Cái giá “chục ngàn tỷ USD” do thất bại trong đầu tư phát triển bình đẳng giới

Hiện nay, nhiều nước đang thất bại trong việc dành các khoản đầu tư cho phụ nữ, khiến họ bị mất nhiều cơ hội phát triển kinh tế. Đây là thông tin trích ra từ một báo cáo mới công bố của Liên hợp quốc.

Phụ nữ và trẻ em sống trong một khu trại dành cho người Somali phải di cư vì nạn đói. (Nguồn: Guardian)
Phụ nữ và trẻ em sống trong một khu trại dành cho người Somali phải di cư vì nạn đói. (Nguồn: Guardian)

Một báo cáo dự đoán rằng sẽ cần đến 500 tỉ USD để đạt được sự bình đẳng về quyền sử dụng mạng Internet trong vòng 5 năm tới và nạn tảo hôn sẽ vẫn tiếp diễn cho đến năm 2092

Hiện nay, nhiều nước đang thất bại trong việc dành các khoản đầu tư cho phụ nữ, khiến họ bị mất nhiều cơ hội phát triển kinh tế. Đây là thông tin trích ra từ một báo cáo mới công bố của Liên hợp quốc.

Cụ thể, Báo cáo Gender Snapshot từ Cơ quan Liên hợp quốc về Phụ nữ (UN Women) cho biết cái giá mà nhân loại phải trả cho việc không thể cung cấp hoạt động giáo dục một cách đầy đủ và hiệu quả cho những phụ nữ trẻ có thể lên tới 10.000 tỷ USD mỗi năm. Những quốc gia có thu nhập trung bình hoặc thấp sẽ mất khoảng 500 tỷ USD trong 5 năm tới nếu như họ không thể thu hẹp khoảng cách về giới trong hoạt động sử dụng công nghệ thông tin. Ngoài ra, việc tăng hỗ trợ cho các nữ nông dân trên toàn cầu có thể mang lại 11 nghìn tỷ USD cho GDP toàn thế giới.

Ông Papa Seck, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Thu thập Dữ liệu tại UN Women cho biết: “Cái giá của việc không đảm bảo được quyền bình đẳng cho phụ nữ đã là rất cao. Nhưng cùng với đó, lợi ích đạt được cũng là rất nhiều, nên các xã hội khó có thể tiếp tục phớt lờ vấn đề này.”

Một báo cáo thường niên đánh giá tiến trình đạt được bình đẳng giới qua các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc cũng thấy rằng số phụ nữ gặp vấn đề về thiếu hụt lương thực nhiều hơn nam giới 47,8 triệu người. Ngoài ra, phải cần đến 137 năm nữa để nạn nghèo đói cực cùng ở phụ nữ có thể được chấm dứt hoàn toàn. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu có thể đẩy hơn 158 triệu phụ nữ và trẻ em gái vào hoàn cảnh khốn cùng khi so với nam giới.

Báo cáo cũng cho hay, hiện chưa có quốc gia nào có tất cả các điều luật cần thiết để xóa bỏ sự phân biệt đối xử về giới, cũng như ngăn chặn bạo lực theo giới, bảo vệ quyền bình đẳng trong hôn nhân, đảm bảo thu nhập công bằng giữa các giới và cung cấp đầy đủ những dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Trong 120 nước mà báo cáo có thể thu thập dữ liệu, hơn một nửa còn tồn tại ít nhất 1 rào cản trong luật pháp, ngăn phụ nữ làm những công việc giống như nam giới. Khoảng một nửa không nêu rõ hành vi hiếp dâm phải dựa trên sự thiếu đồng thuận trong mối quan hệ.

Tại Anh, chuyên gia về Luật Phụ nữ ở Đại học Nottingham, bà Rachel Saunders, cho rằng chính quyền nên tạo những điều luật bắt buộc các lãnh đạo doanh nghiệp phải chia sẻ thông tin về lương của nhân viên và cung cấp thông tin cho phụ nữ nếu xung quanh khu vực họ sống có tội phạm tình dục.

Bà cũng nói thêm rằng kể cả khi những điều luật này tồn tại thì phần nhiều trong số chúng không được thực thi hiệu quả. Một ví dụ là Bộ luật Bình đẳng 2010, đáng ra phải bảo vệ người dân nước Anh khỏi vấn đề phân biệt đối xử ở nơi làm việc, nhưng Saunders nói rằng vẫn còn khoảng cách trong mức lương và phụ nữ vẫn được coi là người mặc nhiên phải nghỉ sau sinh, thay vì chồng của cô, hoặc trách nhiệm này cần chia sẻ giữa hai người.

Bà Jemina Olchawski, Chủ tịch Hội Fawcett chuyên đấu tranh cho quyền bình đẳng giới chia sẻ rằng có một luồng tư tưởng tự mãn đang tồn tại, đánh giá những vấn đề phân biệt giới tính chỉ còn là “hình bóng” của một thời đại xa xưa, khi phụ nữ chưa có những quyền bình đẳng như bây giờ. Họ cũng tư duy rằng mọi thứ sẽ dần được cải thiện theo lẽ tự nhiên.

“Điều này chắc chắn sẽ không diễn ra” bà nói. “Chúng ta hiện nay vẫn còn đang tiếp tục ghim sâu và thậm chí là tạo thêm những tư tưởng bất bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái.”

Bà cũng chỉ ra những hoàn cảnh đáng buồn mà phụ nữ phải trải qua ở khắp nơi trên thế giới, ví dụ như tại Afghanistan khi phụ nữ còn không được đi làm, đi học và được phát ngôn tại nơi công cộng theo những quy định mà chính quyền Taliban đặt ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục