Cải thiện tỷ suất lợi nhuận giúp tăng trưởng doanh nghiệp thực phẩm

Giới phân tích tỏ ra lạc quan đối với doanh nghiệp F&B khi tiêu dùng thực phẩm và đồ uống được cho là tương đối ổn định trong giai đoạn lạm phát gia tăng và thắt chặt tiền tệ.
Cải thiện tỷ suất lợi nhuận giúp tăng trưởng doanh nghiệp thực phẩm ảnh 1Dây chuyền sản xuất của Công ty C.P Việt Nam. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Dù xu hướng cắt giảm chi tiêu vẫn tiếp diễn, song doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) được kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2023 nhờ cải thiện tỷ suất lợi nhuận trong bối cạnh lạm phát có thể hạ nhiệt và lãi suất bắt đầu điều chỉnh giảm.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, áp lực lạm phát và suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng ít nhất là trong nửa đầu năm 2023.

Lạm phát năm 2023 có thể tiếp tục gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ dừng hỗ trợ giá xăng dầu và tăng các chi phí như điện, lương tối thiểu, y tế...

[Công bố top 10 công ty uy tín ngành Thực phẩm-Đồ uống năm 2022]

Nhóm phân tích vĩ mô và ngành ngân hàng của SSI dự báo lãi suất sẽ bắt đầu điều chỉnh từ nửa cuối năm 2023 nhưng chỉ điều chỉnh nhẹ.

Khi những thách thức từ các yếu tố vĩ mô xuất hiện, bao gồm lãi suất cho vay cao, lạm phát gia tăng và thị trường lao động không mấy khả quan, mức tiêu dùng sẽ khó cao.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu dự kiến suy giảm trong nửa đầu năm 2023, do lượng hàng tồn kho cao kỷ lục ở Mỹ và suy thoái kinh tế ở châu Âu, trong khi Trung Quốc có thể sẽ trở lại là đối thủ cạnh tranh chính ở các thị trường xuất khẩu chính. Điều này khiến cho nhóm thu nhập thấp, đặc biệt là công nhân tại các khu công nghiệp, sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.

Nhóm phân tích cũng dự báo du lịch sẽ phục hồi từ quý 2/2023 do Trung Quốc mở cửa trở lại, tuy nhiên, có thể sẽ không đủ để bù đắp hoàn toàn tình trạng trì trệ của tiêu dùng nội địa.

Do đó, tăng trưởng doanh thu của các công ty F&B trong năm 2023 sẽ không cao khi xu hướng cắt giảm chi tiêu vẫn tiếp diễn.

Cải thiện tỷ suất lợi nhuận giúp tăng trưởng doanh nghiệp thực phẩm ảnh 2Đóng gói sản phẩm sữa chua tại cơ sở sản xuất của Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Tam Đảo, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Dù vậy, giới phân tích tỏ ra lạc quan đối với doanh nghiệp F&B khi so sánh với các lĩnh vực sản phẩm và dịch vụ khác, tiêu dùng thực phẩm và đồ uống được cho là tương đối ổn định trong giai đoạn lạm phát gia tăng và thắt chặt tiền tệ.

Dữ liệu thị trường ghi nhận dù giá cổ phiếu ngành F&B giảm 20,7% trong năm 2022, nhưng mức sụt giảm vẫn thấp hơn so với kết quả của VN-Index (giảm 32,8%).

Trên cơ sở này, giới phân tích kỳ vọng việc điều chỉnh giá hàng hóa, đặc biệt là giá dầu, nhiều khả năng sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho tỷ suất lợi nhuận của các công ty sản xuất.

Mức độ cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ khác nhau giữa các công ty, nhưng tỷ suất lợi nhuận gộp cao hơn sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận ròng.

Các công ty có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2023 mặc dù doanh thu bán hàng tăng trưởng vừa phải.

Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn có thể là ngoại lệ, vì giá mạch nha tăng 15% so với cùng kỳ mà không có dấu hiệu điều chỉnh, và các hợp đồng nguyên vật liệu của SAB đã hết hạn vào quý 3/ 2022.

Tập đoàn Kinh Đô và Tập đoàn Dabaco sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong ngành trong năm 2023.

Với KDC, thu nhập tài chính từ việc thoái vốn tại Calofic sẽ là động lực chính, trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi của DBC giảm và giá heo hơi tăng nhẹ (khoảng 10% so với cùng kỳ) sẽ giúp mang lại bước ngoặt trong tăng trưởng lợi nhuận của công ty.

Riêng đối với các doanh nghiệp sản xuất thịt, nhóm chuyên gia của Công ty Chứng khoán Vndirect nhận định khó khăn sẽ giảm bớt trong năm 2023 nhờ việc giá lợn được kỳ vọng tăng 5%.

Một số yếu tố hỗ trợ như nhu cầu ăn uống bên ngoài phục hồi; và thiếu hụt nguồn cung khi hộ chăn nuôi vẫn ngần ngại trong việc tái đàn do giá heo giảm trong thời gian gần đây trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao.

Hiện nay, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm khoảng 60% tổng nguồn cung thịt lợn tại Việt Nam.

Mặt khác, giá hàng hóa có khả năng giảm trong 2023 do lo ngại ban đầu về tình trạng thiếu lương thực do xung đột đã lắng xuống khi các nước xuất khẩu khác tăng nguồn cung; ngũ cốc của Ukraine đã được vận chuyển trở lại sau thỏa thuận chấm dứt việc phong tỏa các cảng của nước này.

Cùng với đó, giá phân bón hạ nhiệt góp phần thúc đẩy sản lượng thu hoạch nhờ tăng năng suất cây trồng, từ đó giúp cải thiện biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Song song đó, SSI cũng lưu ý rằng các công ty có tỷ lệ đòn bẩy cao, chẳng hạn như MSN có thể sẽ giảm lợi nhuận do chi phí lãi vay cao và tiêu dùng yếu ảnh hưởng đến mảng tiêu dùng và bán lẻ của công ty.

Đối với doanh nghiệp này, ước tính lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ sẽ giảm 17% so với cùng kỳ trong năm 2023.

Trong bối cảnh tăng trưởng doanh thu khiêm tốn như vậy, nhóm phân tích của SSI khuyến nghị, doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận gộp từ điều chỉnh chi phí đầu vào sẽ là giải pháp tối ưu giúp mang lại tăng trưởng nhuận.

Trên thị trường niêm yết, chốt phiên giao dịch cuối tuần qua (3/2), cổ phiếu doanh nghiệp F&B như SAB của Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn có giá 192.800 đồng, tăng 15,5%; DBC của Công ty Tập đoàn Dabaco có giá 14.900 đồng, tăng 5,6%; KDC của Công ty Tập đoàn Kinh Đô có giá 59.800 đồng, giảm 8% so với thời điểm cuối năm 2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục