Cải cách ngân hàng Tây Ban Nha đã đi đúng hướng

Theo IMF, cải cách tài chính của Tây Ban Nha đi đúng hướng, tuy nhiên nguy cơ khó khăn đối với nền kinh tế nước này vẫn còn rất cao.
Hệ thống ngân hàng của Tây Ban Nha, vốn thoát khỏi tình trạng vỡ nợ hồi năm ngoài nhờ gói cứu trợ từ "bộ ba" chủ nợ quốc tế trị giá 41,3 tỷ euro (53 tỷ USD), đang dần mạnh lên, song vẫn đang đối mặt với nhiều nguy cơ. Đây là kết luận đưa ra trong báo cáo giám sát lần thứ 3 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố ngày 15/7.

IMF cho rằng các cuộc cải cách trong lĩnh vực tài chính của Tây Ban Nha hiện vẫn đang đi đúng hướng, tuy nhiên nguy cơ đối với nền kinh tế nước này vẫn còn rất cao xuất phát từ khó khăn chung của nền kinh tế.

Theo IMF, Madrid cần phải điều chỉnh theo hướng giảm thâm hụt ngân sách, giảm nợ khu vực tư nhân hiện đang ở mức rất cao, đối phó với tình trạng sụt giảm giá bất động sản, bảo đảm các chương trình tăng trưởng và hỗ trợ kinh tế phục hồi.

[Tây Ban Nha đang dần phục hồi từ cuộc khủng hoảng]

Bất chấp nhận được gói cứu trợ từ "bộ ba" chủ nợ quốc tế gồm Liên minh châu Âu (EU), IMF và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), song nền kinh tế lớn thứ tư châu Âu này vẫn chìm ngập trong suy thoái từ năm 2011, khiến hàng triệu người mất việc làm và tỷ lệ thất nghiệp chiếm tới hơn 26% lực lượng lao động của đất nước.

Đây chính là nguyên nhân tạo nên làn sóng biểu tình phản đối chính phủ kéo dài suốt thời gian qua.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày Thống đốc Ngân hàng trung ương Hungary Gyorgy Matolcsy cho biết nước này sẽ thanh toán khoản nợ khoảng 2,2 tỷ euro trong khoản vay trị giá 20 tỷ euro mà nước này vay của "bộ ba" IMF, Ngân hàng thế giới (WB) và EU năm 2008, song yêu cầu IMF đóng cửa văn phòng của mình tại Budapest.

Mối quan hệ giữa Hungary và IMF đã trở nên căng thẳng từ đầu năm nay sau khi cuộc đàm phán về khoản vay thứ hai trị giá 15 tỷ euro kéo dài từ năm 2011 đổ vỡ do bất đồng về các điều kiện cho vay./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục