"Cải tạo chung cư cũ là trách nhiệm của nhà nước và dân"

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định, việc cải tạo chung cư cũ là trách nhiệm của nhà nước và có sự tham gia của người dân.
Khu tập thể Viện Hóa ở thị trấn Diễn, huyện từ Liêm, Hà Nội được xây dựng từ những năm 1970. Ảnh chụp từ tháng 7/2013. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định, việc cải tạo chung cư cũ là trách nhiệm của nhà nước và có sự tham gia của người dân.

Hầu hết các chung cư cũ là đa sở hữu, các hộ dân sở hữu căn hộ của mình nhưng phần diện tích chung vẫn do nhà nước quản lý.

Theo thời gian, các công trình này đã hết tuổi thọ sử dụng và nếu xảy ra sự cố thì trách nhiệm sẽ thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi vậy, cần thống nhất quan điểm coi việc xây dựng, tái thiết nhà chung cư cũ là trách nhiệm của nhà nước nhưng phải có sự tham gia đóng góp của người dân và thu hút đầu tư từ doanh nghiệp.

Về bản chất, nguồn gốc của nhà chung cư cũ khu vực phía Bắc là do nhà nước xây dựng, phân phối cho cán bộ sử dụng và sau đó bán hóa giá theo Nghị định 61. Tuy nhiên, diện tích toàn bộ hành lang, mái, phần sử dụng chung... vẫn do nhà nước quản lý. Như vậy cả về sở hữu và trách nhiệm vẫn là của cả nhà nước, chính quyền và người dân. Nếu những quy định và nhận thức về trách nhiệm này được làm rõ sẽ góp phần gỡ một phần nút thắt trong công tác cải tạo, xây dựng chung cư cũ.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước hiện còn gần 1.690 chung cư cũ và tập trung nhiều nhất ở hai đô thị trung tâm là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Hà Nội dẫn đầu với khoảng 1.155 nhà chung cư cao 4-6 tầng và 10 khu thấp từ 1-3 tầng. Trong đó, có hơn 980 chung cư được xây dựng trước năm 1990 và tập trung tại các quận nội thành cũ, cho các hộ gia đình thuê. Tổng diện tích các chung cư này lên tới 1,7 triệu m2 và cần được cải tạo xây dựng lại.

Ngoài ra còn các khu nhà tập thể đơn lẻ, quy mô nhỏ, khu nhà do các cơ quan tự quản nằm rải rác, xen kẽ trong các khu phố. Thế nhưng, sau 10 năm nỗ lực thực hiện chương trình này, Hà Nội cũng chỉ mới xây mới được 14 trên tổng số gần 1.000 chung cư cũ.

Tiếp đến là thành phố Hồ Chí Minh với hơn 530 chung cư có tuổi đời xây dựng từ trước năm 1975. Phần lớn các chung cư này đều xuống cấp, hư hỏng nặng do đã hết niên hạn sử dụng.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã hoàn thành di dời, tháo dỡ để xây mới 38 lô chung cư bị hư hỏng, xuống cấp, với tổng số 3.387 hộ dân. Kế hoạch giai đoạn năm 2013-2015 sẽ có 65 lô chung cư được xây dựng mới với hơn 7.680 hộ dân.

Hiện kinh phí để cải tạo, xây dựng lại số lượng chung cư cũ trên toàn quốc là rất lớn. Bởi vậy, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng cần có chiến lược xây dựng, cải tạo chung cư cũ một cách cụ thể với lộ trình và kế hoạch rõ ràng.

Ngoài việc thu xếp nguồn vốn, đưa ra phương thức đầu tư hợp lý thì các chung cư cũ sẽ được cải tạo, xây mới theo mức độ xuống cấp của công trình. Nhà nước sẽ là người “cầm cân nảy mực” để điều tiết hài hòa lợi ích của các bên tham gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục