"Cái mất" của Trung Quốc và "cái được" của Đông Nam Á

Đối với nhiều quốc gia Đông Nam Á, mất mát của Trung Quốc chính là "cái được" của họ. Các nước ASEAN đã ghi nhận những dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực xanh cao nhất từ trước đến nay.
"Cái mất" của Trung Quốc và "cái được" của Đông Nam Á ảnh 1Dây chuyền sản xuất nước ngọt đóng chai tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Trang mạng project-syndicate.org, COVID-19 đã phơi bày vô số điểm yếu của các chuỗi giá trị xuyên biên giới. Từng là "xương sống" của toàn cầu hóa, giờ đây chúng lại rất dễ bị gián đoạn.

"Nhờ" đại dịch, các chuỗi giá trị đang được cơ cấu lại với trọng tâm là khả năng phục hồi. Đồng thời, vai trò đang thay đổi của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu đang buộc các công ty phải xem xét lại việc coi Trung Quốc là một trung tâm sản xuất.

"Công xưởng của thế giới" đã tự đổi mới mình và trở thành nhà đầu tư của thế giới. Việc gia tăng số hóa hoạt động sản xuất và căng thẳng thương mại đang diễn ra với Mỹ cũng góp phần khiến các công ty "di cư" khỏi Trung Quốc.

Những công ty ra đi bao gồm các công ty đến từ một loạt các quốc gia và hoạt động trong nhiều ngành công nghiệp. Hasbro - hãng sản đồ chơi của Mỹ - đã đóng cửa nhà máy ở Trung Quốc và ưu tiên cho các cơ sở tại Việt Nam; hãng điện tử khổng lồ Sony của Nhật Bản đã chuyển hoạt động sang Thái Lan; và công ty Cotton Club của Hàn Quốc đang chuyển hoạt động sản xuất sang Philippines, Campuchia và Indonesia.

Ngay cả các công ty Trung Quốc cũng đang rời khỏi đất nước này để tìm tới các điểm đến ít tốn kém hơn. Mức lương ở Trung Quốc cao gấp đôi ở Việt Nam và gần bằng 70% ở Hàn Quốc. Tình trạng thiếu lao động cũng gây khó khăn cho việc giảm chi phí sản xuất.

Hơn nữa, sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất trong nước trên thị trường Trung Quốc đã khiến đất nước này trở nên kém hấp dẫn hơn với tư cách là một trung tâm sản xuất. Một thập kỷ trước, điện thoại Galaxy của Samsung nắm giữ hơn 20% thị trường Trung Quốc; ngày nay, thị phần của dòng điện thoại này chỉ còn dưới 0,5%.

Trước xu hướng như vậy, Samsung đã quyết định chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất hàng tiêu dùng cuối cùng ra khỏi Trung Quốc. Công ty này hiện chỉ duy trì 3 nhà máy ở Trung Quốc và chúng chỉ sản xuất các bộ phận trung gian - chip bán dẫn, pin cho ôtô điện và các tụ điện gốm nhiều lớp giúp ổn định dòng điện trong bảng mạch.

[Tiếng chuông cảnh tỉnh đối với nền kinh tế Trung Quốc]

Đặc biệt, Hàn Quốc đã triển khai các bước đi để khuyến khích các công ty của họ đưa hoạt động sản xuất về nước. Trong thập kỷ qua, chính phủ Hàn Quốc đã ban hành một số chính sách - bao gồm các lợi ích về thuế, trợ cấp và giảm giá đất - để khuyến khích các doanh nghiệp đưa hoạt động sản xuất về nước.

Vào năm 2019, quốc gia này đã sửa đổi thêm “Đạo luật quay đầu” để áp dụng cho nhiều ngành công nghiệp hơn, bao gồm cả các công ty hoạt động trong lĩnh vực thông tin và tri thức. Những chính sách này, kết hợp với các yếu tố bên ngoài, đã góp phần vào sự gia tăng ổn định số lượng các công ty Hàn Quốc đưa hoạt động sản xuất về nước - từ 9 công ty năm 2018 lên 16 công ty vào năm 2019 và 21 công ty vào năm 2020.

Các công ty quay trở lại Hàn Quốc hoạt động trong nhiều ngành công nghiệp - từ điện tử, đồ trang sức đến ôtô - và hầu hết họ đều chuyển về từ Trung Quốc.

Việc số hóa hoạt động sản xuất là một yếu tố khác thúc đẩy việc các doanh nghiệp đưa nhà máy trở về nước. Nhiều công ty nhận thấy rằng việc xây dựng các “nhà máy thông minh” được số hóa cao ở ngay trong nước và đóng cửa các dây chuyền sản xuất cũ ở Trung Quốc là rất hợp lý.

Ví dụ, công ty may mặc Hàn Quốc G&G Enterprise đã xây dựng một nhà máy thông minh mới, hoàn toàn tự động ở Tây Nam Hàn Quốc, giúp công ty này có khả năng cạnh tranh về giá và linh hoạt hơn khi muốn đa dạng về sản phẩm, ngay cả trong lĩnh vực dệt may vốn sử dụng nhiều lao động.

Đối với các công ty gặp nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số này, chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập một cơ chế hợp tác công-tư đặc biệt để giúp các doanh nghiệp trở về nước và xây dựng các nhà máy thông minh.
Tăng cường số hóa dường như cũng là một cách hiệu quả để đối phó với thách thức chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Ví dụ, Hyundai Motors trước đây đã chuyển toàn bộ việc sản xuất các bộ dây dẫn sang cho các nhà cung cấp ở Trung Quốc (hoạt động thuê ngoài), nhưng dịch COVID-19 đã khiến hoạt động sản xuất đơn giản nhưng cần nhiều lao động này phải đóng cửa. Nhờ chương trình chuyển đổi kỹ thuật số của Hàn Quốc, việc sản xuất các bộ dây dẫn của Hyundai hiện đang được chuyển về nước.

Đối với nhiều quốc gia ở Đông Nam Á, mất mát của Trung Quốc chính là "cái được" của họ. Nhờ làn sóng di dời và đưa hoạt động sản xuất trở về nước, năm 2019, các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ghi nhận những dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực xanh cao nhất từ trước đến nay.

Mặc dù tác động kinh tế của đại dịch đã làm giảm các dòng chảy đó vào năm 2020, song mối quan tâm dành cho khu vực này vẫn mạnh. Tăng trưởng kinh tế trong tương lai ở các nước ASEAN, và khả năng đóng góp của các nước này vào chuỗi giá trị toàn cầu, phụ thuộc vào mức độ thành công của họ trong việc thu hút các doanh nghiệp muốn chuyển địa điểm hoặc chuyển hoạt động sản xuất về gần, đặc biệt là từ Trung Quốc. Các chính phủ ASEAN cần nhìn nhận và nắm bắt cơ hội này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục