tham dự.

Phát biểu tại lễ công bố, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, bên cạnh đó là nguy cơ hứng chịu rủi ro của biến đổi khí hậu như nước biển dâng và những kiểu thời tiết không thể lường trước. Việc sử dụng bền vững và hiệu quả hơn giao thông vận tải đường thủy nội địa và vận tải biển có thể là một biện pháp hữu hiệu, khả thi về mặt kinh tế, vừa nâng cao tính cạnh tranh, vừa khống chế sự phát thải các chất gây ô nhiễm và khí nhà kính.

Trong báo cáo “Kho vận hiệu quả: Chìa khóa để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh,” nhóm nghiên cứu cho rằng một hệ thống vận tải và kho vận có hiệu quả hơn sẽ đóng vai trò đáng kể trong việc nâng cao năng suất trong thời gian tới.

Qua việc nâng cao tính tin cậy của chuỗi cung ứng, tăng cường hệ thống vận tải và kho vận sẽ giúp tăng sản lượng trên mỗi đơn vị thời gian và giảm chi phí kinh doanh. Những biện pháp nâng cao khả năng cạnh tranh sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam trong việc hấp thu nhu cầu từ thị trường thế giới, cung cấp cho thị trường nội địa, thu hút đầu tư và tạo ra việc làm.

Báo cáo đã chứng minh cải thiện hoạt động xuất khẩu và kho vận trong nước như một yếu tố thúc đẩy quan trọng đối với tăng trưởng sắp tới của Việt Nam là hoàn toàn có thể đạt được.

Báo cáo cũng nêu ra những giải pháp để tăng cường độ tin cậy của các tuyến vận tải, nâng cao an toàn đường bộ, tăng khả năng đáp ứng yêu cầu vận chuyển lưu lượng lớn, nâng cao hiệu quả hoạt động cảng, cũng như phối hợp nhịp nhàng hơn giữa các phương tiện xà lan, xe vận tải, nhà kho và với các cửa ngõ đầu mối.

Đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm khắc phục những khó khăn trong ngắn hạn và trong những năm tới, báo cáo cho rằng cần hạn chế tối đa các thủ tục giấy tờ trong thông quan hải quan và kỹ thuật cho hàng hóa xuất nhập khẩu; tạo thuận lợi cho việc thâm nhập thị trường của các hãng quốc tế vào thị trường vận tải và các công ty cung cấp dịch vụ kho vận trọn gói của bên thứ ba và khuyến khích phối hợp giữa các hãng vận tải trong nước và quốc tế...

Báo cáo “Thúc đẩy thương mại thông qua giao thông vận tải có sức cạnh tranh và ít khí thải: Tuyến đường thủy nội địa và đường biển ở Việt Nam” cho rằng việc thúc đẩy giao thông vận tải thủy nội địa và vận tải biển mở ra cho Việt Nam một hướng tăng trưởng phát thải ít cácbon.

Vận tải đường thủy chiếm một phần đáng kể trong tổng lượng hàng hóa được vận chuyển hàng ngay ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều tuyến đường thủy vẫn còn hạn chế về chiều sâu và chiều rộng. Bờ bãi không được bảo vệ và không được cấp đủ kinh phí để duy tu, bảo dưỡng. Tàu bè được sử dụng trên các tuyến đường thủy này vẫn còn nhỏ so với tiêu chuẩn quốc tế. Điều này làm giảm hiệu quả sử dụng nhiên liệu cho mỗi tấn hàng được vận chuyển và hạn chế những lợi thế về môi trường của phương tiện đó.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng cơ quan chức năng cần chú trọng đến vấn đề phát thải các chất gây ô nhiễm cục bộ và khí nhà kính khi đánh giá các biện pháp can thiệp bằng cơ sở hạ tầng và bằng chính sách về mặt kinh tế trong ngành đường thủy nội địa./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục