Cải cách tư pháp: Niềm tin và cách ứng xử với niềm tin

Trong lịch sử tố tụng hình sự, nhiều trường hợp bị can, bị cáo tự giác khai nhận hành vi để mong được hưởng lượng khoan hồng; có trường hợp bị can khai nhận ngay từ giai đoạn điều tra.
Trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao. (Nguồn: tapchitoaan.vn)

Trong lịch sử tố tụng hình sự, nhiều trường hợp bị can, bị cáo tự giác khai nhận hành vi để mong được hưởng lượng khoan hồng.

Có trường hợp bị can khai nhận ngay từ giai đoạn điều tra, thậm chí ngay cả khi chưa bị khởi tố về hành vi đó, họ đã nhận tội. Có trường hợp bị kết án tử hình, tới khi bị đưa ra thi hành án tử hình mới khai thêm về hành vi của đồng phạm (vụ án Vũ Xuân Trường-Xiêng Phênh mua bán trái phép chất ma túy)… Tất cả những trường hợp này đều mong muốn hướng tới việc được giảm nhẹ hình phạt, cho họ có cơ hội để làm lại cuộc đời.

Trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), quá trình điều tra các bị cáo về hành vi “Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng," bị can Lê Nam Trà (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone) đã tự giác đầu thú, tự khai ra việc nhận hối lộ 2,5 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG) và tự nguyện nộp lại đầy đủ số tiền này.

Sau động thái đó của Lê Nam Trà, lần lượt các bị can khác cũng tự giác khai nhận và tự nguyện khắc phục hậu quả. Việc hợp tác này là rất đặc biệt, nhất là đối với hành vi đưa và nhận hối lộ. Hợp tác đến mức chưa bị khởi tố về hành vi đó, họ đã nhận tội và khắc phục hậu quả. Điều này chứng tỏ các bị cáo đều đã nhận thức được sai phạm của mình và có ý thức khắc phục để giảm thiểu hậu quả, giảm trách nhiệm hình sự mà mình phải đối mặt.

Có thể nói, trong số các hành vi phạm tội, hành vi đưa và nhận hối lộ là hành vi khó bị phát giác nhất, bởi chỉ có người đưa và người nhận tiền biết, rất khó để có bằng chứng hoặc nhân chứng chứng minh điều này.

[Cải cách tư pháp: Bước chuyển mạnh mẽ của các cơ quan tố tụng]

Trong nhiều vụ án kinh tế trọng điểm, các sai phạm của bị cáo là rất rõ ràng, song các cơ quan tố tụng không thể làm rõ được nguyên nhân, động cơ nào dẫn đến việc các bị cáo cố tình thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, cố tình cho các đối tượng khác được mua nhà đất, công sản với giá rẻ, được hưởng ưu đãi sai chính sách của Nhà nước… bất chấp hậu quả pháp lý có thể xảy ra.

Trong những vụ án đưa và nhận hối lộ này, việc các bị cáo tự giác đầu thú, khai nhận hành vi và tự nguyện khắc phục, hoàn trả lại số tiền đã nhận là đặc biệt đáng được ghi nhận. Bởi lẽ, nếu họ khai thêm ra, tức là họ sẽ bị khởi tố thêm tội danh, tức là họ sẽ bị tăng hình phạt. Trong khi họ hoàn toàn có thể không khai hoặc thông đồng phản cung, chối tội… nhưng họ đã không làm như vậy.

Để làm được điều này, chắc chắn các bị cáo không chỉ nhận thức được sai phạm của họ mà còn đặt niềm tin rất lớn vào việc nếu khai ra, họ sẽ được hưởng khoan hồng của pháp luật. Việc này đòi hỏi các cơ quan tố tụng phải nhìn nhận, phải có đánh giá để có một chính sách phù hợp, trả lời cho dư luận và các trường hợp khác.

