Cải thiện chỉ số PCI: Hướng đến sự hài lòng của doanh nghiệp

Đồng Tháp là tỉnh nhiều năm liền, giữ vị trí thứ 2 và tỉnh Long An năm 2020, đã bứt phá ngoạn mục vươn lên ở vị trí thứ 3 về chỉ số PCI trên 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Cải thiện chỉ số PCI: Hướng đến sự hài lòng của doanh nghiệp ảnh 1Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Sao Mai (tỉnh Đồng Tháp). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Hơn 15 năm qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Việc tổ chức công bố này nhằm giúp lãnh đạo các địa phương tham khảo, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, từ đó có các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư.

Đồng Tháp là tỉnh nhiều năm liền, giữ vị trí thứ 2 và tỉnh Long An năm 2020, đã bứt phá ngoạn mục vươn lên ở vị trí thứ 3 trên 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Chỉ số PCI xếp ở thứ hạng cao đồng nghĩa với việc lãnh đạo địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động. Qua đó, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần vào sự phát triển ổn định, lâu dài và bền vững ở địa phương.

Niềm tin của doanh nghiệp

Năm 2020, tỉnh Đồng Tháp có 610 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 4.096 tỷ đồng. Đây cũng là năm tỉnh Đồng Tháp có số doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhất từ trước đến nay.

Chỉ số PCI của tỉnh Đồng Tháp đạt 72,8 điểm, giữ vị trí thứ 2 trong cả nước. Trong 10 chỉ số thành phần được sử dụng làm thước đo đánh giá chỉ số PCI, Đồng Tháp có đến 6 thành phần dẫn đầu cả nước về tiếp cận đất đai; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; tính năng động; và thiết chế pháp lý.

[Đồng bằng sông Cửu Long tạo đột phá về chỉ số PCI]

Về môi trường đầu tư, Đồng Tháp tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là địa phương “Có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất.”

Trong khi đó, Chỉ số PCI năm 2020 của tỉnh Long An đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng, thuộc nhóm “Rất Tốt,” với 70,37 điểm; trong đó, Long An có 7 chỉ số thành phần tăng điểm, như: gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; chi phí thời gian để thực hiện các quy định của nhà nước; Chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động của chính quyền tỉnh; đào tạo lao động.

Nói về tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, ông Nguyễn Anh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty trách nhiệm hữu hạn Marine Functional Việt Nam cho hay mô hình càphê doanh nhân, doanh nghiệp ở Đồng Tháp ra đời đã giúp doanh nghiệp và lãnh đạo địa phương, hiểu nhau hơn. Qua đây, doanh nghiệp trao đổi những vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Từ mô hình này, đã có hàng trăm doanh nghiệp góp ý, hiến kế giúp địa phương phát triển. Bên cạnh đó, những vấn đề còn vướng mắc của các doanh nghiệp, được lãnh đạo địa phương quan tâm, giải quyết thỏa đáng.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Đồng Tâm Group, cho biết, với vai trò Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Long An, thời gian qua, địa phương đã có những đột phá mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính.

Ông Thắng đánh giá rất cao về định hướng của tỉnh Long An trong quy hoạch có định hướng đến tương lai, trong có, có tính đến nhu cầu hội nhập của thế giới. Vì vậy, Long An sẽ có nhiều lợi thế để các doanh nghiệp lớn đầu tư, cũng như thu hút mạnh các nguồn vốn FDI.

Còn ông Bùi Đào Thái Trường, Tổng Giám đốc Roland Berger Việt Nam, cho rằng, Long An hiện có cơ hội kết nối các khu công nghiệp tại miền Nam và phát triển hệ sinh thái công nghiệp của các vùng.

Tạo động lực phát triển kinh tế mới, Long An hội đủ 4 nhóm yếu tố chính: chiến lược và vận hành, cơ sở hạ tầng, mô hình quản lý và chính sách khuyến khích), phối hợp công-tư (được Chính phủ và địa phương hỗ trợ mạnh mẽ, cân bằng sự tham gia của các bên công và tư).

Chỉ số PCI của Long An tiếp tục giữ vững hoặc tăng ở thứ hạng cao hơn, sẽ góp phần cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư ngày càng nhiều hơn.

Nhiều sáng kiến trong cải cách hành chính

Thời gian qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp và nhiều cơ quan trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều mô hình mới, sáng kiến trong thực hiện cải cách hành chính nhằm mang đến sự hài lòng cho doanh nghiệp.

Nổi bật như mô hình: “Nụ cười công sở,” “Hẹn giờ hướng dẫn kê khai, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại nhà,” Đề án chuyển giao nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Tháp đã tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành quyết định công bố thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết đất đai, thời gian xác lập thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trong 9 ngày làm việc.

Sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, người sử dụng đất chỉ mất 6 ngày, được Ủy ban Nhân dân tỉnh ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Qua đó, các doanh nghiệp đến đầu tư đều cảm thấy an tâm, hài lòng về việc thu hút đầu tư trên địa bàn Đồng Tháp.

Cải thiện chỉ số PCI: Hướng đến sự hài lòng của doanh nghiệp ảnh 2Khu công nghiệp Kizuna (Cần Giuộc, tỉnh Long An). (Nguồn: longan.gov.vn)

Đối với tỉnh Long An, ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cho biết thời gian qua tỉnh luôn xác định Chỉ số PCI là một trong những cơ sở quan trọng để các nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm, tham khảo khi đến Long An.

Trên cơ sở kết quả Chỉ số PCI các năm qua, Long An đã đánh giá, phân tích các mặt được và hạn chế của tỉnh theo từng nội dung các chỉ số thành phần. Từ đó, Long An đề ra giải pháp để tạo sự hài lòng của doanh nghiệp.

Theo đó, Long An chấn chỉnh, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, của công chức, viên chức thực thi công vụ; tập trung giải quyết nhanh, đúng quy định của pháp luật và luôn có thái độ làm việc tốt.

Bên cạnh đó, Long An nghiêm túc triển khai các Nghị quyết số 02 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia bằng các kế hoạch và chương trình hành động cụ thể.

Đặc biệt, Ủy ban Nhân dân tỉnh giao các ngành rút ngắn và công bố thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp. Qua đó, Long An đã tạo một môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, Long An tiếp tục vận hành tốt Trung tâm hành chính công của tỉnh và các Trung tâm hành chính công cấp huyện, giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân và doanh nghiệp.

Tỉnh duy trì tổ chức đối thoại đối với doanh nghiệp theo định kỳ, liên hệ chặt chẽ hội, hiệp hội doanh nghiệp các nước và vùng lãnh thổ để kịp thời nắm và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Tỉnh đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, thành lập và công bố đường dây nóng để lãnh đạo tỉnh tiếp nhận và xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động trên địa bàn. Đồng thời, thường xuyên rà soát, xử lý đối với các dự án chậm triển khai; chấn chỉnh, lập lại trật tự trong thu hút đầu tư gắn với triển khai tích cực các hoạt động xúc tiến, mời gọi đầu tư.

Với những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Long An, đã góp phần thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đến nay, Long An đã cấp Chứng nhận đầu tư cho 2.060 dự án trong nước với vốn đăng ký hơn 245.272 tỷ đồng; 1.111 dự án FDI với vốn đăng ký trên 9.177 triệu USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục