Cải thiện môi trường đầu tư: Từ góc nhìn của doanh nghiệp nước ngoài

Đại diện cộng đồng các nhà đầu tư và các Hiệp hội nước ngoài cho rằng, trong thời gian qua Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đổi mới và cải thiện môi trường đầu tư.
Cải thiện môi trường đầu tư: Từ góc nhìn của doanh nghiệp nước ngoài ảnh 1Dây chuyền sản xuất giày, dép xuất khẩu tại Công ty TNHH Midori Safety Footwear Việt Nam, vốn đầu tư của Nhật Bản tại khu công nghiệp Điện Nam-Điện Ngọc (Quảng Nam). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Trước yêu cầu thực tiễn về việc tăng cường kết nối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) - hướng tới lợi ích chung nhằm đưa Việt Nam vươn lên nắm giữ vai trò hàng đầu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đại diện cộng đồng các nhà đầu tư và các Hiệp hội nước ngoài cho rằng, trong thời gian qua Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đổi mới và cải thiện môi trường đầu tư.

Các doanh nghiệp hy vọng trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, đặc biệt là cải cách hệ thống thủ tục để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có môi trường hoạt động thông thoáng đến mức tối đa, nhưng vẫn đảm bảo kỷ cương chặt chẽ.

Dưới đây là các ý kiến được phóng viên TTXVN ghi lại.

Ông Kim Heung Soo, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh (KOCHAM):

Hiện nay, KOCHAM đang khảo sát các trường hợp doanh nghiệp Hàn Quốc hợp tác thành công với các doanh nghiệp Việt Nam để lên kế hoạch khuyến khích hai bên cùng phát triển cũng như để ngày càng có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hơn nữa.

Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp Hàn Quốc, vấn đề liên quan tới miễn, hoàn thuế hải quan đối với hàng xuất khẩu sản xuất bằng thuê ngoài cũng đang khiến các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) băn khoăn.

Cụ thể như, Tổng cục Hải quan quy định: "Trường hợp các công ty nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, sản xuất thành phẩm bằng việc thuê ngoài toàn bộ hay một phần thì không thuộc đối tượng miễn thuế." 

Điều này sẽ có nhiều tác động tiêu cực tới những doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam vì đại đa số các doanh nghiệp FDI đều sử dụng việc thuê ngoài để sản xuất thành phẩm, phục vụ xuất khẩu, nhất là với các ngành đòi hỏi công nghệ cao.

Vì thế, tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam cần ban hành quy định rõ ràng "Miễn thuế đối với cả trường hợp sản xuất bằng thuê ngoài" sẽ góp phần phát triển các doanh nghiệp phụ trợ và các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam; đồng thời thúc đẩy thương mại, hỗ trợ phát triển kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra, còn có nhiều trường hợp doanh nghiệp Hàn Quốc khi đầu tư và hoạt động ở Việt Nam đầu những năm 90 dưới hình thức liên doanh và để cho doanh nghiệp Việt Nam góp vốn bằng quyền sử dụng đất đang gặp phải vấn đề chưa hết thời hạn liên doanh, nhưng lại cấp mới quyền sử dụng đất cho một doanh nghiệp khác.

Điều này khiến việc liên doanh không thể tiếp tục và phải kết thúc trước thời hạn; hoặc "bị" nhận thông báo chấm dứt ưu đãi một cách đơn phương từ các sở, ngành địa phương.

Những quyết định hành chính như vậy đang ảnh hưởng đến việc chuyển giao kỹ thuật, hợp tác cùng phát triển dưới hình thức liên doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI, đặc biệt ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Bởi các doanh nghiệp FDI nhận thấy rằng những ưu đãi mà mình đang được nhận có thể bị chấm dứt đột ngột khiến họ nhận thấy cần phải giảm đầu tư hoặc tìm kiếm đối tác khác.

Ông Koji Ito, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI):

JCCI muốn đề xuất thực hiện Đề án thí điểm đẩy nhanh tiến độ cải cách thủ tục hành chính mà cụ thể và trước mắt là đối với Tổng cục Hải quan.

