Cải tạo nhà văn hóa thôn thành thư viện để phát triển văn hóa đọc

Từ những nhà văn hóa thôn thường xuyên "cửa đóng, then cài," địa phương cải tạo, nâng cấp thành không gian văn hóa đọc cho cộng đồng. Đây là hướng đi mới để người dân dễ dàng tiếp cận với sách.
Các cán bộ thư viện tỉnh Thái Bình chuẩn bị mang hàng nghìn đầu sách đến với các em học sinh. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)
Các cán bộ thư viện tỉnh Thái Bình chuẩn bị mang hàng nghìn đầu sách đến với các em học sinh. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Em Nguyễn Phương Hoa, học sinh lớp 6 thôn Như Lân, xã Long Hưng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên hớn hở cùng các bạn chạy ra nhà văn hóa thôn. Từ khi nơi đây có thư viện, các em thường hẹn nhau ra đọc sách.

“Trước kia, con vẫn mơ ước thôn mình có một nhà sách. Không ngờ, nhà sách có thật và còn rất gần nhà. Từ nay, con được đọc sách mới miễn phí rồi,” Phương Hoa vui vẻ nói.

Cải tạo nhà văn hóa thôn thành thư viện cộng đồng là nỗ lực của địa phương cùng các đơn vị xuất bản trên tinh thần triển khai công tác khuyến đọc được cơ quan chức năng đã ban hành.

Gieo mầm tri thức

Ở nhà văn hóa của thôn, Phương Hoa cùng các bạn đồng trang lứa có thể lựa chọn các tác phẩm văn học thế giới kinh điển hoặc các tác phẩm được học trong nhà trường như Tô Hoài, Sơn Tùng, Nam Cao…

Trước đây, trẻ em trong thôn như Hoa thường hay đi mượn sách của các anh chị chứ hiếm khi được mua sách mới. Suốt thời gian học online vì dịch bệnh, các em không được đến trường nên cũng không được đọc sách trong thư viện trường.

Do đó, thư viện cộng đồng thôn Như Lân đã mang lại niềm vui lớn cho các em và giải tỏa nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh khi con mình từ nay được tiếp cận nhiều hơn với văn hóa đọc.

[Nỗ lực hành động để tăng tình yêu với sách trong cộng đồng]

Ông Nguyễn Đức Hồng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Xã Long Hưng cho biết trước đây nhà văn hoá thôn Như Lân chủ yếu sử dụng để họp các vấn đề của thôn. Tuy nhiên công trình xây dựng từ 60 năm trước nay đã xuống cấp nghiêm trọng.

“Gần đây, nhà văn hóa được đầu tư cải tạo, vừa là nơi hội họp cộng đồng vừa là không gian đọc sách với hơn 6.000 đầu sách hay, quý, người dân được tiếp cận văn hoá đọc nên chúng tôi rất mừng,” ông nói.

Cải tạo nhà văn hóa thôn thành thư viện để phát triển văn hóa đọc ảnh 1Không gian nhà văn hóa thôn Như Lân được cải tạo thành thư viện cộng đồng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Không chỉ là một không gian đẹp dành cho việc đọc sách, ở đây được trang bị rất nhiều sách hay thuộc đủ mọi lĩnh vực từ triết học, nghệ thuật, văn học, lịch sử, văn hóa, kinh tế, giáo dục, sách về danh nhân, sách kỹ năng… Sách được chọn lọc từ những nhà xuất bản có uy tín trong nước.

Ông Hồng bày tỏ mong muốn mô hình này có thể lan toả tới tất cả các thôn, xã của Hưng Yên. 

Đây là kết quả của mô hình “Nhà văn hóa-Không gian văn hóa đọc cộng đồng” do Tân Việt Books khởi xướng với sự hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp. Hội Xuất bản Việt Nam cũng có đóng góp một lượng sách lớn trong không gian này.

Bà Nguyễn Kim Thoa, CEO Tân Việt Books tâm sự rằng từ lúc đi học tới khi tốt nghiệp phổ thông, bà không được tiếp cận cuốn sách nào ngoài sách giáo khoa.

Sau này, bà Thoa luyến tiếc vì 18 năm đầu đời rất quan trọng với sự phát triển trí tuệ, nhân cách của con người. Bà nhận thấy sách là nguồn tri thức vô giá giúp mình tự tin, đưa ra được nhiều quyết định quan trọng.

“Tôi học được kiến thức, sự mạnh mẽ từ sách vở. Từ đó, tôi chọn đưa sách đến địa phương, nhất là vùng nông thôn, nơi khó tiếp cận với sách hơn ở thành phố,” bà Thoa nói.

Cải tạo nhà văn hóa thôn thành thư viện để phát triển văn hóa đọc ảnh 2Bà Nguyễn Kim Thoa, CEO Tân Việt Books. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chính vì thế, xây dựng dự án này, bà Thoa có tâm nguyện là làm sao để gieo được hạt giống tri thức cho mọi người, mọi nhà, để sau một thời gian hy vọng những hạt giống ấy sẽ nảy mầm.

"Các bậc cha mẹ hãy coi việc xây dựng thói quen đọc sách từ nhỏ cho con em mình như trao một tài sản lớn cho con trong tương lai. Con em chúng ta vẫn có thời gian trống, phụ huynh hãy cố gắng lấp đầy những khoảng trống đó để khi lớn lên chúng không chỉ có tri thức mà còn có cả tâm hồn đẹp," bà Thoa bày tỏ.

Đáng chú ý, không chỉ trao tặng cơ sở vật chất, các đơn vị tham gia dự án sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để lập ban quản lý thư viện, đảm bảo vận hành không gian đọc thân thiện, hiệu quả, đồng thời tổ chức nhiều buổi trò chuyện để truyền cảm hứng đọc sách cho người dân địa phương, đặc biệt là trẻ em.

Thêm nhiều tủ sách đến vùng nông thôn

Đại diện Tân Việt Books cho hay thư viện cộng đồng thôn Như Lân là sự khởi đầu của 300 không gian đọc tương tự trên khắp các thôn làng. Dự án sẽ tiếp tục trên tinh thần cải tạo, tích hợp không gian văn hóa đọc cộng đồng trong nhà văn hóa.

Bà Thoa cho rằng đó là cơ sở để phát triển văn hóa đọc bền vững ở vùng nông thôn.

“Thôn nào cũng được đầu tư xây dựng nhà văn hóa nhưng nhiều nơi luôn ở trong tình trạng ‘cửa đóng, then cài’ rất lãng phí hoặc chỉ mở cửa hội họp vào một số dịp nhất định. Nhận thấy điều đó, chúng tôi sẽ cùng chính quyền địa phương tạo không gian thuận lợi cho bà con tiếp cận sách dễ dàng,” bà Thoa nói thêm.

Từ đầu năm nay, chương trình “Tủ sách cơ quan-Tủ sách doanh nghiệp” cũng được Thái Hà Books thực hiện với mong muốn lan tỏa văn hóa đọc rộng rãi đến nhiều vùng, miền trên cả nước thông qua việc trao tặng tủ sách cho cơ quan, trường học tại địa phương.

Bà Nguyễn Hương, Phó tổng giám đốc điều hành Thái Hà Books (cũng là người có nhiều năm làm công tác phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng) đánh giá tỷ lệ đọc của Việt Nam đang ở mức thấp.

Để phát triển văn hóa đọc, bà Hương cho rằng thành lập tủ sách di động tại nơi công cộng (bệnh viện, trường học, bến xe buýt); đẩy mạnh xây dựng các tủ sách ở nông thôn…

Nói đến phổ cập văn hóa đọc ở nông thôn, không thể không nhắc đến anh Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng và thực hiện chương trình “Sách hóa nông thôn” nhiều năm nay. Từ chuyến đi bộ Hà Nội-Thành phố HCM năm 2010 để kêu gọi mọi người tham gia dự án, các tủ sách của anh được nhân rộng rất nhanh, gồm: Tủ sách dòng họ, Tủ sách phụ huynh, Tủ sách lớp em, Tủ sách chiến sỹ, Tủ sách giáo xứ...

Trải qua 13 năm, chương trình đã gây dựng được 30.000 tủ sách trên cả nước, mang lại cơ hội tiếp cận sách cho hơn 1 triệu bạn đọc nông thôn. Năm 2016, Nguyễn Quang Thạch trở thành người Việt Nam đầu tiên đoạt giải "Vua Sejong" về xóa mù chữ của UNESCO, một giải thưởng tôn vinh những người khai trí.

Cải tạo nhà văn hóa thôn thành thư viện để phát triển văn hóa đọc ảnh 3Nguyễn Quang Thạch, người miệt mài 'cõng' sách về nông thôn. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ về hoạt động trong năm 2022, anh Thạch cho hay chương trình “Sách hóa nông thôn” sẽ tập trung đưa sách đến những gia đình có con em trong độ tuổi 0-6.

“Đó là cách để tạo ra sự kích hoạt hệ thống 'Tủ sách gia đình' trên toàn quốc. Trẻ cần được nuôi dưỡng thói quen đọc sách ngay từ khi còn nhỏ. Ở Mỹ, khi con mới 5-6 tháng tuổi, cha mẹ đã đưa trẻ đến thư viện để tiếp cận sách,” anh nói.

Bằng nhiều cách khác nhau, những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản đang thực hiện trách nhiệm của mình với xã hội, để phát triển văn hóa đọc một cách bền vững trong cộng đồng. Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành bày tỏ sự trân trọng những nỗ lực thiết thực đó.

“Chúng tôi mong muốn phát triển văn hóa đọc cộng đồng từ cơ sở. Đây là gốc để phát triển văn hóa đọc cộng đồng bền vững. Tôi hy vọng mô hình nhà văn hóa thôn-thư viện miễn phí sẽ được ngành xuất bản nhân rộng,” ông Bảo nói.

Bà Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao mô hình không gian văn hóa đọc đặt tại nhà văn hóa, giúp thuận lợi đưa sách đến gần hơn với người dân. Những thư viện cộng đồng như thế này cần sự chung tay của hệ thống thư viện, giáo dục địa phương để hoạt động hiệu quả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục