Cải cách tiền lương: Cần thay đổi cách tính theo hệ số nhân phức tạp

Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam Chang Hee Lee khuyến nghị Việt Nam nên thiết lập lương cơ bản theo cấp bậc và phụ cấp nên ở dạng con số tuyệt đối chứ không phải là nhân hệ số.
Cải cách tiền lương: Cần thay đổi cách tính theo hệ số nhân phức tạp ảnh 1Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi tiếp. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Chiều 8/11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đã làm việc với các chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế ILO tại Việt Nam, trao đổi kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, tiền lương và một số kiến nghị đối với Việt Nam trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Đề án cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công. Đề án sẽ được trình Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, hiện nay Chính phủ Việt Nam đang xây dựng Đề án về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội. Dự kiến đề án này sẽ được xem xét thông qua vào tháng 5/2018. Nhiệm vụ này, Chính phủ Việt Nam đã triển khai trong nhiều năm.

Năm 2017 đã đặt hàng với nhiều chuyên gia để có luận cứ cũng như những kinh nghiệm quốc tế cho hai lĩnh vực này. Đoàn công tác của Chính phủ cũng đã nghiên cứu, khảo sát ở cả lĩnh vực công và lĩnh vực tư, tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo và sẽ tiếp tục có các khảo sát từ nay đến cuối năm, trước khi hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đây là một lĩnh vực rất khó, có phạm vi rộng.

Đề án bao gồm cả khu vực công, các khu vực trong tổ chức nhà nước, khu vực sản xuất (cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân), liên quan đến các chính sách bảo hiểm xã hội - một trong những trụ cột an sinh xã hội. Đây cũng là một vấn đề rất nhạy cảm vì liên quan đến hầu như tất cả những người đang trong độ tuổi lao động cũng như đã nghỉ hưu.

Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam đã nghiên cứu nhiều năm, tiền lương đã qua nhiều lần cải cách vào các năm 1960, 1985 (khi Việt Nam chuyển đổi từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường), tiếp đó là vào năm 1993 và có một số điều chỉnh vào năm 2004.

[Những quy định mới về việc đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2018]

Để có thể tổ chức thành công chính sách này, Việt Nam cũng đã nghiên cứu và ban hành hai chính sách. Đó là chính sách về tổ chức, sắp xếp lại toàn bộ các đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm gần 60.000 tổ chức với khoảng 2,6 triệu người đang hưởng lương.

Mục tiêu là đến năm 2021 giảm 10% về số lượng đầu mối và giảm 10% biên chế, sắp xếp lại một cách triệt để các đơn vị sự nghiệp công lập, gồm lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, các lĩnh vực văn hóa-xã hội, thông tin truyền thông và các lĩnh vực sự nghiệp khác.

Hội nghị Trung ương 6 đã ban hành Nghị quyết 19 về vấn đề này. Cũng trong hội nghị trên, Nghị quyết 18 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã được ban hành.

“Nếu không làm được hai việc này thì cải cách chính sách tiền lương rất khó khăn vì nó liên quan đến nguồn lực của Nhà nước. Trước đây đường đi của chính sách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội trùng nhau, chúng tôi nhận thức rằng đây là hai chính sách có liên quan đến nhau nhưng phải có hai cách nhìn khác nhau,” Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Phó Thủ tướng mong muốn được nghe kinh nghiệm của các nước, các chuyên gia của ILO và nhận được sự hỗ trợ từ tổ chức này thông qua việc tổ chức hội thảo, tọa đàm liên quan.

Trao đổi một số thông tin, Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam Chang Hee Lee cho biết chính sách quốc gia về tiền lương, bảo hiểm xã hội là một chính sách kinh tế-xã hội then chốt, có ảnh hưởng đến sinh kế của tất cả công dân cũng như tính cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Với bản chất đó, không chỉ ở Việt Nam mà cả các quốc gia khác trên thế giới, đây là chính sách luôn gây nhiều tranh cãi, rất khó để Chính phủ, công đoàn cũng như giới chủ có sự đồng thuận.

Ông Chang Hee Lee cho rằng lương tối thiểu chỉ có chức năng hữu hạn trong một số lĩnh vực trong nền kinh tế thị trường, việc thương lượng tập thể giữa người lao động và công đoàn mới là quá trình then chốt để xác định mức lương thực tế và các điều kiện làm việc khác phụ thuộc vào yêu cầu cụ thể của từng doanh nghiệp.

Ở Việt Nam, thương lượng tập thể chưa phát triển, trong khi đó yêu cầu của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU là phải phê chuẩn được Công ước 98 của ILO. Đây là yếu tố để thúc đẩy thương lượng từ đó thúc đẩy vấn đề xác lập thương lượng tiền lương trong nền kinh tế thị trường.

Cải cách tiền lương: Cần thay đổi cách tính theo hệ số nhân phức tạp ảnh 2Quang cảnh buổi tiếp. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Theo ông Chang Hee Lee, cần cải thiện hơn nữa thống kê về tiền lương, tăng cường hơn nữa năng lực của bộ phận thư ký giúp việc cho Hội đồng Tiền lương quốc gia để họ có năng lực tốt hơn trong việc giám sát cũng như đánh giá tác động của tiền lương tối thiểu, giữa tiền lương và việc làm.

Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam cũng khuyến nghị cần có một công thức để ước lượng điều chỉnh tiền lương tối thiểu hay thống nhất về những tham số trong những công thức đó, như vậy việc xác định, ấn định để điều chỉnh tiền lương tối thiểu có thể dự báo trước được.

Những cách thức để cải thiện tiền lương khu vực công, theo ông Chang Hee Lee, đây là vấn đề đặc biệt phức tạp bởi liên quan đến rất nhiều yếu tố khác nhau. Ông nhấn mạnh đến ba điểm gồm phạm vi của khu vực công, bình đẳng tiền lương giữa khu vực công-khu vực tư và cấp bậc vị trí cấu trúc lương.

Theo đó, quy mô phạm vi của khu vực công Việt Nam rất lớn bao gồm các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức nghề nghiệp và báo chí... điều này có thể dẫn đến có nhiều công chức có hệ số lương bằng nhau trong một bộ phận trong một phòng ban, vụ.

Băn khoăn về việc Việt Nam vừa sử dụng mức lương cơ sở chung cho tất cả các cán bộ, công chức, vừa áp dụng hệ số lương, ông Chang Hee Lee cho rằng hệ số nhân phức tạp có thể là nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề về lương trong khu vực công.

Nó làm mờ sự khác biệt tiền lương giữa các cấp bậc khác nhau. Có thể có nhiều công chức có hệ số lương tương tự trong một bộ phận, phá vỡ hệ thống phân cấp và thẩm quyền trong đơn vị. Tăng lương cơ sở được nhân lên theo hệ số khiến cho Bộ Tài chính rất khó kiểm soát tổng tiền lương.

Với hệ thống hệ số lương như vậy, rất khó để đảm bảo sự bình đẳng trong trả lương giữa khu vực công và khu vực tư, đồng thời cũng làm khó cho vấn đề bảo hiểm xã hội.

Khuyến nghị được ông Chang Hee Lee đưa ra là nên thiết lập lương cơ bản theo cấp bậc và phụ cấp nên ở dạng con số tuyệt đối chứ không phải là nhân hệ số. Các hệ số có thể được sử dụng để phản ánh sự khác biệt theo vùng.

Về chính sách bảo hiểm xã hội, các chuyên gia của ILO khuyến nghị Việt Nam cần thay đổi từng bước, tránh đột ngột; tăng cường mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm xã hội.

Ghi nhận các ý kiến, khuyến nghị của các chuyên gia ILO, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mong muốn ILO tiếp tục có đề xuất cụ thể liên quan tới vấn đề tiền lương, nhất là trả lương theo cấp bậc, vị trí với các nguyên tắc, cách thức thực hiện; cung cấp các tài liệu về mô hình tiền lương, bảo hiểm xã hội của một số nước để Việt Nam tham khảo; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Việt Nam trong thảo luận, hỗ trợ các vấn đề liên quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục