Cải cách tổ chức bộ máy: Sắp xếp huyện, xã '3 giảm, 5 tăng'

Công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố có bước đột phá quan trọng, là cơ sở để các địa phương tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII.
Cải cách tổ chức bộ máy: Sắp xếp huyện, xã '3 giảm, 5 tăng' ảnh 1Cán bộ xã Tân Long (sáp nhập từ 2 xã Tân Lập và Long Thành), thuộc huyện Thủ Thừa, Long An, hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)

Ở thời điểm năm 2017, Ban Chấp hành Trung ương đánh giá các đơn vị hành chính địa phương nhìn chung quy mô nhỏ, nhiều đơn vị không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định, nhất là cấp huyện, cấp xã; chưa phân định thật rõ tính đặc thù của chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo...

Đến nay, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là một thành công nổi bật sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo khẳng định của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố có bước đột phá quan trọng, là cơ sở để các địa phương tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

Bước đột phá quan trọng

Nghị quyết số 18-NQ/TW đã đề ra mục tiêu đến năm 2021, sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và giảm số lượng thôn, tổ dân phố.

Từ năm 2021 đến năm 2030, phân định rõ và tổ chức thực hiện mô hình chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; cơ bản hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thôn, tổ dân phố theo tiêu chuẩn quy định.

[Cải cách tổ chức bộ máy: ''5 giảm'' ở bộ máy hành chính cấp tỉnh]

Triển khai Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021, trong 2 năm, toàn ngành nội vụ đã tham mưu cấp có thẩm quyền tiến hành sáp nhập cấp huyện, cấp xã ở 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Qua đó, cấp huyện giảm 8 đơn vị so với thời điểm năm 2015, còn 705 đơn vị hành chính, trong đó có 529 huyện (giảm 17 huyện), 46 quận (giảm 3), 52 thị xã (tăng 1) và 78 thành phố (tăng 11).

Cấp xã giảm 557 đơn vị, từ 11.160 đơn vị còn 10.603 đơn vị hành chính. Cùng với đó, số thôn, tổ dân phố cũng giảm 38.369 tổ chức so với năm 2015, còn 98.455 tổ chức.

“Trong giai đoạn 2016-2020, đã thực hiện sáp nhập, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã bảo đảm đúng tiêu chí quy định; đổi mới việc phân loại đơn vị hành chính để làm cơ sở xác định cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế phù hợp với quy mô và đặc thù từng loại đơn vị hành chính. Rà soát tiêu chí và sắp xếp lại thôn, tổ dân phố, qua đó, giảm đầu mối, giảm số người hoạt động không chuyên trách, tăng cường hiệu quả hoạt động,” Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết.

Theo Bộ trưởng, các Sở Nội vụ đã chủ động, tích cực, sáng tạo tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn và địa giới hành chính, bảo đảm đúng quy định của Trung ương, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

“3 giảm,” “5 tăng”

Đi đầu trong công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện (huyện), cấp xã (xã), tỉnh Hòa Bình đã giảm 1 huyện và 59 xã.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Chương cho biết xác định sắp xếp các đơn vị hành chính là một chủ trương lớn, quan trọng và đúng đắn của Đảng, Nhà nước; phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của nước ta trong thời kỳ đổi mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TU về thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính.

Ngoài các xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, tỉnh Hòa Bình quy định sắp xếp đối với các xã chưa đạt 20% tiêu chuẩn về diện tích hoặc chưa đạt 30% tiêu chuẩn về quy mô dân số.

Tỉnh khuyến khích nhập các xã với thị trấn để mở rộng quy hoạch đô thị và thuận lợi trong quy hoạch khu cụm công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, của các huyện, thành phố. Đây là sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh Hòa Bình.

Với chủ trương này, từ tháng 2/2018 đến tháng 5/2019, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã thống nhất triển khai phương án: Hợp nhất huyện Kỳ Sơn vào thành phố Hòa Bình (giảm 1 huyện); sắp xếp 106 xã để hình thành 47 xã, giảm 31 đơn vị chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định.

Phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm của công dân, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, sau khi nắm vững chủ trương và phương án sắp xếp, đến ngày 30/6/2019, đã có 100% xã, phường, thị trấn của Hòa Bình tổ chức xong việc lấy ý kiến cử tri về phương án sắp xếp huyện, xã. Trong đó, 8 xã có 100% cử tri nhất trí, 82 xã có trên 90% cử tri nhất trí, không có đơn vị có dưới 60% cử tri nhất trí.

Ngày 17/12/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hòa Bình, theo đó, giảm 1 huyện, giảm 59 xã.

Hiện nay, tỉnh Hòa Bình còn 10 huyện, thành phố, 151 xã, phường, thị trấn, tỷ lệ giảm số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh đạt 28% trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã trước khi sắp xếp, cao nhất cả nước.

Trên cơ sở Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14, đến ngày 20/2/2020, chỉ chưa đầy 2 tháng, thành phố Hòa Bình và các xã, phường, thị trấn hợp nhất đã hoàn thành việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; trụ sở, trang thiết bị và đi vào hoạt động theo đơn vị hành chính mới.

Đặc biệt, sau khi tổ chức Đại hội Đảng bộ cấp xã tháng 6/2020 và Đại hội Đảng bộ thành phố Hòa Bình tháng 8/2020, số lượng cấp ủy và các chức danh lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã được sắp xếp theo đúng quy định và hướng dẫn của Trung ương.

Quá trình sắp xếp, hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị đều thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội; tiếp tục duy trì phát triển kinh tế-xã hội, tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025; đảm bảo giữ vững quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội; giải quyết tốt các nhu cầu của tổ chức và nhân dân.

Đội ngũ cán bộ, công chức trên địa bàn đã được kiện toàn, sắp xếp phù hợp với trình độ, năng lực và vị trí việc làm. Thành phố Hòa Bình đã giảm 45 người so với trước khi sáp nhập huyện Kỳ Sơn vào thành phố.

Đối với cấp xã đã sắp xếp, giải quyết chế độ cho 474 cán bộ, công chức; giải quyết cho 783 người hoạt động không chuyên trách.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Chương, việc sắp xếp huyện, xã đã giảm chi thường xuyên toàn tỉnh là 170,41 tỷ đồng/năm, trong đó, cấp huyện giảm 34 tỷ đồng, cấp xã giảm 136,41 tỷ đồng (trung bình mỗi xã giảm 2,312 tỷ đồng).

Còn tại Hà Tĩnh, đánh giá của địa phương này cho thấy hiệu quả việc sáp nhập xã có 3 giảm: giảm 46 đơn vị hành chính, từ 262 còn 216 xã; giảm cán bộ, công chức, bán chuyên trách: giảm 1084/2321 người, tỷ lệ giảm 46,7%; giảm chi hành chính 138 tỷ đồng/năm.

Có 5 tăng là tăng không gian phát triển; tăng tư duy tầm nhìn, kết nối vùng cho đội ngũ cán bộ; tăng nguồn lực đầu tư phát triển; tăng hiệu lực, hiệu quả điều hành và đặc biệt là tăng niềm tin của nhân dân với Đảng.

Một kết quả nổi bật khác qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nêu lên tại Hội nghị triển khai công tác Nội vụ năm 2021 mới đây, đó là Quốc hội đã ban hành ba Nghị quyết về mô hình tổ chức chính quyền đô thị nhằm tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước trên địa bàn các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Đánh giá về việc cải cách bộ máy, Kết luận số 74-KL/TW của Bộ Chính trị nêu rõ: “Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tiếp tục được kiện toàn, sắp xếp tinh gọn, nhất là đầu mối bên trong của các tổ chức, cơ quan, đơn vị; mối quan hệ công tác của các cơ quan, tổ chức được bổ sung, hoàn thiện từng bước khắc phục sự trùng lắp, chồng chéo. Sự phân công, phân cấp giữa trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới hợp lý hơn; các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và các thôn, bản, ấp tổ dân được sắp xếp lại...; qua đó, đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, giảm chi thường xuyên, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục