Cải cách tiền lương: Khuyến khích công chức phấn đấu thành lãnh đạo

Một trong ba đề án quan trọng được Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII tập trung thảo luận, xem xét, quyết định là cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.
Cải cách tiền lương: Khuyến khích công chức phấn đấu thành lãnh đạo ảnh 1Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp. (Ảnh: Anh Tuấn/Vietnam+)

Một trong ba đề án quan trọng được Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII tập trung thảo luận, xem xét, quyết định là cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp.

[Cải cách chính sách tiền lương để nâng cao đời sống người lao động]

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để cung cấp thêm thông tin về những thay đổi về chính sách tiền lương trong đề án này.

- Thưa ông, chính sách tiền lương sẽ được điều chỉnh ra sao trong đề án cải cách tiền lương?

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Cải cách tiền lương được thực hiện trong hai khu vực: Doanh nghiệp và khối cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.

Tiền lương trong khu vực doanh nghiệp hiện nay đang được cải cách khá triệt để. Tiền lương tối thiểu trước đây là do Chính phủ ấn định thì giờ là do Hội đồng Tiền lương Quốc gia quyết định với sự tham gia của đại diện ba bên: Chính phủ, doanh nghiệp, người lao động cùng thương thảo, thống nhất.

Tiền lương ở doanh nghiệp hiện nay do chủ doanh nghiệp và người lao động thương lượng xây dựng thang lương bảng lương. Cơ chế thương lượng, thỏa thuận tiền lương trong doanh nghiệp đang theo cơ chế thị trường.

Sự thay đổi mạnh mẽ lần này là cải cách tiền lương trong khu vực cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Cải cách tiền lương lần này cần chú ý đến ba yếu tố: Thứ nhất là có bao nhiêu tiền, điều này sẽ phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước; Thứ hai là sử dụng bao nhiêu người để tính toán mức lương trung bình, sử dụng nhiều người thì lương thấp, sử dụng ít người thì lương cao; Thứ ba là quy định khoảng cách giữa các thang bậc lương, giữa các mức thấp nhất, trung bình, tối đa, nếu mức lương thấp nhất mà cao thì mức lương trung bình, tối đa phải giảm xuống vì ngân sách chỉ có vậy.

- Vậy việc tính toán tiền lương sẽ được cải cách như thế nào, thưa ông?

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Đề án lần này đã thiết kế bảng lương chức vụ và bảng lương về chuyên môn nghiệp vụ.

Người có chuyên môn nghiệp vụ thì sẽ dựa trên đánh giá về năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hiệu quả công việc để sắp xếp lại tiền lương. Bảng lương chuyên môn nghiệp vụ xây dựng để khuyến khích công chức theo đuổi chuyên môn nghiệp vụ, phấn đấu đạt chức vụ lãnh đạo.

Bảng lương chức vụ được xây dựng để tránh câu chuyện là lãnh đạo nhiều khi lương thấp hơn người không làm lãnh đạo, thứ trưởng có khi lương thấp hơn vụ trưởng.

Cải cách tiền lương: Khuyến khích công chức phấn đấu thành lãnh đạo ảnh 2Bảng lương khu vực cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ được thiết kế lại. (Ảnh minh họa: TTXV

Trong cải cách lần này, bảng lương được thiết kế 70% là tiền lương, 30% là phụ cấp để tránh chuyện lương thì thấp mà phụ cấp thì nhiều, méo mó về quan hệ tiền lương.

Tất nhiên vẫn phải có yếu tố đánh giá, trong thiết kế bảng lương cũng dành một khoản tiền thưởng do thủ trưởng đơn vị quyết định, tức là dựa trên đánh giá năng lực cán bộ, mức độ hoàn thành nhiệm vụ để có thể thưởng khuyến khích. Nhiều lần được thưởng tức là hoàn thành nhiệm vụ và có thể tăng lên ngạch bậc cao hơn, nhận mức lương cao hơn.

- Tại sao chính sách tiền lương ở Việt Nam đã trải qua 4 lần cải cách nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, thưa ông?

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Những lần trước cải cách chưa thành công lý do chính là nằm ở các vấn đề tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước, đổi mới đơn vị sự nghiệp công, cơ chế quản lý, tài chính không tiến hành song song cùng lúc với cải cách tiền lương. Trong khi biên chế thì cứ tăng mà ngân sách lại hạn hẹp thì làm sao mà cải cách nổi.

Trong lần cải cách này, cùng với cải cách tiền lương thì hội nghị trung ương có hai nghị quyết: Nghị quyết về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của cơ quan nhà nước và Nghị quyết về đổi mới cơ chế quản lý tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Như vậy, sự sắp xếp lại, tinh giản ở các đơn vị sự nghiệp kết hợp với tự chủ sẽ hướng tới tính đúng, tính đủ các giá dịch vụ cung cấp và có nguồn để cải cách.

- Nguồn ngân sách cho tiền lương là một khoản chi thường xuyên khổng lồ, khó khăn này sẽ được giải quyết thế nào trong đề án lần này, thưa ông?

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Những lần cải cách tiền lương trước chúng ta đều gặp khó khăn về nguồn ngân sách nhưng lần này sẽ có những giải pháp như mức tăng thu từ ngân sách nhà nước ở địa phương sẽ được để lại ít nhất 50% để cải cách. Cùng với việc tinh giản biên chế và nguồn tăng thu dành ít nhất 50% thì sẽ giải quyết được cả về số lượng con người và cả về khoản tiền chi trả lương. Tiền dùng cho cải cách năm nay không hết có thể tiếp tục dùng cho năm sau để cải cách tiền lương.

Những vướng mắc trước đây về biên chế, bộ máy, nguồn kinh phí ở đề án lần này thì có thể xử lý được nên tôi hy vọng việc cải cách tiền lương sẽ thành công.

Lần cải cách tiền lương này sẽ đòi hỏi sự duy trì và quyết tâm. Nếu thấy bí về ngân sách, bí về câu chuyện đánh giá cán bộ mà ngừng không thực hiện nữa thì sẽ khó mà cải cách được, chúng ta phải kiên trì, quyết tâm theo đuổi việc thực hiện cải cách.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục