Ngày 18/7, công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) bắt đầu được tháo dỡ để cải tạo theo thiết kế mới.
Theo thông tin từ Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang, việc tháo dỡ và cải tạo công trình do chủ đầu tư thực hiện theo phương án đã được tham vấn ý kiến của Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Viện Bảo tồn di tích, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.
Cuộc họp do Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang tổ chức để lấy ý kiến của các chuyên gia về phương án cải tạo nhà nghỉ, nhà hàng Panorama diễn ra vào tháng 3/2020 tại Hà Nội.
Công trình này sẽ được cải tạo theo thiết kế phù hợp với cảnh quan, thân thiện với môi trường, không có chức năng lưu trú mà chỉ là điểm dừng chân ngắm cảnh đỉnh đèo Mã Pì Lèng và hẻm vực Tu Sản.
Công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama được xây dựng tại điểm dừng số 40 trên đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc) với công năng kinh doanh ăn uống, giải khát và lưu trú.
Năm 2019, tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành kiểm tra công trình. Kết quả kiểm tra cụ thể cho thấy, chủ đầu tư chỉ cung cấp được một bản vẽ thiết kế chưa qua thẩm định.
Chủ đầu tư cũng báo cáo rằng người này hiện chỉ có một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đất trồng cây hằng năm, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng).
Công trình được xây dựng nằm ngoài mốc giới di tích danh thắng Mã Pì Lèng. Công trình có kết cấu bê tông, cốt thép kết hợp các dàn kết cấu thép dùng để ngắm cảnh, gồm 7 cấp xây bám theo địa hình.
[Sớm xử lý công trình xây dựng sai phạm trên đèo Mã Pì Lèng]
Mặt trước công trình (mặt bám đường quốc lộ) gồm hai đơn nguyên, đơn nguyên một gồm một tầng nổi và một tầng âm; đơn nguyên hai gồm một tầng nổi, một tum và một tầng âm.
Còn lại 6 cấp được xây thấp dần theo sườn núi, mỗi cấp một tầng, trong đó phần cuối cùng chủ đầu tư tận dụng làm gian kho, không sử dụng vào mục đích kinh doanh. Qua đo đạc thực tế, công trình tổng diện tích sàn là 476 mét vuông cộng với 78 mét vuông sàn ngắm cảnh.
Đối chiếu với quy định quản lý của đồ án quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn thì khu vực mà nhà hàng, nhà nghỉ Panorama mọc lên được quy định như sau: “Khu vực kiểm soát các hoạt động xây dựng, diện tích khoảng 28.000 ha, hạn chế xây dựng mới, chỉ xây dựng các công trình an ninh-quốc phòng, phục vụ du lịch, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật thiết yếu. Tầng cao xây dựng từ một đến ba tầng, mật độ xây dựng từ 15 đến 25%.”
Sau khi tham vấn ý kiến của các chuyên gia, bộ, ngành chức năng, tỉnh Hà Giang đề nghị chủ đầu tư tháo dỡ, cải tạo công trình thành điểm dừng chân, ngắm cảnh và yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý.
Trước đó, các chuyên gia và Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang thống nhất không phá dỡ toàn bộ công trình, nhưng biến Panorama thành điểm dừng chân và không có dịch vụ lưu trú qua đêm.
Ba tiêu chí tỉnh Hà Giang đặt ra với chủ đầu tư khi cải tạo đảm bảo kiến trúc theo kiến trúc truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc trên Cao nguyên đá Đồng Văn; đảm bảo an toàn; đảm bảo vệ sinh.
Đèo Mã Pì Lèng là đoạn Quốc lộ 4C dài khoảng 20 km nối liền hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc nằm ở độ cao 2.000 mét. Đây cũng là con đường hiểm trở nhất trên Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, một bên là vách núi đá vôi hiểm trở, bên kia là vực sông Nho Quế. Ngày 16/11/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định xếp khu vực đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang) là danh lam thắng cảnh quốc gia.
Khu vực này cũng nằm trong quần thể Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Công trình Panorama được xây dựng không phép ngay đỉnh đèo đã gây xôn xao dư luận hồi tháng 10/2019.
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên kế hoạch cải tạo công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama đến nay mới được thực hiện và sẽ được khẩn trương hoàn thành theo thiết kế mới đã phê duyệt, về cơ bản sẽ cải tạo thành điểm dừng chân ngắm cảnh./.