Cải cách chính sách tiền lương: Lương thấp, "làm khó để ló ra tiền"

Mức tiền lương không đủ sống hiện nay dẫn đến hệ luỵ không mong muốn là nhiều cán bộ, công chức, viên chức phải tìm nguồn khác ngoài lương để bù đắp phần thiếu hụt.
Cải cách chính sách tiền lương: Lương thấp, "làm khó để ló ra tiền" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thực tế cho thấy chính sách tiền lương trong khu vực công còn khá phức tạp, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức chưa phản ánh đúng giá trị lao động của loại lao động đặc biệt này do duy trì quá lâu chính sách tiền lương thấp và phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước theo kiểu “gọt chân cho vừa giày," với tư duy coi tiền lương là một “khoản chi phí” và do đó chưa thực hiện đầy đủ “trả lương đúng cho người lao động là đầu tư cho phát triển."

"Chảy máu” nhân lực

Thống kê đến hết năm 2016, Việt Nam có 54,41 triệu người thuộc lực lượng lao động, trong đó có trên 22 triệu lao động làm công ăn lương, hơn 9 triệu lao động có hợp đồng lao động.

Thu nhập của người lao động (không kể ăn ca) trung bình gần 5,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra người lao động còn nhận được tiền làm thêm giờ và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác với khoảng 1,3-1,5 triệu đồng.

Nếu không có các khoản làm thêm giờ, hỗ trợ từ phía doanh nghiệp thì tiền lương của người lao động rất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn và không thể có tích lũy.

Từ năm 2004 đến 2017, tốc độ tăng lương cơ sở đã lên tới 4,5 lần, nhưng so với thị trường lao động thì còn quá thấp, chưa đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho công chức, viên chức.

So với lương tối thiểu vùng Chính phủ công bố áp năm 2018, mức tiền lương cơ sở mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu sống tối thiểu.

Tác động đòn bẩy của tiền lương đến năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc và phát triển thị trường lao động còn hạn chế. Bên cạnh đó, đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách quá lớn và ngày càng tăng, tạo sức ép lớn và khó khăn cho cải cách cơ cấu ngân sách Nhà nước.

[Cải cách tiền lương: Lương thấp, phụ cấp cao đang tạo ra sự méo mó]

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Lý đưa ra phép so sánh việc cải cách tiền lương đã không mang lại kết quả như mong muốn, vẫn đạt ở mức quá thấp so với thị trường lao động, nhiều người tiền lương tăng thêm còn chưa đủ để chi bù cho tốc độ trượt giá.

Tại Tòa án Nhân dân Tối cao, ngoài thu nhập thêm từ tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết việc dân sự thì Thẩm phán, Thư ký Tòa án được hưởng thu nhập do tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu khoa học (số này rất ít, chưa cải thiện, nâng cao đời sống của người hưởng lương), thu nhập do tiết kiệm chi do khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Phó Chánh án Lê Hồng Quang cho biết thu nhập của cán bộ, công chức còn thấp, không thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc. Việc giải quyết tiền lương và phụ cấp chưa đồng bộ so với yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án trong sạch, vững mạnh theo yêu cầu cải cách tư pháp; không tạo được tính cạnh tranh trong đội ngũ cán bộ, công chức, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động công vụ.

“Một số bất hợp lý của hệ thống tiền lương hiện hành chưa tạo được sự yên tâm công tác lâu dài và thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao đối với đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án," Phó Chánh án Lê Hồng Quang cho hay.

Bài học đắt giá đã và đang xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mến cho biết trung bình một nhân viên cơ quan này mỗi năm thực hiện thu-chi khoảng 80 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mỗi nhân viên còn phải thực hiện các công việc khác như đốc thu, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội...

Khối lượng công việc lớn, áp lực cao nhưng hiện nay mức thu nhập bình quân của nhân viên chỉ từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Chính vì thế, nhiều nhân viên đã xin nghỉ việc. Từ năm 2013 đến nay, có 192 người nghỉ việc. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay đã có 14 người xin nghỉ, trong đó có cả nhân sự cấp trưởng, phó phòng. Ông Mến lo ngại tình trạng nhân viên nghỉ việc hàng loạt sẽ còn tiếp diễn, khi số lượng thu – chi hàng năm của Bảo hiểm xã hội Thành phố tăng lên từ 18-25%.

"Tất cả các địa phương đều nói không có ngành nào làm việc như ngành Bảo hiểm xã hội, làm cả thứ 7, chủ nhật và vi phạm luôn Luật Bảo hiểm xã hội. Có nhiều con em của các lãnh đạo không chịu được áp lực nên đã xin nghỉ," Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam nguyễn Thị Minh cho hay.

"Làm khó để ló ra tiền"

Mức tiền lương không đủ sống hiện nay dẫn đến hệ luỵ không mong muốn là nhiều cán bộ, công chức, viên chức phải tìm nguồn khác ngoài lương để bù đắp phần thiếu hụt.

Tình trạng sử dụng chi phí hoạt động hành chính để bổ sung thu nhập của người lao động khá phổ biến, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước, phát sinh những tiêu cực, lãng phí trong quản lý tài chính, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước.

Mâu thuẫn, bất cập dễ nhận biết nhất là mặc dù tiền lương chưa đủ sống, nhưng thu nhập ngoài lương lại rất cao (phụ thuộc vào vị trí, chức danh việc làm, loại hình dịch vụ công, vùng, miền...) và áp lực tăng chi ngân sách nhà nước ngày càng lớn.

[Bất cập trong chính sách tiền lương: Nguyên nhân do đâu?]

Hiện có đến trên 20 loại phụ cấp lương có tính chất cơi nới bù vào lương cho cán bộ, công chức, viên chức lương thấp, dẫn đến việc trả lương theo người và thâm niên là chủ yếu, làm cho biên chế ngày càng tăng và khó kiểm soát. Còn nhiều khoản thu nhập ngoài lương nên việc quản lý tiền lương, thu nhập chưa thực sự được công khai, minh bạch; cơ chế kiểm soát thu nhập còn kém hiệu quả.

Cải cách chính sách tiền lương: Lương thấp, "làm khó để ló ra tiền" ảnh 2Toàn cảnh phiên thảo luận Đề án cải cách chính sách tiền lương tại Hội nghị Trung ương 7. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Chuyên gia dự án hỗ trợ cải cách hành chính Thành phố Hồ Chí Minh Diệp Văn Sơn cho rằng, mức lương quá thấp như hiện nay sẽ dẫn tới hội chứng "tước đoạt để bù đắp tiền lương" trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, hay nói cách khác là "làm khó để ló ra tiền," tham nhũng, tiêu cực.

Còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận “tệ nạn tham nhũng phổ biến khiến cho dù tiền lương chính thức thấp, nhưng công chức vẫn sống khỏe và không thực sự có động lực muốn cải cách hệ thống tiền lương. Ai mong muốn cải cách tiền lương thì thường là những người có năng suất cao, làm việc giỏi, mong muốn cải cách để họ hưởng xứng đáng hơn, nhưng những người làm việc kém thì họ không muốn vì họ được hưởng lợi từ hệ thống hiện nay”.

Tiền lương đã không còn là động lực cho lao động làm việc bởi lương đang bị cào bằng, xé nhỏ. Người làm nhiều cũng như người làm ít, tính lương theo thâm niên.

Quy định khoảng cách các bậc lương không thấp hơn 5% vô tình “chơi khó” doanh nghiệp khiến họ phải tìm cách sa thải lao động có tuổi, có thâm niên cao để khỏi phải trả lương cao.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, từ lâu tiền lương được xem là rào cản, cản trở sự phát triển.

"Đã đến lúc phải cải cách toàn diện cả thang lương, bảng lương, mức lương cơ sở, hệ số lương, bội số lương và các khoản phụ cấp nhằm đảm bảo tiền lương thực sự là đòn bẩy thúc đẩy tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác và coi đầu tư cho tiền lương cũng là đầu tư cho phát triển”, ông Bùi Sỹ Lợi đề nghị./.

Đón đọc bài 4: Bí nguồn cải cách tiền lương, trăm sự đổ bộ máy

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục