Cải thiện môi trường cho công nhân lao động: Doanh nghiệp cần chuyển đổi Xanh

Để đảm bảo an toàn lao động, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các doanh nghiệp cần phát triển các khu vực "nhà máy xanh" thông qua việc chuyển đổi mô hình sản xuất, quan trắc môi trường...
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Theo quy định của pháp luật, tất cả các doanh nghiệp sử dụng lao động, hàng năm đều phải quan trắc môi trường. Tuy nhiên, kết quả quan trắc tại các doanh nghiệp được Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động ghi nhận trong thời gian qua cho thấy có khoảng 32% số đơn vị được quan trắc có ít nhất 1 yếu tố có hại, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh lao động.

Trước thực tế đó, nhiều ý kiến cho rằng các cấp, ngành cần có những hành động cương quyết hơn trong việc tăng cường quản trị an toàn đối với doanh nghiệp đồng thời các doanh nghiệp cũng cần áp dụng mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng Xanh để đảm bảo an toàn cho công nhân lao động.

Nhiều doanh nghiệp chưa quan trắc môi trường lao động

Tiến sĩ Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết trong 5 năm qua có gần 6.000 người chết vì tai nạn lao động, gần 50.000 trường hợp bị tai nạn lao động và hàng chục nghìn người mắc bệnh nghề nghiệp. Thực tế này đã góp thêm một tiếng chuông trong hồi chuông cảnh báo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ở Việt Nam.

Đáng chú ý, theo đại diện Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động, về kết quả các hoạt động dịch vụ an toàn, sức khỏe nghề nghiệp và bảo vệ môi trường, tính đến hết năm 2023, các đơn vị thuộc viện đã thực hiện quan trắc môi trường cho khoảng 8.805 đơn vị, doanh nghiệp.

Kết quả quan trắc môi trường lao động trên cho thấy có khoảng 32% số đơn vị được quan trắc có ít nhất 1 yếu tố có hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh lao động; nhất là các yếu tố về hóa chất, ánh sáng...

"Trong quá trình quan trắc cũng phát hiện ra một số yếu tố mới xuất hiện trong môi trường lao động mà Việt Nam chưa quy định ngưỡng tiếp xúc nghề nghiệp. Đây là căn cứ để đề xuất bổ sung, cập nhật vào danh sách ngưỡng tiếp xúc nghề nghiệp đối với các yếu tố có hại mới," ông Thơ nói.

Tuy nhiên, ông Thơ cũng lưu ý con số gần 10.000 doanh nghiệp thực hiện quan trắc tính đến hết năm 2023 là quá ít so với đất nước đang có vài chục nghìn doanh nghiệp sản xuất trên tổng số hơn 900.000 doanh nghiệp trên cả nước. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hiện chưa có đủ thiết bị để đánh giá, thiếu hệ thống phân tích để tìm xem trong môi trường có những gì.

"Vì vậy trong thời gian qua, vấn đề an toàn, vệ sinh lao động, điều kiện lao động đang trở thành một trong những hàng rào kỹ thuật trong thương mại do các chuẩn mực về lao động như an toàn, vệ sinh lao động được quốc tế hóa ở cấp độ cao hơn," tiến sĩ Nguyễn Anh Thơ chia sẻ.

Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động cũng lưu ý quy mô nền kinh tế của Việt Nam hiện đang tiếp tục tăng trưởng nhanh. Vì vậy một số ngành đang có nguy cơ, rủi ro cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như: xây lắp, cơ khí, điện, chế tạo, khai thác và chế biến lâm, thủy sản.

"Đây là vấn đề xã hội rất lớn, Đảng, Quốc Hội, Chính phủ đã, đang và sẽ cần có biện pháp hiệu quả hơn để xử lý nhằm vừa phục hồi sản xuất, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động; vừa phòng ngừa được tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp," ông Thơ nói.

Doanh nghiệp cần chuyển đổi Xanh

Trước thực tế trên, ông Nguyễn Anh Thơ cho rằng thời gian tới các cấp, ngành cần có những hành động cương quyết trong việc phải tăng cường quản trị an toàn đối với doanh nghiệp, để đánh giá mức độ rủi ro, nguy cơ mất an toàn.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường. (Ảnh: Thanh Thảo/Vietnam+)

“Trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các cơ quan nghiên cứu là cần nói lên tiếng nói của mình để góp phần nâng cao năng lực của các đơn vị; tăng cường các thiết bị chuyên dụng để quan trắc môi trường; thay đổi các quản trị an toàn trong bối cảnh mới,” ông Thơ nói.

Ông Đỗ Việt Đức - Ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng nhấn mạnh thời gian tới các cấp công đoàn cần huy động và tăng cường nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường cũng như cải tiến kỹ thuật, máy thiết bị để giảm tiêu hao năng lượng và chất thải độc hại; qua đó góp phần cùng doanh nghiệp giải quyết các vấn đề môi trường.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Vũ Minh Lý - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường cho rằng công nhân lao động là đối tượng tiên phong để thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có những giải thưởng tôn vinh những ý tưởng, cá nhân những người lao động có nhiều cống hiến bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, ông Lý cũng đề nghị các chủ doanh nghiệp sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc thực hiện "Nhà máy Xanh." Theo ông đây là giải pháp để góp phần bảo vệ môi trường cũng là bảo vệ người lao động.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết để cải thiện môi trường, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì xây dựng tiêu chí phân loại "dự án Xanh" để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đây được xem là một trong những cơ chế thiết thực giúp các doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư theo hướng xanh có thể tiếp cận được các nguồn lực ưu đãi.

Với tầm quan trọng đó, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến nghị thị trường carbon trong nước cần sớm được vận hành cũng như sớm ban hành tiêu chí phân loại và danh mục dự án "Xanh" để huy động được nguồn lực từ Trái phiếu Xanh, Tín dụng Xanh, qua đó góp phần thúc đẩy định hướng đầu tư; giúp doanh nghiệp tham gia thực chất hơn trong việc thực hiện trách nhiệm kiểm kê, giảm phát thải khí nhà kính./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục