Cách Trung Quốc đối mặt với những bao vây kinh tế của Mỹ

Trung Quốc dường như đang nhắm tới việc tăng cường quan hệ với Hàn Quốc, Singapore và cả Nhật Bản để phá vỡ thế bao vây. Nhưng các nước châu Á này cũng lo ngại bị cuốn vào cuộc đối đầu Mỹ-Trung.
Quốc kỳ Trung Quốc và quốc kỳ Mỹ trước một phiên thảo luận về thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 14/2/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trung Quốc đang tìm cách thoát khỏi vòng vây của Mỹ bằng cách tăng cường quan hệ ngoại giao với các nước châu Á, giữa bối cảnh mối quan hệ căng thẳng với Mỹ và phương Tây ngày càng gay gắt, khiến Bắc Kinh rơi vào thế cô độc trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ quốc gia Đông Á có thực hiện được ý đồ của mình hay không, do các nước châu Á lo ngại bị cuốn vào cuộc đối đầu Mỹ-Trung.

Song song với đó, Trung Quốc cũng xác định rằng Bắc Kinh cần tăng cường nhận thức từ góc độ cuộc chiến lâu dài, đồng thời tăng tốc hình thành cục diện phát triển mới để lấy đại tuần hoàn trong nước làm chủ thể.

Xoay trục về những “người bạn châu Á”

Theo báo Nikkei, từ ngày 19-22/8, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Dương Khiết Trì đã đi thăm Singapore và Hàn Quốc.

Tại Hàn Quốc, ông Dương Khiết Trì đã có cuộc gặp với cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon và hai bên đã nhất trí sớm thực hiện chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Hàn Quốc.

Quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước phương Tây như Anh và Australia đang xấu đi xung quanh các vấn đề như nguồn gốc của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và việc Trung Quốc thi hành Luật An ninh Quốc gia tại Hong Kong (Trung Quốc).

[Cuộc đối đầu Mỹ-Trung Quốc và sự quan ngại của ASEAN]

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng để xảy ra xung đột quân sự với Ấn Độ tại khu vực biên giới giữa hai nước.

Theo đánh giá của một giáo sư Đại học Bắc Kinh, quan hệ ngoại giao của Trung Quốc hiện nay “bốn phương tám hướng đều bị tắc nghẽn.”

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đang nhắm tới việc tăng cường quan hệ với các nước châu Á như Hàn Quốc, Singapore và cả Nhật Bản để phá vỡ thế bao vây.

Trong số này, Hàn Quốc cũng là nước đang gặp nhiều khó khăn về đối ngoại, do đó sẵn lòng cải thiện quan hệ với Bắc Kinh.

Điều Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in ưu tiên nhất là cải thiện quan hệ với Triều Tiên, nhưng hiện nay các cuộc đối thoại liên Triều đã bị hủy bỏ.

Cùng với đó, quan hệ Hàn-Mỹ cũng đang bất ổn do Washington đang gây sức ép buộc Seoul gánh vác nhiều hơn chi phí cho lực lượng đồn trú Mỹ tại Hàn Quốc.

Do vậy, việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại số một của Hàn Quốc, là có lợi cho cả hai nước.

Quan hệ Hàn-Trung xấu đi từ năm 2017 khi Seoul đồng ý cho Mỹ triển khai hệ thống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại nước này, dẫn đến các biện pháp trả đũa của Trung Quốc một thời gian dài sau đó.

Do vậy, một nguồn tin ngoại giao Hàn Quốc đánh giá việc Chủ tịch Tập Cận Bình có ý định đến thăm Hàn Quốc trong thời gian tới đây sẽ là dấu mốc đánh dấu sự cải thiện trong quan hệ hai nước.

Trước khi tới Hàn Quốc, ông Dương Khiết Trì đã đi thăm Singapore và có cuộc đàm thoại với Thủ tướng Lý Hiển Long.

Theo hãng tin Tân Hoa xã, ông Dương Khiết Trì có nhận định rằng “các yếu tố gây mất ổn định tình hình thế giới đang tiếp diễn,” do đó Bắc Kinh muốn tăng cường quan hệ với các nước ASEAN.

Dù Singapore là nước giữ quan điểm trung lập trước căng thẳng Mỹ-Trung song cộng đồng Hoa kiều chiếm trên 70% dân số nước này nên đây là một lợi thế giúp Bắc Kinh tìm kiếm sự ủng hộ từ đảo quốc.

Trong ngày 20/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đã mời người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi tới thăm đảo Hải Nam và triển khai chính sách “ngoại giao vắcxin” khi cam kết hỗ trợ và cùng nghiên cứu phát triển vắcxin phòng COVID-19 với quốc gia Đông Nam Á này.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng duy trì và không để mối quan hệ với Nhật Bản xấu đi.

Sau khi dỡ bỏ lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Hoa Đông, giới chức Trung Quốc đã lệnh cho các tàu cá nước này không được tới gần khu vực gần quần đảo tranh chấp giữa hai nước mà Tokyo gọi là Senkaku còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.

Hôm 15/8, khi 4 Bộ trưởng đương nhiệm trong Chính phủ Nhật Bản đi viếng đền Yasukuni, nơi thờ một số tội phạm chiến tranh hạng A và được coi là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản trước đây, giới chức và báo giới Trung Quốc cũng có những phản ứng mang tính kiềm chế, khác hẳn với thái độ chỉ trích mạnh mẽ như các năm trước đây.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc cải thiện quan hệ cũng sẽ khiến nhiều nước châu Á rơi vào thế phải “chọn phe” giữa Mỹ hay Trung Quốc.

Như trường hợp với Hàn Quốc, nếu Tổng thống Moon Jae-in thể hiện thái độ ủng hộ Trung Quốc khi chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra thì quan hệ Hàn-Mỹ sẽ không tránh khỏi căng thẳng.

Ngoài ra, cho đến nay, Hàn Quốc vẫn chưa thể hiện chính kiến xung quanh việc Trung Quốc thi hành Luật An ninh Quốc gia tại Hong Kong hay loại bỏ các sản phẩm 5G của Huawei như Mỹ gây sức ép. Hàn Quốc cũng có thái độ không rõ ràng đối với việc ngăn chặn ứng dụng Tik Tok.

Dù không xem nhẹ quan hệ đồng minh với Mỹ, nhưng trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ đang giảm mạnh xung quanh các chính sách kinh tế và phòng chống dịch COVID-19, Chính quyền ông Moon Jae-in có lẽ sẽ ưu tiên cải thiện quan hệ với Trung Quốc hơn nhằm khắc phục thiệt hại kinh tế do COVID-19 gây ra, đồng thời kéo dài thời gian để chờ đợi kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tới đây.

Đối sách hai quỹ đạo tuần hoàn

Trong khi đó, về phía nội bộ, chính sách kinh tế 5 năm tiếp theo (2021-2025) của Trung Quốc dự báo sẽ có sự thay đổi quan trọng khi bước vào giai đoạn “nội tuần hoàn” (phát triển nhu cầu trong nước) nhằm giảm thiểu tác động từ sự kiềm tỏa của Mỹ cũng như môi trường khó khăn bên ngoài.

Ngày 30/7, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhóm họp và xác định: “Cần tăng cường nhận thức từ góc độ cuộc chiến lâu dài, đồng thời tăng tốc hình thành cục diện phát triển mới để lấy đại tuần hoàn trong nước làm chủ thể, 2 quỹ đạo tuần hoàn trong, ngoài nước cùng thúc đẩy nhau.”

Một nhà máy ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, ngày 6/7/2019. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Trên thực tế, từ giữa tháng 5/2020 trở lại đây, khái niệm phát triển kinh tế “nội tuần hoàn” và kinh tế “2 quỹ đạo tuần hoàn” đã được giới chức cấp cao Trung Quốc nhiều lần đề cập tới cả trong hội nghị chính hiệp toàn quốc (Mặt trận Tổ quốc Trung ương) và tại một số diễn đàn kinh tế và tọa đàm với doanh nghiệp.

“Tuần hoàn” cũng trở thành chủ đề nóng trong lĩnh vực kinh tế của Trung Quốc, được chuyên gia và người dân bàn thảo sôi nổi gần đây.

Nguồn thạo tin của Reuters cho hay căng thẳng với Mỹ và tình hình dịch bệnh toàn cầu đang khiến rủi ro bên ngoài tăng lên.

Kinh tế Trung Quốc đang tìm kiếm cách giảm sự lệ thuộc vào thị trường và công nghệ nước ngoài.

Lãnh đạo Trung Quốc đưa ra cái gọi là “kinh tế 2 quỹ đạo tuần hoàn,” trong đó ưu tiên chấn hưng nhu cầu trong nước bằng hình thức “nội tuần hoàn” và lấy “ngoại tuần hoàn” (phát triển thị trường bên ngoài) làm bổ trợ.

Dự kiến, việc phát triển kinh tế “2 quỹ đạo tuần hoàn” sẽ trở thành trọng điểm công tác của Kế hoạch Phát triển Kinh tế xã hội lần thứ 14 (2021-2025), được Hội nghị Trung ương 5 khóa 19 Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc phê chuẩn vào tháng 10/2020 và trình Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc tại kỳ họp vào đầu năm 2021.

Kỳ thực, vào những năm 1980, khái niệm “2 quỹ đạo tuần hoàn” đã được đưa ra ở Trung Quốc và trở thành chủ trương chính sách.

Theo tờ Economic Journal, trong hơn 40 năm cải cách mở cửa, đặc trưng phát triển kinh tế của Trung Quốc là “ngoại tuần hoàn” đóng vai trò chủ thể.

Nói cách khác, Trung Quốc nhập khẩu một lượng lớn tài nguyên, vốn và công nghệ từ nước ngoài, sau đó sử dụng lao động trong nước sản xuất rồi xuất khẩu phần lớn hàng hóa ra nước ngoài.

Lần này, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt “nội tuần hoàn” lên trước “ngoại tuần hoàn” và xác định rõ “nội tuần hoàn” đóng vai trò chủ thể, cho thấy phát triển nhu cầu trong nước đã được coi là động lực chủ yếu của kinh tế nước này.

Không gian phát triển kinh tế “2 quỹ đạo tuần hoàn” do “nội tuần hoàn” đóng vai trò chủ đạo ở Trung Quốc là rất lớn. Bởi tới hết năm 2019, tiêu dùng trong nước ở Trung Quốc mới chỉ chiếm 39% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Trong khi đó, tỷ lệ này ở Nhật Bản và Mỹ lần lượt là 55% và 70%. Bên cạnh đó, Trung Quốc có thị trường khổng lồ với 1,4 tỷ dân, cao gấp nhiều lần so với Mỹ.

Liên quan đến chủ trương phát triển kinh tế “2 quỹ đạo tuần hoàn”, giới kinh tế hiện có 3 cách nhìn nhận.

Thứ nhất, đề cập tới bối cảnh sản sinh ra chính sách kinh tế mới của Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Chứng khoán Đại học Phúc Đán Vương Nghiêu Cơ.

Ông Vương Nghiêu Cơ cho rằng “2 quỹ đạo tuần hoàn” là sách lược ứng chiến của Trung Quốc trước tình trạng kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh trong nước và tác động nghiêm trọng từ sự thay đổi của kinh tế quốc tế ở bên ngoài.

Thứ hai là yêu cầu mang tính chính sách của giới chức cấp cao Trung Quốc thông qua bài viết đăng ngày 24/5/2020 trên tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Bài báo có đoạn: “Phải phát huy đầy đủ ưu thế thị trường quy mô siêu lớn trong nước, lấy việc đáp ứng nhu cầu trong nước làm xuất phát điểm và điểm dừng chân của sự nghiệp phát triển, tăng tốc xây dựng hệ thống nhu cầu trong nước hoàn chỉnh, nỗ lực đả thông các khâu từ sản xuất, phân phối, lưu thông tới tiêu dùng, nâng cao trình độ hiện đại hóa của chuỗi cung ứng, chuỗi ngành nghề, tạo ưu thế phát triển mới trong tương lai.”

Thứ ba là đề cập của nhà kinh tế Quản Thanh Hữu về sự thay đổi từ việc thực hiện phát triển kinh tế “2 quỹ đạo.”

Vị chuyên gia đồng thời là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tài chính Như Thị này cho rằng “2 quỹ đạo tuần hoàn” chí ít gồm 5 điều then chốt: Thống nhất thị trường, kích thích nhu cầu trong nước, số hóa kinh tế, xây dựng lại chuỗi ngành nghề và bố trí lại các khu vực. Trong đó, thống nhất thị trường là cơ sở, kích thích nhu cầu trong nước là động lực, số hóa kinh tế là nâng cao, xây dựng lại chuỗi ngành nghề và bố trí lại các khu vực là kết quả./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục