Cải thiện môi trường kinh doanh: Cần các cấp vào cuộc thực sự

Cải thiện môi trường kinh doanh luôn được ưu tiên hàng đầu trong các chính sách của Chính phủ, song giới chuyên gia cho rằng cần hỏi tại sao đã cải thiện rất nhiều song Việt Nam vẫn ở thứ hạng thấp.

Bình quân mỗi doanh nghiệp Việt Nam phải mất 872 giờ/năm cho việc nộp thuế, trong khi tại các nước khác trong khu vực như Campuchia là 173 giờ, Malaysia là 133 giờ, Singapore là 82 giờ. (Theo Ngân hàng Thế giới).

Đối với doanh nghiệp “thời gian là tiền bạc”, do đó để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP là một gói các giải pháp đổi mới nhằm cắt giảm chi phí, thời gian và rủi ro trong hoạt động kinh doanh ở Việt Nam.

Theo đó, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu cho hai năm 2014-2015 là sẽ đạt được các tiêu chuẩn tương đương với các nước ASEAN6 trong “sáu chỉ số hoạt động kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới.

Cụ thể, thời gian cấp giấy phép kinh doanh sẽ xuống còn 6 ngày, nộp thuế xuống 171 ngày, thực hiện thủ tục hải quan (xuất khẩu là 14 ngày, nhập khẩu 13 ngày), tiếp cận hệ thống điện tối đa 70 ngày, thủ tục phá sản rút ngắn 30 tháng đồng thời hoàn thiện các quy định bảo vệ nhà đầu tư, tạo cơ chế về tiếp cận tín dụng.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương nhận xét: “Các chỉ số này rõ ràng tạo ra các cột mốc đo lường các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh và nếu đạt được mức trung bình của ASEAN6 thì Việt Nam sẽ có sự cải thiện vượt bậc.”

Ông Cung đưa ra con số so sánh, thực hiện những mục tiêu đặt ra so với thực tế hiện nay thì thời gian thông quan phải giảm đi 7 ngày, thời gian tiếp cận điện cần giảm 45 ngày, giải quyết thủ tục phá sản rút đi 30 tháng.

“Đặc biệt là thời gian nộp thuế phải giảm tới 701 ngày. Đây quả là một nhiệm vụ không dễ dàng,” ông Cung nói.

Bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Phó trưởng Ban Cải cách Tổng cục Thuế, cho biết để cải thiện thời gian nộp thuế còn 872 giờ từ mức 1.050 giờ như trước đây là một chặng đường dài. Thời gian qua Tổng cục Thuế đã triển khai các ứng dụng phần mềm hỗ trợ kê khai thuế điện tử và kê khai qua mạng, mới đây là thí điểm nộp thuế điện tử.

Bà Lan Anh cũng ghi nhận, Nghị quyết 19 có tác động rất mạnh, tạo ra sức mạnh liên kết giữa các cơ quan Chính phủ với nhau cũng như với cộng đồng doanh nghiệp trong việc cải thiện môi trường cạnh tranh.

Song, bà Lan Anh chỉ ra, theo cách tính của Ngân hàng Thế giới thời gian nộp thuế bao gồm cả thời gian đóng góp các khoản an sinh xã hội (bảo hiểm), mà khoản này hiện nay đã chiếm tới 335 giờ. Do đó, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính.

“Nếu thủ tục nộp các khoản thuế giảm xuống còn một giờ, mà các khoản đóng góp an sinh xã hội không được cải thiện thì thời gian nộp thuế vẫ còn 336 giờ, gần gấp đôi mục tiêu mà Chính phủ đề ra trong Nghị quyết 19,” bà Lan Anh phân tích.

Theo Báo cáo Môi trường Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới 2014, Malaysia đã vươn lên vị trí thứ 5/189 nước (trước đó vị trí 11 tại năm 2013 và vị trị 29 tại năm 2012), hiện nước này đã cải thiện và rút ngắn chi phí hoàn tất thủ tục nhập khẩu và xuất khẩu xuống mức tương ứng 450USD và 485USD/công ten nơ và đây là chi phí thấp nhất thế giới. (Hiện con số này của Việt Nam tương ứng 610 USD và 600 USD).

So sánh thứ hạng một số nước khác trong khu vực tại Báo cáo Môi trường Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới 2014, Việt Nam hiện xếp thứ 65, trong khi Indonesia là 54, Philippines là 42, Thái Lan là 24.

Ông Phan Vinh Quang, Giám đốc Chương trình dự án Dự án Quản trị nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG), Cơ quan phát triển Hoa Kỳ cho rằng, "Nghị quyết 19 đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ, song để thực hiện nó đòi hỏi phải có hoạt động phối của các cơ quan Chính phủ trong quá trình làm việc với các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp để giảm chi phí và thủ tục.”

Thêm vào đó ông Quang nhấn mạnh, Việt Nam cần xem xét đánh giá lại toàn bộ quy trình hệ thống thủ tục của cả Chính phủ và doanh nghiệp với chi phí và thời gian tối thiểu; tạo mối quan hệ đối tác toàn diện do Chính phủ chủ trì với sự tham gia tích cực của khu vực doanh nghiệp; tạo điều kiện hỗ trợ kỹ thuật công nghệ trong những lĩnh vực quản lý hành chính.

Nhiệm vụ đặt ra lớn là thế, song ngay cả khi Việt Nam nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh đạt được mức chuẩn trung bình của ASEAN6 thì vẫn đứng sau nhiều nước trong khu vực, như Thái Lan, Malaysia, Singapore. Do đó, ông Cung hối thúc, từ nhu cầu thực tế đòi hỏi phải nhanh chóng nâng cao chất lượng và cải thiện môi trường kinh doanh.

“Phương pháp luận đã có và rất rõ ràng, song cảm nhận của tôi các bộ, ngành chưa thực sự thực sự vào cuộc. Các Bộ trưởng cần phải gây áp lực thực hiện Nghị quyết 19 xuống các nhà quản lý cấp dưới, nếu không đạt được thì phải giải trình và chịu trách nhiệm. Cụ thể phải giải trình theo quy trình chuẩn của từng chỉ số, như đã làm gì, đạt được gì, chưa đạt được gì,” ông Cung nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục