Mặc dù Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2021 trong bối cảnh dịch COVID 19 tác động nặng nề nhưng trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh vẫn đạt mức 6,6 tỷ USD, tương đương năm 2019, tăng trưởng hơn 17% so với năm 2020.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh tiếp tục ghi nhận tích cực đạt 2,380 tỷ USD, nhập khẩu hơn 304 triệu USD. Điều này thể hiện sự tích cực, chủ động của doanh nghiệp trong việc khai thác các cơ hội mới từ UKVFTA.
Nội dung này đã được đưa ra tại Toạ đàm trực tuyến "Phát huy lợi thế của doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ Hiệp định UKVFTA" do báo Công Thương tổ chức ngày 29/6 tại Hà Nội.
Chia sẻ về những lợi ích mà Hiệp định UKVFTA mang lại sau hơn 1 năm đi vào thực thi, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên nhấn mạnh: Có thể nói, Hiệp định UKVFTA đã giúp cả Việt Nam và Anh ghi nhận những kết quả tích cực.
[Đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Anh đi vào chiều sâu, hiệu quả]
Cụ thể, về xuất khẩu đã có những mặt hàng tăng trưởng 3 con số, thậm chí có những mặt hàng tăng trưởng lên tới 4 con số. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh là 17% và ngược lại từ Anh sang Việt Nam cũng tăng trưởng hơn 23%.
Qua đây có thể thấy rằng, Hiệp định UKVFTA giống như "đường cao tốc 2 chiều," vừa giúp cho Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu sang Anh và ngược lại, từ đó giúp cho cán cân thương mại luôn luôn cân bằng hơn.
Về lợi thế của hàng Việt Nam khi xuất khẩu hay là trao đổi thương mại với Anh cũng có khá nhiều lợi thế; trong đó, có 2 lợi thế chính. Chẳng hạn như theo cam kết của Hiệp định này, ngay từ khi thời điểm Anh cam kết cắt giảm hơn 85% các dòng thuế nhập khẩu đối với các hàng xuất khẩu của Việt Nam, đây là mức cắt giảm rất lớn, có lợi cho nhiều mặt hàng đang có thế mạnh của Việt Nam như thủy sản, nông sản...
Hơn nữa, Việt Nam đàm phán ký kết Hiệp định UKVFTA vào thời điểm Anh vừa tiến hành Brexit nên Anh rất muốn mở rộng quan hệ thương mại, ký kết các FTA với các quốc gia trước đây là đối tác của EU và đó cũng là một lợi thế với các doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết trước đây, Anh ở trong khối EU và cũng là một trong những quốc gia mà nhập khẩu giày dép lớn nhất của EU với tỷ trọng chiếm trung bình khoảng từ 10-12%.
Tuy nhiên, sau khi Anh quyết định rời khỏi EU, xuất khẩu giày dép đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng, đơn hàng giảm đến 50% khiến doanh nghiệp vô cùng lo lắng.
Thế nhưng, kể từ khi ký kết UKVFTA, số lượng xuất khẩu vào thị trường Anh đã tăng trưởng trở lại và tính đến hết tháng 5/2022, Việt Nam đã xuất được 330 triệu USD, bằng một nửa kế hoạch của năm 2022.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, thị trường EU nói chung và Anh nói riêng luôn luôn đòi hỏi rất khắt khe, đặc biệt là vấn đề an toàn sản phẩm, quy trình sản xuất... Riêng với mặt hàng da giày, để xuất khẩu vào thị trường Anh, các doanh nghiệp phải nhập khẩu da do chưa chủ động được nguồn cung ứng da thuộc chất lượng cao để sản xuất. Tới đây doanh nghiệp sẽ còn phải đối mặt với thách thức lớn hơn là yêu cầu bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất.
Cũng theo bà Phan Thị Thanh Xuân, chống biến đổi khí hậu, giảm rác thải như là cacbon, hiệu ứng nhà kính với quy trình sản xuất thi sẽ được đặt ra quy tắc ứng xử yêu cầu các nhà máy phải đáp ứng mới có thể xuất khẩu thành công. Do đó, năng lực nội tại của các doanh nghiệp cần phải cải thiện rất mới có thể đáp ứng được với các yêu cầu của đối tác./.