Khi bị can, bị cáo đặt niềm tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật, những cơ quan này phải có trách nhiệm động viên và có cách ứng xử phù hợp với niềm tin đó. Tránh trường hợp động viên xong, bị cáo khai ra, bị cáo hợp tác, mà không có một chính sách pháp luật cho bị cáo. Nếu không đề xuất chính sách pháp luật phù hợp, sẽ không khuyến khích được người phạm tội khai báo.

Vấn đề đặt ra là các cơ quan bảo vệ pháp luật cần vận dụng và xem xét quyết định áp dụng đường lối xử lý như thế nào đối với cá nhân đó? Quyết định áp dụng này không chỉ là quyết định đối với cá nhân đó, mà quan trọng hơn là tạo ra một cơ chế pháp luật để cho người khác, đối tượng khác ý thức được nếu như mình cũng tự giác, thành khẩn như vậy, sẽ được hưởng chính sách tương tự. Quyết định này nhằm cả hai mục tiêu xử phạt và giáo dục, khuyến khích sự chuyển biến nhận thức trong các bị can, bị cáo.

Hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên án vụ MobiFone mua AVG, ngày 28/12/2019. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Quay trở lại vụ án MobiFone mua cổ phần của AVG, Hội đồng xét xử đã cân nhắc trường hợp của bị cáo Lê Nam Trà đã đầu thú, thành khẩn nhận tội, chủ động, tích cực tham gia vào việc hủy bỏ Thỏa thuận và Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần AVG; tự thú và tự nguyện nộp lại số tiền nhận hối lộ ngay khi chưa bị phát hiện… Vì vậy, bị cáo Lê Nam Trà được Hội đồng xét xử cho hưởng mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với cả hai tội danh “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ.”

Trong khi cùng bị truy tố về hai tội danh này, bị cáo Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) lại bị tuyên mức án trong khung hình phạt do không có những tình tiết giảm nhẹ như bị cáo Trà.

Tương tự đối với bị cáo Phạm Nhật Vũ, không chỉ có ý thức trách nhiệm trong việc giữ nguyên lời khai từ giai đoạn điều tra đến khi xét xử, tự giác khai nhận hành vi đưa hối lộ, mà bị cáo Vũ còn có ý thức khắc phục hậu quả vụ án.

Cụ thể, bị cáo Vũ đã khắc phục toàn bộ thiệt hại của vụ án (hơn 8.445 tỷ đồng); đồng thời còn tự nguyện trả thêm cho MobiFone hơn 329 tỷ đồng (gồm tiền lãi suất, chi phí thuê tư vấn và các chi phí phát sinh khác mà MobiFone đã chi phí cho việc mua bán cổ phần) và chủ động thanh toán 120 tỷ đồng (mua lại thiết bị, vật tư tồn kho mà MobiFone đã đầu tư mua sắm sau khi nhận chuyển nhượng), nâng tổng số tiền bị cáo Vũ tự nguyện thanh toán thêm lên gần 450 tỷ đồng… Với những tình tiết giảm nhẹ này, Hội đồng xét xử đã quyết định cân nhắc giảm đáng kể hình phạt cho bị cáo Vũ, dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.

Trên thực tế, những trường hợp tự nguyện khai báo, tự giác khắc phục hậu quả như vậy đều được các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khi lượng hình, cân nhắc giảm nhẹ hình phạt tương xứng với mức độ hành vi.

Tuy nhiên, tại mỗi địa phương, mỗi cấp Tòa án có cách áp dụng khác nhau, tùy thuộc vào nhận định của từng Hội đồng xét xử. Điều này đòi hỏi việc xem xét, cân nhắc giảm nhẹ hình phạt cho các đối tượng phạm tội có thái độ hợp tác khai báo, tích cực phối hợp điều tra, chủ động khắc phục hậu quả… cần được áp dụng thống nhất, tạo thành những án lệ, làm cơ sở để giải quyết những vụ việc tương tự về sau, tạo niềm tin pháp lý vững chắc cho những người vi phạm khi muốn sửa chữa lỗi lầm. Đó cũng chính là bước tiến quan trọng trong việc cải cách tư pháp ở từng giai đoạn tố tụng, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục