Ngày 23/6, các chuyên gia kinh tế và giới phân tích hàng đầu Trung Quốc nhận định nước này nên giải phóng sức mạnh của cải cách để bù đắp những tác động tiêu cực bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại do Mỹ khơi mào.
Nhận định trên được đưa ra vài ngày trước khi lãnh đạo hai nước Trung Quốc và Mỹ dự kiến gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 14 Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Nhật Bản với kỳ vọng phá vỡ sự bế tắc vốn đang gây khó khăn cho cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Các chuyên gia kinh tế của Viện nghiên cứu tư duy và thực tiễn kinh tế Trung Quốc thuộc Đại học Thanh Hoa cùng ngày cũng công bố một bản báo cáo về kinh tế Trung Quốc, trong đó dự đoán nền kinh tế của gã khổng lồ châu Á sẽ ổn định và tăng trưởng 6,3% trong năm nay, đáp ứng mục tiêu từng được công bố hồi tháng 3/2019 của Chính phủ Trung Quốc là trong khoảng 6-6,5%.
[Trung Quốc gặp nhiều khó khăn do sự giảm tốc của nền kinh tế]
Đáng chú ý, những số liệu được công bố trên cũng trùng khớp với một báo cáo riêng do Đại học Nhân dân Trung Quốc (RUC) công bố hôm 22/6, trong đó cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc ngay cả khi đối mặt với những cú sốc bên ngoài.
Báo cáo này của RUC dự đoán tăng trưởng sẽ đi đúng hướng để đáp ứng mức tăng trưởng 6,1% trong nửa đầu năm nay.
Báo cáo RUC cũng lưu ý rằng xuất khẩu ròng - động lực chính phục vụ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - đã đảo ngược với tăng trưởng âm từng được ghi nhận trong năm 2018 và đã đóng góp 1,46 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế trong Quý 1/2019.
Cũng theo báo cáo, số liệu trên cho thấy Chính phủ Trung Quốc đã thành công trong việc ổn định hoạt động xuất khẩu và đầu tư nước ngoài trong bối cảnh môi trường thương mại không thuận lợi và áp lực đi xuống của nền kinh tế toàn cầu.
Điều đó cũng cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc trước những bấp bênh.
Chuyên gia kinh tế Vạn Triết tại Trung tâm Hợp tác Quốc tế thuộc Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc nêu rõ: “Mặc dù đang phải đối mặt với sức ép, Trung Quốc đã thể hiện một mức độ phục hồi nhất định. Biểu hiện kinh tế hiện tại cho thấy Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một số điều chỉnh kịp thời và quốc gia có năng lực huy động mạnh mẽ.”
Theo bà Vạn Triết, cuộc chiến thương mại đi ngược lại tiến trình toàn cầu hóa và không tốt cho bất cứ nước nào.
Còn giáo sư Lý Đạo Quỳ, Viện trưởng Viện nghiên cứu tư duy và thực tiễn kinh tế Trung Quốc thuộc Đại học Thanh Hoa, chỉ ra rằng mặc dù môi trường thương mại và đầu tư toàn cầu không gây ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Trung Quốc, song sự bấp bênh đã ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng.
Giới chuyên gia Trung Quốc nhận định dấu hiệu của những liên kết yếu có thể bị phát hiện trong hoạt động đầu tư và tiêu dùng. Việc giảm doanh số bán bất động sản tại các thành phố nhỏ hơn của Trung Quốc và doanh số tiêu thụ xe hơi đang rất đáng lo ngại.
Báo cáo của Đại học Thanh Hoa phân tích doanh số bán ôtô, vốn chiếm khoảng 10% tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng, đã cho thấy sức ép đáng kể. Doanh số bán xe khách đã giảm khoảng 15% trong 5 tháng đầu năm nay, trong khi cùng kỳ năm 2018 từng có mức tăng 5%.
Về vấn đề niềm tin, ông Quan Đào, cựu quan chức cấp cao của Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc, cho biết người tiêu dùng và nhà đầu tư sẽ quyết định cách họ hiểu về sự tăng trưởng GDP chậm lại ở Trung Quốc - một từ khóa sẽ được nhắc nhiều trong những năm tới.
Ông Quan Đào nêu rõ: "Khi mọi người có niềm tin, họ sẽ hiểu một nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại ở trên một khía cạnh tích cực. Còn khi không có niềm tin, họ sẽ hiểu nó theo chiều hướng tiêu cực."
Giáo sư Lý Đạo Quỳ chỉ ra rằng Trung Quốc có tiềm năng lớn chưa được khai thác từ việc nâng cấp các ngành công nghiệp hiện hành thông qua việc đổi mới công nghệ.
Theo vị giáo sư từng là cố vấn cho Ngân hàng trung ương Trung Quốc và Ngân hàng Thế giới (WB), nếu Trung Quốc có thể nâng cấp 10% công suất sản xuất thép khổng lồ mỗi năm, thông qua việc tái phân bổ nhà máy và nâng cấp thiết bị, khoản đầu tư tài sản cố định bắt buộc sẽ đóng góp 0,35 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP.
Ông Lý Đạo Quỳ nêu rõ để đạt được tiềm năng của mình, Trung Quốc cần phải tung ra các biện pháp cải cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, một bài báo trên tờ Nhân dân Nhật báo hôm 23/4 cũng chỉ ra rằng môi trường kinh doanh được cải thiện, cùng với giảm thuế và phí, đã giúp ổn định niềm tin kinh doanh, trong khi đó, đổi mới và nâng cấp đang tạo ra động lực mới cho sự tăng trưởng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất.
Số liệu này tăng 2,7% hàng năm trong khoảng thời gian từ tháng 1-5, nhanh hơn 0,2 điểm phần trăm so với những gì được ghi nhận trong 4 tháng đầu năm nay./.