Qua đó, khắc phục một số tình trạng như "cán bộ chưa hiểu rõ quy định; thiếu sự chia sẻ thông tin và phối hợp hoạt động giữa các ban, ngành liên quan" hay "việc giải thích, hướng dẫn chưa rõ ràng"... vốn là những bất cập còn tồn tại cố hữu mà nhiều năm qua vẫn chưa khắc phục triệt để.

Ngay như quy trình xác nhận trước về áp mã hải quan HS mà Tổng cục Hải quan đang thực hiện cũng chưa góp phần cải thiện quy trình thông quan do tỷ lệ áp dụng còn thấp.

Cùng với đó là việc hoàn thiện thủ tục hải quan hơn nữa để đáp ứng yêu cầu cấp bách của các doanh nghiêp nước ngoài hiện nay.

[Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài trong 9 tháng]

Ông Michael Kelly, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham):

Không ít doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đầu tư nhiều tỷ đô la hỗ trợ Việt Nam hội nhập vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, tạo thêm các công việc chất lượng cho người lao động, mở ra một thị trường mới cho hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, AmCham nhận thấy còn nhiều khoản đầu tư chưa được hiện thực hóa do các thách thức đến từ môi trường pháp lý và việc cấp phép chưa rõ ràng, còn phức tạp và nhiều hạn chế.

Các doanh nghiệp thành viên AmCham cần nhiều hơn những nỗ lực cải cách nhằm tạo môi trường cạnh tranh và công bằng hơn, các quyết định cần được ban hành kịp thời, các thủ tục bớt rườm rà hơn.

Cùng đó, các doanh nghiệp cạnh tranh bằng chính giá trị của mình, bao gồm cả khả năng tiếp cận đất đai và những cơ hội khác.

Để duy trì và phát triển quan hệ đầu tư và thương mại song phương, nhất là giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI thì thương mại cần phải tự do và công bằng.

Sản phẩm nhập khẩu vào thị trường Việt Nam vẫn rất đắt đỏ về giá và phức tạp về thủ tục. Trong bối cảnh Việt Nam xuất siêu vào thị trường Hoa Kỳ ngày càng tăng thì Chính phủ Việt Nam cần xem xét giải quyết các rào cản kỹ thuật trong thương mại, các rào cản phi thuế quan mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt hàng ngày tại cửa khẩu.

Chính những rào cản này đang hạn chế hoạt động của các doanh nghiệp và ảnh hưởng tới xuất khẩu của Hoa Kỳ vào Việt Nam.

Ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham):

EuroCham và các doanh nghiệp thành viên đánh giá rất cao những nỗ lực của Việt Nam khi đạt được những tiến bộ lớn trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề phải làm nhằm tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp quốc tế và các doanh nghiệp trong nước để tận dụng những lợi ích chung của đôi bên.

Cụ thể như, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính, hỗ trợ hướng dẫn thêm về chính sách cho các doanh nghiệp tư nhân, bảo đảm cơ chế bảo hộ đầu tư hiệu quả, cải thiện các cơ chế giải quyết tranh chấp và thực hiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp một cách nhất quán.

Cùng với đó, cần có những thay đổi tích cực trong việc thực thi và bảo vệ Quyền sở hữu trí tuệ cũng như Luật Chuyển giao công nghệ đang được hướng dẫn thi hành.

Chính sách thuế cũng cần được cải thiện để mời gọi đầu tư nước ngoài và hợp tác quốc tế. Cụ thể như cải cách trong cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt trong ngành ôtô.

Việc rà soát các quy định và áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn đối với các sản phẩm rượu vang, rượu mạnh nhập khẩu sẽ gia tăng nguy cơ và rủi ro tiêu thụ các sản phẩm bia, rượu bất hợp pháp, không kiểm soát được và gây tổn hại tới sức khỏe người tiêu dùng.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục