Ngày 30/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư châu Âu (EU-Mutrap), tổ chức hội thảo giới thiệu Thông tư số 41/2014/TT-BCT, ngày 5/11/2014, do Bộ Công Thương ban hành, quy định căn cứ, thủ tục xác định người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Bà Lưu Mai Lan, đại diện Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương, cho biết, Thông tư số 41/2014/TT-BCT, nhằm góp phần bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh việc quản lý người lao động nước ngoài tại Việt Nam, thực hiện hiệu quả hơn chủ trương cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam. Đồng thời, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động nước ngoài cũng như người sử dụng lao động nước ngoài theo đúng quy định pháp luật.
Cụ thể là trong 11 ngành dịch vụ trong Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với WTO gồm kinh doanh; thông tin; xây dựng; phân phối; giáo dục; môi trường; tài chính; y tế; du lịch; văn hóa giải trí và vận tải.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cũng giống như các văn bản pháp quy khác, Thông tư số 41/2014/TT-BCT, hiện tồn tại thiếu sót nhất định, cần được kịp thời điều chỉnh để phù hợp và cập nhật xu thế phát triển của thị trường lao động trong bối cảnh thương mại tự do.
Ngoài ra, theo hệ thống Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới có hiệu lực từ 1/7/2015, đã xuất hiện một số hình thức đầu tư mới chưa được Thông tư số 41/2014/TT-BCT quy định.
Đơn cử, bên cạnh hình thức hợp đồng kinh doanh, Luật Đầu tư 2014 đưa ra quy định mới về hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (TPP), nhưng Thông tư số 41/2014/TT-BCT chưa đưa hình thức đầu tư TPP vào trong đối tượng được hưởng quy định về miễn giấy phép lao động cho người lao động di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Luật sư Công ty Luật Mayer Brown GSSM nhấn mạnh, trên thực tế có phát sinh nhiều trường hợp di chuyển nhân viên nội bộ trong cùng một tập đoàn của nhà đầu tư nước ngoài và đây là nhu cầu hết sức tự nhiên của doanh nghiệp.
Nhưng trường hợp di chuyển lao động giữa hai công ty con trong cùng tập đoàn nước ngoài lại không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 41/2014/TT-BCT. Vì vậy, để đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, Bộ Công Thương nên cân nhắc cho phép người lao động di chuyển giữa các công ty con được hưởng quy chế miễn giấy phép lao động.
Tại hội thảo, các chuyên gia nhận định, vấn đề di chuyển lao động quốc tế chuyên môn cao có xu hướng ngày càng tăng do các rào cản đã dần được tháo bỏ trong các cam kết khu vực và quốc tế của Việt Nam.
Mặc dù vậy, tự do di chuyển lao động nói chung vẫn gặp phải một số thách thức do các quy định luật và việc thực thi pháp luật của Việt Nam còn nhiều bất cập. Việc đồng bộ hóa các quy định đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo tuân thủ cam kết khu vực và quốc tế của Việt Nam./.