Chiều 14/1, tại Hà Nội, Mạng lưới Không khí Sạch và Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live and Learn) phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo “Cải thiện chất lượng không khí Hà Nội: Hợp tác 2020 và những năm tiếp theo.”
Hội thảo nhằm cập nhật tiến độ hoạt động của các tổ chức trong nước và quốc tế hỗ trợ thành phố Hà Nội trong quản lý chất lượng không khí; là cơ hội để các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện cơ quan nhà nước, các tổ chức thảo luận kế hoạch hành động vì chất lượng không khí trong năm 2020.
Cập nhật kết quả nghiên cứu và đề xuất giải pháp quản lý chất lượng không khí tại Hà Nội, bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, cho biết trước thực trạng chất lượng không khí có nhiều biến động, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện chất lượng môi trường nói chung và không khí nói riêng. Từ năm 2017, Hà Nội đã lắp đặt 10 trạm quan trắc không khí (trong đó có 2 trạm cố định và 8 trạm cảm biến).
Hiện 10 trạm quan trắc này hoạt động ổn định, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường hằng ngày và cập nhật công khai.
[Chất lượng không khí Hà Nội đang dần được cải thiện]
Theo lộ trình, năm 2020, Hà Nội tiếp tục đầu tư thêm 33 trạm, xe quan trắc. Hà Nội cũng tập trung đưa cơ giới hóa vào công tác vệ sinh môi trường như xe quét rác, xe gom rác làm giảm bụi và rác tồn đọng; triển khai xử lý chất thải rắn trong quá trình đóng bãi, thành phố đầu tư dự án đốt rác phát điện; triển khai chương trình trồng 1 triệu cây xanh...
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cũng hợp tác chặt chẽ với các tổ chức phi Chính phủ như Mạng lưới Không khí Sạch và Live and Learn, WB, USAID... nhằm cải thiện chất lượng không khí tại thành phố Hà Nội.
Với dự án “Không khí sạch - Thành phố xanh: Nhìn lại năm 2019 và kế hoạch năm 2020,” bà Nguyễn Thị Vân Nguyệt - Giám đốc Live and Learn - chia sẻ Dự án Không khí sạch - Thành phố xanh của USAID hướng đến giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí và tác động của ô nhiễm không khí tới sức khỏe tại thành phố Hà Nội thông qua huy động mạng lưới các đối tác địa phương (bao gồm thanh niên, các trường học, các tổ chức xã hội và dân sự, doanh nghiệp và chính quyền...) để vận động chính sách và cùng hành động vì một bầu không khí trong lành hơn.
Thời gian tới, Dự án dự kiến huy động và kết nối được 50 thành viên địa phương từ nhiều lĩnh vực cùng tham gia vận động các chính sách mang đến những hiệu quả tích cực cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí.
Hơn 100.000 người dân sẽ được nâng cao nhận thức về ô nhiễm không khí và các vấn đề sức khỏe liên quan. Theo đó, 4 chính sách liên quan tới quản lý chất lượng không khí sẽ được thông qua ở cấp bộ và cấp tỉnh; 25 sáng kiến nhỏ và 3 giải pháp khoa học kỹ thuật sẽ được áp dụng ở các trường học và cộng đồng nhằm tăng cường nhận thức về chất lượng không khí, nâng cao năng lực ứng phó của cộng đồng đối với các vấn đề về rác thải, năng lượng và quy hoạch đô thị. Những sáng kiến này sẽ được tài trợ từ các nguồn địa phương và tư nhân.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe một số bài tham luận như cập nhật các nghiên cứu hiện có mô hình GAIN trong quản lý chất lượng không khí thành phố Hà Nội; nghiên cứu và đề xuất Việt Nam đang làm gì và cần làm gì; kiểm kê phát thải đốt rơm rạ và đánh giá tác động lên ô nhiễm bụi mịn tại thành phố Hà Nội; nghiên cứu, phân tích và đánh giá tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe và môi trường tại thành phố Hà Nội...
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến cho kế hoạch hoạt động năm 2020, trong đó nhấn mạnh đến xây dựng cơ chế phối hợp trước ô nhiễm không khí và các vấn đề môi trường; hỗ trợ thực hiện Chương trình 15 về loại bỏ bếp than tổ ong; thực hiện các giải pháp về giao thông bền vững; tăng cường giáo dục, truyền thông./.